Di dời dân hơn 10 năm, 2 lô chung cư sắp sập vẫn chưa được xây mới

Đình Sơn
Đình Sơn
10/10/2021 13:23 GMT+7

8 chung cư lô số tại cư xá Thanh Đa đã được quận Bình Thạnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ 13 năm trước. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng lại.

Những lô chung cư sắp sập

Năm 2008, tám chung cư lô số này đã được đưa vào danh mục các chung cư hư hỏng, xuống cấp khi UBND TP.HCM quyết định cải tạo, xây dựng lại. Đến năm 2016, tám lô này tiếp tục được đưa vào chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, là một trong bảy chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ, mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM mới kiến nghị UBND thành phố giao đất để Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa thực hiện dự án xây mới hai lô chung cư IV và VI sau gần 10 năm di dời người dân.

Báo cáo của UBND quận Bình Thạnh cho biết 21 lô chung cư cũ tại cư xá Thanh Đa đã cũ kỹ, xuống cấp sau 50 năm đưa vào sử dụng. Cụ thể, các khu chung cư bị lún nứt, bong tróc, thấm dột xảy ra khá phổ biến. Nhiều hộ dân trong quá trình sử dụng đã cải tạo, cơi nới thêm hoặc chia nhỏ căn hộ bán lại cho người khác. Ngoài ra, hệ thống cấp nước sinh hoạt cũ đã hư hỏng nên mỗi căn hộ đều phải tự cải tạo và xây bồn nước riêng.

Sau hơn 10 năm di dời người dân, hai lô chung cư IV và VI vẫn chưa được xây dựng lại

ĐÌNH SƠN

Khi kiểm định chất lượng cụm chung cư này, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, 4/21 lô là cấp B, 2 cấp D là cấp độ nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp (lô IV và lô VI), còn lại là cấp C, chưa phải thực hiện di dời khẩn cấp.

Hơn 10 năm trước, hai lô chung cư IV và lô VI có hiện tượng sụp, lún, nghiêng và bong tróc, thấm dột, có nguy cơ sụp đổ. Khi đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo quận Bình Thạnh di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho dân. Ngay sau đó, gần 300 hộ dân trong hai lô chung cư đã được di dời, sắp xếp, bố trí tái định cư tại số 4 Phan Chu Trinh, phường 12 (quận Bình Thạnh).

Vẫn phải chờ

Trở lại hơn một thập kỉ trước, ngay sau khi người dân được di dời, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng tổ chức mời gọi, xét chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư xây mới toàn bộ tám lô số. Nhưng mãi đến năm 2017 Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa mới được chọn làm chủ đầu tư của tám lô số này, trong đó có lô IV và lô VI, với yêu cầu phải xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị của TP. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu tái định cư cho gần 1.500 hộ dân (gần 5.000 dân) tại sáu lô còn lại.

Khi đó Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa đã liên doanh với năm công ty là: Công ty tổ chức nhà ở Quốc gia, Công ty đầu tư Vạn Phúc Gia, Công ty đầu tư TAG, Công ty TNHH MTV địa ốc Bình Thạnh và Công ty TNHH NIBC Korea để phát triển dự án.

Việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM diễn ra khá chậm

ĐÌNH SƠN

Đến năm 2020, toàn bộ dự án xây mới tám cụm chung cư lô số đã được UBND quận Bình Thạnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây mới trước hai lô IV và VI. Hai chung cư cũ với năm tầng và không có thang máy trước đây sẽ được thay thế bằng hai block chung cư 40 và 45 tầng với khoảng 1.750 căn hộ. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng.

Theo UBND quận Bình Thạnh, cuối năm 2020, Công ty cổ phần phát triển nhà Thanh Đa đã chuyển hơn 684 tỉ đồng chi phí tạm tính tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư để thực hiện dự án xây mới hai lô IV và VI (trước đó đã được quận Bình Thạnh tạm ứng ngân sách bồi thường, tạm cư). Đầu tháng 7.2021, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng có văn bản xác nhận công ty này đã hoàn tất thủ tục ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với số tiền hơn 63 tỉ đồng.

Như vậy, sau 13 năm ì ạch triển khai, đến nay các lô chung cư sắp sập tại Thanh Đa có nhiều cơ hội được xây mới, người dân sớm thoát khỏi cảnh nơm nớp lo sợ nhà của mình có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.