Mới đây, mạng xã hội xôn xao đoạn trò chuyện giữa Hồ Văn Cường và một người lạ. Đoạn chat cho thấy nam ca sĩ tỏ quyết tâm muốn tách khỏi Phi Nhung, thậm chí tỏ thái độ bức xúc khi sống chung với mẹ nuôi.
Sáng 9.6, trao đổi với Thanh Niên, Hồ Văn Cường xác nhận nội dung tin nhắn "tố xấu" Phi Nhung là do mình trò chuyện với một khán giả. Nam ca sĩ cho biết cuộc hội thoại này xảy ra cách đây vài tháng trước. Đồng thời, Hồ Văn Cường cho biết: "Hình như em bị một hacker nào đó hack tin nhắn giữa em và một khán giả" rồi tung nội dung đoạt chat này lên mạng xã hội.
Ngày 10.6, trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi hack nick facebook của người có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội của người khác là vi phạm pháp luật...”
Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hiện nay, hành vi hack facebook hoặc các tài khoản mạng xã hội của người khác diễn ra rất nhiều, mà các hacker thực hiện hành vi này có những mục đích khác nhau. Trong đó có người hack để giả danh chủ nhân tài khoản yêu cầu người thân, người quen chuyển tiền hay nạp card điện thoại, có người hack để đánh cắp dữ liệu cá nhân của người khác.
Tuy nhiên, “những hacker này không hiểu rằng hành vi chiếm quyền điều khiển, quyền quản trị của người khác đối với các tài khoản mạng xã hội của họ là hành vi vi phạm pháp luật bởi nó đã xâm phạm vào bí mật đời tư, thư tín điện tín của người khác, được pháp luật bảo hộ”, LS Lê Trung Phát cho biết.
LS Lê Trung Phát nói thêm, hành vi này có thể bị khởi tố về tội “xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” theo quy định tại Điều 289 BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017), hình phạt có thể đối mặt là phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp, sau khi chiếm quyền kiểm soát, đánh cắp thông tin có liên quan của chủ tài khoản, sau đó cố tình tung các thông tin này lên mạng xã hội, mạng viễn thông nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì ngoài tội danh tại Điều 289, hacker còn có thể bị truy tố về tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, có thể bị phạt từ 3 tháng - 2 năm tù giam.
Danh dự, uy tín, nhân phẩm... là quyền bất khả xâm phạm
Trao đổi với Thanh Niên, LS Bùi Quốc Tuấn cũng cho rằng hành vi hack facebook của người khác là vi phạm pháp luật. Mặt khác, hành vi hack facebook của người khác rồi đăng tải thông tin xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy tố về tội vu khống theo Điều 156 của BLHS năm 2015, mức phạt tối đa 7 năm tù và phạt tiền đến 50 triệu.
Đồng thời, LS Bùi Quốc Tuấn còn phân tích thêm, Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại, LS Bùi Quốc Tuấn cho biết.
Bình luận (0)