Quan niệm về chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời

08/10/2021 13:12 GMT+7

Chăm sóc cuối đời là những hoạt động chăm sóc diễn ra trong giai đoạn cận tử được cung cấp bởi các chuyên gia y tế và tình nguyện viên bao gồm hỗ trợ y tế, tâm lý và tâm linh.


Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) là một chuyên ngành y khoa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (người lớn và trẻ em) và gia đình của họ khi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến bệnh đe dọa tính mạng, thông qua phòng ngừa và giảm bớt đau khổ bằng cách sớm nhận diện, đánh giá, điều trị đau và các vấn đề khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề thể chất mà cả các vấn đề liên quan tâm lý xã hội hoặc tâm linh.

Bác sĩ chăm sóc cho người bệnh tại Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, BV ĐHYD TPHCM

BV Đại học y dược tp.hcm cung cấp

Chăm sóc cuối đời (CSCĐ) là những hoạt động chăm sóc diễn ra trong giai đoạn cận tử được cung cấp bởi các chuyên gia y tế và tình nguyện viên bao gồm hỗ trợ y tế, tâm lý và tâm linh. Mục tiêu của CSCĐ là giúp những bệnh nhân hấp hối có được sự êm dịu, thoải mái và bảo toàn nhân phẩm của mình.

Chúng ta không nên hiểu sai rằng CSGN chỉ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi mà các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị không còn hiệu quả hoặc chỉ là chăm sóc cuối đời. Đối tượng của CSGN bao gồm rất nhiều nhóm bệnh nhân khác như HIV/AIDS, suy các cơ quan, bệnh lý di truyền bẩm sinh gây giới hạn sự sống..., các bệnh mạn tính giai đoạn cuối (suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn, bệnh thận mạn, xơ gan, sa sút trí tuệ, người cao tuổi suy yếu nặng…), người bệnh hậu COVID, những người bị đau mạn tính, gặp các vấn đề tâm lý và cả những người có thể qua đời trong vòng 6 tháng.

CSGN còn quan tâm hỗ trợ cho người nhà người bệnh và người chăm sóc - những người cũng có những nỗi đau và sự căng thẳng khi chăm sóc người bệnh. CSGN nên được tiếp cận bởi người bệnh có nhu cầu ngay từ lúc có chẩn đoán bệnh, không nên trì hoãn đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối.

Ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời (WHPCD) là gì?

Thứ 7 tuần thứ 2 của tháng 10 được thống nhất là ngày kỉ niệm hằng năm để tổ chức và biểu dương vai trò của CSGN và CSCĐ trên toàn thế giới.

Vào ngày này, các hoạt động sự kiện kỉ niệm chuyên ngành CSGN sẽ diễn ra, với mục đích cho thế giới biết tầm quan trọng của CSGN, và tại sao chúng ta phải đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận CSGN, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nơi sinh sống hay tầng lớp giai cấp nào.

Đây là dịp để những ai đang cần CSGN và cả những người đang đóng vai trò là người chăm sóc được nói ra nỗi lòng của mình. Đó có thể là những câu chuyện chứa đựng nỗi buồn, niềm vui, hy vọng, sự biết ơn, tiếc nuối, tiếng cười, cả những giọt nước mắt. Những câu chuyện này sẽ làm bạn cười, khóc, suy nghĩ và cần được lắng nghe! Đặc biệt trong năm 2021 này, khi thế giới vẫn còn đang giãn cách và hạn chế các hoạt động do đại dịch COVID-19, hơn bao giờ hết, vai trò của CSGN lại càng trở nên quan trọng hơn và tiếng nói của người cần CSGN càng cần được lắng nghe.

Chủ đề năm nay (ngày 9.10.2021)

“Không để ai lại phía sau - công bằng trong tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ”

Tại sao chúng ta cần ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời?

Hiện nay, CSGN chưa được tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc trong chương trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở hầu hết các nước trên thế giới. Trong nhiều năm, CSGN chưa được nhìn nhận và hỗ trợ đầy đủ. Trong ngày này, chúng ta cần lên tiếng để toàn thế giới nhìn ra được sự thiếu công bằng trong tiếp cận CSGN trên toàn cầu. Đó là sự thiếu hụt quyền tiếp cận một cách công bằng cho:

* Những người sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình

* Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên

* Những người vô gia cư

* Những người thuộc cộng đồng LGBTQ+

* Những người sống với khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần

* Những người bị giam giữ và tù nhân có vấn đề sức khỏe

* Những người sống trong tình huống khủng hoảng nhân đạo do dịch bệnh hoặc thiên tai …

* Người cao tuổi

* Những người sống chung với HIV và lao, người mắc các bệnh mạn tính không phải ung thư (suy tim, bệnh phổi mạn, suy thận, bệnh lí thần kinh …)

* Những người đau buồn do mất người thân

* Và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Chúng ta sẽ cam kết làm gì trong ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời năm nay?

Những thông điệp chính của Ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời năm 2021

* 88% nhu cầu CSGN trên toàn thế giới chưa được đáp ứng, nghĩa là hàng triệu trẻ em và người lớn đang bị để lại phía sau – công bằng trong tiếp cận CSGN là một quyền của con người.

* Trên toàn thế giới, trẻ em và người lớn có nhu cầu CSGN đang đau khổ về mặt thể xác lẫn tinh thần vì không có khả năng tiếp cận chăm sóc một cách công bằng. Chúng ta phải cùng nhau hành động, thực hiện ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời để loại bỏ các rào cản hiện tại này.

* CSGN là điều cần thiết để xoa dịu đau đớn và đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội và tâm linh liên quan đến COVID-19 – không một ai bị để lại phía sau.

* Nhân viên y tế phải được đào tạo, hỗ trợ, trang bị và tài trợ để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận CSGN cho tất cả trẻ em và người lớn trên toàn cầu.

* Để đảm bảo sự tiếp cận công bằng có sẵn cho tất cả trẻ em và người lớn (những người cần), CSGN phải được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia, kể cả các cải cách bảo hiểm y tế.

Tình hình phát triển Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời tại Việt Nam

CSGN bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam từ những năm 2000. Cho đến nay đã có những phát triển nhất định nhưng chưa rộng khắp trên qui mô toàn quốc. Hướng dẫn điều trị CSGN cho người bệnh ung thư và HIV/AIDS đã được Bộ Y tế ban hành năm 2006, sắp tới sẽ được cập nhật và mở rộng đối tượng CSGN ra các đối tượng không phải ung thư và AIDS. Bộ môn CSGN đầu tiên của Việt Nam cũng đã được thành lập từ tháng 2.2018 tại Đại học Y Dược TPHCM và đang đào tạo khóa đầu tiên BS CKI CSGN. Hội Y học CSGN Việt Nam cũng đã ra đời vào tháng 10.2019.

Tuy vậy, cho đến nay, tại Việt Nam, CSGN vẫn chưa được tích hợp đầy đủ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế địa phương, việc chăm sóc cuối đời và chăm sóc tại nhà vẫn chưa được bảo hiểm y tế bao phủ. Dù đã có nhiều thay đổi trong quy chế kê đơn opioid, nhưng việc tiếp cận với opioid để giảm đau vẫn còn hạn chế tại nhiều địa phương. Để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận CSGN tại Việt Nam, ngành y tế và các nhà hoạch định chính sách chăm sóc y tế cho toàn dân cũng như tất cả những nhân viên chăm sóc sức khỏe từ nhiều ngành khác nhau cần phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều, đem đến những thay đổi cơ bản nhằm đem lại sự chăm sóc đầy đủ và toàn diện hơn cho người bệnh có nhu cầu CSGN

Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

TS-BS Thân Hà Ngọc Thể

Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Phó Trưởng bộ môn CSGN - Khoa Y - ĐHYD TP.HCM
Phó Chủ tịch thường trực Hội Y học CSGN Việt Nam

BV Đại học y dược tp.hcm cung cấp

Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, BV ĐHYD TPHCM được thành lập từ năm 2015, là nơi quy tụ nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên xã hội, chuyên viên tâm lí …) được đào tạo chuyên khoa sâu trong lĩnh vực Lão khoa và CSGN. Khoa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm chăm sóc liên ngành thấm nhuần khẩu hiệu “Lắng nghe - Thấu cảm - Chia sẻ - Đồng hành” trong chăm sóc người bệnh cần CSGN và gia đình của họ

Cùng với các đơn vị, khoa và nhân viên chăm sóc sức khỏe đang thực hành CSGN trên toàn quốc, chúng tôi sẽ cố gắng “không để ai lại phía sau”, hỗ trợ bạn thực hiện những điều bạn và người nhà bạn mong muốn ở mức tốt nhất có thể; để bạn có thể sống tốt đến tận những giây phút cuối cùng và gia đình bạn sẽ tự hào vì đã chăm sóc bạn tốt nhất có thể.

Tài liệu tham khảo:

1. Online resource Toolkit World Hospice and Palliative Care Day, 2021

2. Global Atlas of Palliative Care, 2nd Edition, 2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.