Tuyển Việt Nam thay đổi để thích ứng

14/10/2021 09:28 GMT+7

Lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup, tuyển Việt Nam có chuỗi 10 trận quý giá đối mặt thường xuyên với những đội bóng tinh hoa châu Á, nhưng chúng ta còn phải học thêm cách chơi ở đẳng cấp cao nhất nơi VAR ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Ra ngõ va phải... VAR

Tuyển Việt Nam được xem là ngôi sao mới nổi của bóng đá châu Á, thường xuyên được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đặc biệt quan tâm khi là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Trước thềm trận gặp Oman, AFC cho rằng “tuyển Việt Nam nên tự xem mình là kẻ kém may mắn khi vẫn chưa thể có điểm đầu tiên”. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta vẫn còn quá bỡ ngỡ, non nớt thể hiện rõ qua kỷ lục buồn: Việt Nam là đội bóng bị thổi phạt đền nhiều nhất.

Điểm lại 12 trận đã đá tại vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã có đến 5 trận (chiếm gần một nửa số trận), với tổng cộng 7 lần bị trọng tài chỉ tay vào chấm 11 m. Vòng loại thứ 2 chưa có VAR, chúng ta nhận phạt đền 3 trong 8 trận gặp Thái Lan, Malaysia, UAE. Riêng vòng loại thứ 3 World Cup 2022, khi VAR được áp dụng xuyên suốt và định hình lại rất nhiều cách chơi thì sự khắc nghiệt lộ rõ. Trong 2 trận gặp Ả Rập Xê Út và Oman, mỗi trận có đến 2 lần tuyển Việt Nam chịu phạt đền. Văn Hậu và Duy Mạnh mỗi người mắc lỗi 2 lần, cùng với thủ môn Tấn Trường và Ngọc Hải, Tấn Tài. Tính ra, trong 5 trận bị thổi phạt đền tuyển VN thắng 1, hòa 1 và thua đến 3, trong khi 7 trận còn lại chúng ta thắng đến 4, hòa 1 và thua 2. Tại vòng loại thứ 3, VAR đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của 2 trong số 4 trận đấu.

Cú đá cao chân không cần thiết của Ngọc Hải (3) sẽ dẫn đến lỗi

AFP

HLV Park Hang-seo chia sẻ: “Rất khó trả lời chính xác tại sao chúng ta hay bị phạt đền. Có lẽ do thói quen về phòng ngự từ thời mà các cầu thủ còn nhỏ. Ngoài thói quen, còn lý do nữa là tuyển Việt Nam bị các đối thủ tạo áp lực lớn. Khi bị đè nén như vậy, các cầu thủ sẽ phản ứng lại. Khi thực hiện hành động phòng ngự trong bối cảnh bị gây sức ép, tuyển Việt Nam hạ thấp đội hình và dễ bị thổi phạt đền”.

Vải thưa không thể che mắt thánh

Trưởng ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Văn Hiền cho biết trước khi bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã được VFF tổ chức một buổi tập huấn khá kỹ để cập nhật luật mới và quy tắc áp dụng VAR. Tuy nhiên, thực tế sau 4 trận cho thấy tuyển Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi từ lý thuyết vận dụng vào thực tế. Khó vì chúng ta phải đối đầu với những đội bóng đẳng cấp hàng đầu cả về kỹ năng chơi bóng, kinh nghiệm lẫn độ khôn ngoan, lọc lõi. Giữa các trận căng thẳng mang tính sống còn, VAR trở thành điểm mấu chốt để các đội tận dụng luật biến thành lợi thế cho mình. Cũng nói thêm, trước đó tuyển VN chỉ có 1 trận làm quen với VAR ở tứ kết Asian Cup 2019 gặp Nhật Bản. VAR tước một bàn thắng của Nhật Bản, nhưng VN thua bàn duy nhất từ chấm 11 m từ sự can thiệp của VAR, dù pha phạm lỗi của Tiến Dũng đã qua mắt trọng tài.

Ông Dương Văn Hiền nhận định: “Hồi nào giờ chúng ta chưa quen với việc thi đấu có VAR. Lần đầu tiên tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup áp dụng VAR nên cầu thủ vẫn chưa bỏ được thói quen cũ, cho rằng mình có thể che được góc nhìn của trọng tài. Nhưng VAR có mấy chục máy quay đặt khắp sân vận động, không điều gì có thể lọt qua mắt được khi quay chậm lại. Cho nên tốt nhất không còn cách gì khác, các cầu thủ phải cố gắng tập trung chuyên môn thi đấu, bỏ động tác thừa, đừng mong lấy vải thưa che mắt thánh mà phải biết cách đối phó và sống chung với VAR. Tương lai sau này VAR sẽ áp dụng rộng rãi và buộc bóng đá phải chơi theo luật của nó, với mọi giải đấu và mọi quốc gia.

Tôi cho rằng đã đến lúc bóng đá Việt Nam cũng phải đưa VAR vào để cuộc chơi quốc nội sòng phẳng, công bằng hơn. Do vậy, từ lúc này cầu thủ VN phải bỏ tâm lý cầu may VAR vì sự trợ giúp công nghệ này nhìn rõ hơn trọng tài rất nhiều. Cũng nói thêm, không chỉ tránh phạm lỗi tiểu xảo, chúng ta còn phải tránh lỗi sơ sẩy để đối thủ tinh quái tận dụng dẫn đến thẻ đỏ, phạt đền”.

Hồ Tấn Tài (13) sau pha phá bóng này đã vung tay trúng cầu thủ số 17 của Oman

AFP

Phải chấp nhận cuộc chơi

Còn nhớ 3 năm trước, VPF từng rất háo hức muốn áp dụng VAR tại Việt Nam với mong muốn V-League 2019 sòng phẳng, minh bạch hơn và giảm lỗi cho lực lượng trọng tài. Tiếc là điều kiện thực tế Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu rất cao do FIFA độc quyền. Khó khăn nhỏ từ việc tăng cường thêm gấp đôi lượng giám sát, trọng tài, phòng chức năng đến lớn là chi phí mua công nghệ, lắp đặt màn hình, xe màu, hạ tầng thông tin... quá đắt đỏ. Nếu nhân sự có thể giải quyết bằng việc đôn trọng tài trẻ lên phòng VAR thì bài toán hạ tầng cơ sở và chi phí nan giải hơn nhiều.

Ông Dương Văn Hiền chia sẻ: “Ban trọng tài rất mong muốn VAR xuất hiện tại V-League để giảm thiểu tối đa sai sót mà trọng tài không nhìn thấy. Để áp dụng được VAR, tất nhiên chúng ta sẽ phải chuẩn bị rất nhiều từ lý thuyết đến thực hành. Tiếc là Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều thứ trong điều kiện chưa thể áp dụng nổi. Nội việc máy quay V-League từ 6 máy quay nâng lên đến 48 chiếc gắn quanh sân, cộng thêm xe màu, đường truyền... là rào cản rất khó vượt qua rồi.

Nói đâu xa cả Việt Nam có một sân Mỹ Đình mà AFC qua còn chê thì những sân bóng quốc nội khác sẽ thế nào? Đó là chuyện quốc nội, riêng tuyển Việt Nam đến tầm này rồi không được phép xem VAR là tai nạn nữa mà phải chấp nhận cuộc chơi. Mọi tranh cãi sẽ không giải quyết được gì, trong khi nếu không thay đổi chúng ta sẽ luôn đứng trước nguy cơ nhận phạt đền, thẻ phạt. Như pha phạm lỗi của Tấn Tài nếu trọng tài nghiêm rút thẻ vàng thì chúng ta cũng phải chịu. VFF nên tổ chức một buổi rút kinh nghiệm thực tiễn thi đấu để tổng kết lượt đi vòng loại thứ 3 World Cup 2022 thì quá tốt. Bên cạnh đó, ban huấn luyện và cầu thủ cũng sẽ phải rút ra được bài học chung sống với VAR. Nói chung phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với việc VAR ngày càng tác động sâu vào trận đấu. Có như thế bóng đá Việt Nam và tuyển VN mới tiến bộ được”.

Cần bỏ ngay lối chơi tiểu xảo

Chuyên gia Đoàn Minh Xương rất bức xúc vì nhiều tình huống, nhiều bàn thua của tuyển VN đa phần là do lỗi cá nhân và sự vận hành thiếu ăn ý của hệ thống phòng ngự. Ông nói thẳng: “Duy Mạnh, Tấn Tài kể cả Quế Ngọc Hải phải bỏ ngay cách chơi tiểu xảo, dùng tay ngăn cản đối phương hay tìm cách gây ức chế bằng nhiều động tác thừa vốn hay sử dụng ở V-League.

Ra sân chơi quốc tế mà cứ tưởng là muốn dùng thói quen này để qua mắt trọng tài là không được. Cho dù vô tình hay cố ý, hành vi đó khi đã có VAR hỗ trợ cho trọng tài thì kiểu gì cũng là phạm lỗi, không thể cho rằng trọng tài nhận định bất lợi cho mình. Bóng đá giờ đây đã được soi rất kỹ, muốn không bị phát hiện sai sót thì đừng làm, chứ không nên đổ thừa và tranh cãi một cách thiếu hiểu biết nữa. Tôi nghĩ VFF và ban huấn luyện đội tuyển phải có cuộc làm việc lại với các vị trí ở hàng phòng ngự đội tuyển để làm rõ những sai sót không thể lặp đi lặp lại mãi việc này rất ảnh hưởng đến chuyên môn. Cần phải bỏ ngay những thói quen xấu gây ra tác hại không đáng có cho đội tuyển VN”.

T.K (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.