Tháo gỡ điểm nghẽn phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/10/2021 06:29 GMT+7

Hội nghị T.Ư 4 thống nhất cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 7.10, sau hơn 3 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII đã bế mạc.

Không hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu năm 2021

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết về kinh tế - xã hội (KT-XH), bên cạnh kết quả đã được, T.Ư đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4; bàn chủ trương, chính sách đúng đắn, tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển KT-XH.

Sáng 7.10, trong phiên bế mạc, Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đọc các báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến thảo luận của T.Ư về các nội dung

KT-XH, xây dựng chỉnh đốn Đảng trong 3 ngày trước đó. T.Ư cũng nghe Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đọc dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Sau khi thảo luận về các nội dung nói trên, T.Ư đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, T.Ư cho rằng do hậu quả nặng nề của đợt dịch thứ 4, kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6%.

“KT-XH đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. “Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay.

Từ đó, T.Ư nhận định trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. T.Ư yêu cầu tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. “Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển KT-XH”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Covid-19 sáng 8.10: 826.837 ca nhiễm, 758.488 ca khỏi | Bao giờ học sinh được đến trường?

Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp phục hồi

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết dự báo trong năm 2022 tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Do đó, T.Ư cho rằng cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

T.Ư đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh cần có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây huyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Cùng với đó, cần chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết trên tinh thần đó, T.Ư đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết T.Ư 7 khóa XII.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Làm chuyển biến tình hình thật sự

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại hội nghị, T.Ư đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… sát hợp tình hình mới.

Từ đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết T.Ư thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị T.Ư 4 khóa XII đề ra. Đồng thời, bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

T.Ư cho rằng phải đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết T.Ư đã thống nhất cao ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. “Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị T.Ư lần này, nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.