Khi Pháp thúc đẩy châu Âu 'thoát Mỹ'

10/10/2021 07:08 GMT+7

Vốn có tham vọng tăng cường vị thế ở châu Âu, nên sau các bất đồng với Mỹ gần đây, Pháp muốn thúc đẩy cựu lục địa dần thoát khỏi sự lệ thuộc đối với Washington.

Tờ South China Morning Post mới đây dẫn lời ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, khẳng định bất đồng giữa Pháp và Mỹ sẽ gây chia rẽ nội bộ NATO.

Bất đồng mà ông Stoltenberg đề cập chính là việc Paris đã chỉ trích Washington về việc thành lập liên minh AUKUS gồm Mỹ, Anh và Úc. Trong thỏa thuận liên minh, Mỹ và Anh đã cam kết cung cấp công nghệ để Úc đóng 8 tàu ngầm hạt nhân. Đây là nguyên nhân khiến Canberra hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm động cơ diesel-điện của Paris.

Tổng thống Macron và người đồng cấp Mỹ Biden đã có những động thái giảm bớt bất đồng

AFP-Reuters

Sau đó, dù Washington đã tìm cách xoa dịu Paris, nhưng bất đồng được cho là vẫn âm ỉ, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gọi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Vừa qua, Tổng thống Macron đã lên tiếng kêu gọi EU giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Khẳng định vị thế

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng Pháp từ lâu đã kêu gọi châu Âu đóng góp nhiều hơn cho vấn đề quốc phòng của khối này để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Mỹ bán 12 trực thăng tấn công cho Úc

Ảnh

Trực thăng MH-60R Seahawk của hải quân Úc

Hải quân Úc

Ngày 9.10, AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ nước này thông qua thương vụ bán 12 trực thăng tấn công và một máy bay tác chiến điện tử cho Úc với giá hơn 1 tỉ USD.

Lô hàng gồm 12 trực thăng tấn công MH-60R Seahawk do Lockheed Martin sản xuất, ước tính trị giá 985 triệu USD. Đây là dòng trực thăng tác chiến đa nhiệm, vừa có thể tham gia chống tàu nổi và tàu ngầm, vừa đáp ứng nhu cầu giải cứu, tiếp liệu hoặc vận chuyển. Úc cũng đề nghị Mỹ chuyển giao một máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler do Boeing sản xuất với chi phí khoảng 125 triệu USD. Hiện Úc sở hữu

24 chiếc MH-60R Seahawk và khoảng 10 chiếc EA-18G Growler. Vào tháng 9, Úc, Mỹ và Anh đã công bố thỏa thuận giúp Canberra sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Đông A

“Mỹ vừa qua đã thất bại trong việc điều phối cùng các đồng minh để rút lui tốt đẹp khỏi Afghanistan. Thêm vào đó, Washington cũng đã loại Paris ra khỏi liên minh AUKUS, thậm chí còn khiến Úc hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp. Tất cả khiến cho Paris thất vọng và bức xúc với Washington, khi Pháp không có được sự phối hợp chặt chẽ từ Mỹ dưới thời chính quyền đương nhiệm”, cựu đại tá Schuster phân tích.

Ông phân tích thêm: “Dù nằm ngoài cơ cấu chỉ huy của NATO, Pháp vẫn là quốc gia đóng góp cho quốc phòng châu Âu nhiều hơn bất cứ quốc gia NATO nào ngoài Mỹ. Hơn nữa, Paris chưa bao giờ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Washington đối với an ninh quốc phòng. Qua nhiều năm, các nhà lãnh đạo Pháp vẫn luôn tin rằng nước này có vị thế tốt nhất và phù hợp nhất để dẫn đầu nỗ lực phòng thủ chung cho châu Âu”.

Theo cựu đại tá Schuster, phần lớn sự ủng hộ và tài trợ ban đầu của Paris đối với EU bắt nguồn từ quan điểm của cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle với tầm nhìn về sự lãnh đạo của Pháp đối với một EU thống nhất. Trước đây, ông de Gaulle sớm ủng hộ cho việc thành lập Liên minh Tây Âu, một hiệp hội các quốc gia Tây Âu có thể tiến hành các hành động quân sự bên ngoài NATO.

“Tuy nhiên, các nước Tây Âu sau nhiều năm thì đã quá phụ thuộc vào lớp bảo vệ an ninh của Mỹ, dù cũng có những thay đổi về tự chủ gia tăng năng lực phòng thủ. Trong khi đó, các nước Đông Âu không tin tưởng người Pháp”, ông Schuster nhận định. Chính vì thế, Paris khó đạt được mục tiêu như tham vọng của Tổng thống Macron đề ra.

Tổng thống Pháp Macron công kích Mỹ, kêu gọi châu Âu "ngừng ngây thơ"

Chủ động giữ vững quyền lợi ở Indo-Pacific

Trong khi đó, cũng trả lời Thanh Niên, TS C.J.Jenner, chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị - Đại học Oxford (Anh), cho rằng vấn đề của Pháp không chỉ là tương quan với Mỹ ở châu Âu.

Đại sứ Pháp tố Úc lừa đảo

Hôm qua, Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault tại Úc tố cáo chính quyền Canberra đã “nói dối một cách trắng trợn” suốt 18 tháng qua, trong quá trình đàm phán mua tàu ngầm Pháp. Và Úc bất ngờ chuyển sang mua tàu ngầm Mỹ, dựa trên khuôn khổ chia sẻ công nghệ hải quân khi thành lập liên minh AUKUS với Anh và Mỹ.

Sau khi Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm Pháp, Paris triệu hồi Đại sứ Thebault để phản đối. Trước khi quay lại Úc tiếp tục nhiệm kỳ dở dang, ông Thebault chuyển tải thông điệp đầy phẫn nộ của Paris về hành vi không thể chấp nhận được của liên minh AUKUS. Nhà ngoại giao cũng cho biết Pháp chuyển sang “các đối tác đáng tin cậy hơn tại Indo-Pacific” như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand.

H.G

“Khi xem xét châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Tổng thống Macron xem Pháp là một cường quốc đóng vai trò cân bằng địa chính trị. Người dân ở Pháp và Đông Nam Á có liên quan về mặt lịch sử, gần 2 triệu công dân Pháp sống ở Indo-Pacific, khu vực mà Pháp vẫn đang duy trì lực lượng vũ trang với hơn 7.000 quân nhân”, TS Jenner giải thích.

Trong khi đó, theo TS Jenner, đối với EU thì Macron là một người thực sự tin tưởng vào các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mong muốn thay thế Thủ tướng Angela Merkel của Đức để trở thành đồng minh châu Âu thân thiết nhất của Mỹ.

Vị chuyên gia đánh giá thêm: “Chính vì thế, có lẽ ông đã kỳ vọng dưới thời Tổng thống Biden và trong bối cảnh bà Merkel rời chính trường, sẽ tạo cơ hội khẳng định Pháp là đối tác hàng đầu của Mỹ ở châu Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) vào tháng 6 vừa qua, truyền thông nhận định ông Macron sẽ đạt được mục tiêu vừa nêu. Thế nhưng, việc Mỹ thành lập AUKUS đã trở thành “gáo nước lạnh” đối với kỳ vọng của ông Macron”.

“Tuy nhiên, không giống như Anh, Pháp có chiến lược Indo-Pacific để tham gia vào khu vực này và Tổng thống Macron đang chứng minh ý định và khả năng tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Pháp ở khu vực”, TS Jenner nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.