Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) Type 094A của Trung Quốc |
REuters |
Tờ South China Morning Post mới đây dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ và Anh có kế hoạch hỗ trợ Úc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ châm ngòi cho cuộc cạnh tranh hải quân phức tạp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhận định này được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc ngày 15.9 thông báo lập liên minh mới 3 bên với tâm điểm là hỗ trợ Úc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hải quân Úc hiện có 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-diesel lớp Collins và định đóng ít nhất 8 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN).
Trong lúc chờ SSN được đưa vào hoạt động sau năm 2030 hoặc thậm chí đến thập niên 2040, một số bộ trưởng Úc đã đưa ra khả năng nước này sẽ thuê SSN từ Mỹ hoặc Anh để dùng tạm thời cho việc huấn luyện.
Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ |
Hải quân Mỹ |
Tuy nhiên, Malaysia, Indonesia hồi tháng rồi đã bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân của Úc theo thỏa thuận an ninh mới với Anh, Mỹ có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Úc sẽ không dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực và không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, theo SCMP.
Đội tàu ngầm của các nước
Thực tế, nhiều nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng quan tâm tới tàu ngầm, kể cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và đang phát triển, thay thế hoặc mở rộng đội tàu ngầm của họ.
SCMP chỉ ra báo cáo năm 2020 của Lầu Năm Góc cho thấy hải quân Trung Quốc có 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) thuộc Type 094A , 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) thuộc Type 093 và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel. SSN thuộc Type 095 và SSBN thuộc Type 096 cũng đang được phát triển. Hồi tháng 4.2021, Trung Quốc đưa vào biên chế thêm một chiếc Type 094A, do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì sự kiện này.
Trong khi đó, hải quân Mỹ sở hữu lực lượng dưới nước mạnh nhất trên thế giới, với 14 chiếc SSBN lớp Ohio và tổng cộng 52 chiếc SSN thuộc 3 lớp Virginia, Seawolf và Los Angeles.
Anh thì có 4 chiếc SSBN lớp Vanguard, 4 chiếc SSN lớp Astute và 4 chiếc SSN lớp Trafalgar. Anh đang đóng thêm 2 chiếc lớp Astute và một chiếc SSBN thuộc lớp mới Dreadnought. Tàu lớp Astute và lớp Virginia nằm số tàu ngầm của Anh và Mỹ mà Úc có thể thuê.
Tàu ngầm lớp Astute của Anh |
HẢI QUÂN HOÀNG GIA ANH |
Ngoài ra, Ấn Độ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng đã bắt đầu hoặc có kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong đó, Ấn Độ hồi năm 2016 đã đưa vào biên chế chiếc SSBN đầu tiên thuộc lớp Arihant và dự kiến đưa chiếc thứ 2 vào hoạt động trong năm tới. Ấn Độ có kế hoạch đóng thêm 2 chiếc SSBN lớp Arihant.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 1 tuyên bố nước này đã hoàn tất thiết kế của một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng khai hỏa “vũ khí hạt nhân chiến lược”.
Đáp lại, Hàn Quốc được cho là đã đàm phán với Mỹ về việc ủy quyền đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hồi tháng trước, Hàn Quốc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Bên cạnh đó, nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình ở Hồng Kông cho rằng Nhật Bản có khả năng tự đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chỉ cần chờ Mỹ bật đèn xanh. Nhật hiện có 20 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-diesel và đang đóng thêm 1 chiếc nữa.
“Giải pháp rẻ hơn”
Theo SCMP, có niềm tin phổ biến rằng vũ khí tốt nhất để chống tàu ngầm chính là tàu ngầm. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc sở hữu, vận hành và duy trì tàu ngầm ngốn rất nhiều tiền và không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng hoặc sẵn sàng đóng tàu ngầm. Dù vậy, khi căng thẳng leo thang và bị mắc kẹt trong cuộc đua tàu ngầm, những quốc gia không đủ khả năng tạo ra đội tàu ngầm hoặc mở rộng đội tàu này sẽ phải tìm kiếm giải pháp tác chiến chống tàu ngầm.
Tiến sĩ Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng “giải pháp rẻ hơn” là đầu tư vào những khí tài có khả năng tác chiến chống tàu ngầm như tàu chiến nổi, trực thăng và máy bay có cánh cố định.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đụng vật thể dưới Biển Đông, nhiều thủy thủ bị thương |
Khi được triển khai, nhiều tàu ngầm có thể tập trung ở Biển Đông, một tuyến đường biển chiến lược nhộn nhịp, đủ sâu cho loại tàu này hoạt động, theo SCMP.
“Các vùng ven biển trong khu vực càng đông nghẹt, nguy cơ xảy ra những cuộc đối đầu gần liên quan tàu ngầm và tàu chiến nổi-cũng như những cuộc va chạm với tàu khác như tàu dân sự- càng tăng”, ông Koh nhận định. Về cơ bản, tàu ngầm gần như không "vô hình" khi đang di chuyển dưới nước và không nổi lên khi không cần thiết. Tình trạng này làm cho cuộc cạnh tranh dưới nước càng trở nên nguy hiểm hơn trong khi những cơ chế cho việc phòng ngừa và giảm nhẹ các sự cố dưới nước trong khu vực vẫn chưa được phát triển, theo ông Koh.
Bình luận (0)