Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi nhiều tâm huyết và nỗ lực

14/10/2021 12:16 GMT+7

Ở Techcombank, kể cả những lúc khó khăn nhất vẫn có một điều không thay đổi, có một chi phí không giảm, đó là chi phí dành cho con người, dành cho phát triển, đào tạo.

Ở tuổi 28 (1993 - 2021), đâu là những kỳ vọng mà Techcombank hướng đến trên hành trình tiếp theo, thưa ông?

Ông Phùng Quang Hưng - Phó TGĐ Techcombank: Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo Techcombank luôn tâm huyết với khát vọng xây dựng Techcombank thành một ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra được những năng lực khác biệt, mang lại giá trị cao cho khách hàng. Hành trình chuyển đổi, hay đổi mới sáng tạo thì không có ngày kết thúc, và chúng tôi cũng còn nhiều thứ phải làm và cần làm tốt hơn nữa trong con mắt khách hàng. Ngay cả khi tổ chức đã đạt đến một mức độ mình từng mong muốn trước đó, song bối cảnh đã thay đổi, khách hàng cũng mong muốn nhiều hơn, mình lại đặt các tầm nhìn mới và mục tiêu cao hơn.

Gần đây, Techcombank đưa ra tầm nhìn mới của ngân hàng là “Change banking, Change lives”, diễn dịch nôm na, là chuyển đổi cách làm ngân hàng, để nâng tầm giá trị cuộc sống cho khách hàng. Về bản chất, Techcombank đã vượt ra ngoài mục tiêu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu, mà tập trung chuyển đổi, xây dựng các cấp độ năng lực mới để phục vụ cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp và thành công hơn. Với tư cách là một doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn lớn nhất của Techcombank là đất nước ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực sự tốt, có khả năng cạnh tranh cao trên toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và người dân Việt Nam. Tầm nhìn này cũng tạo cảm hứng, động lực cho nhân viên, và tất cả cùng đồng hành trên hành trình chuyển đổi của tổ chức.

Techcombank là một trong những ngân hàng dẫn dắt xu hướng chuyển đổi liên tục. Điều này đã tạo ra thành công về kinh doanh, song liệu có gây áp lực đến cán bộ nhân viên?

Ở Techcombank, chúng tôi đồng thuận với nhau rằng không muốn làm việc hoặc làm việc không có hiệu quả thì mới thấy áp lực, còn cùng nhau mong muốn làm việc, phát triển và tạo dựng giá trị thì đó là sự hứng thú, là hạnh phúc chứ không phải là áp lực, kể cả khi gặp khó khăn. Vấn đề là làm thế nào để cán bộ nhân viên cùng có niềm tin, cảm hứng và động lực như vậy, và tạo điều kiện để họ làm việc có hiệu quả và thành công, qua đó Techcombank cũng trở thành tổ chức được yêu thích nhất của những CBNV tài năng.

Chúng tôi đã và đang làm nhiều việc để có được điều đó, từ xây dựng văn hóa tổ chức mạnh để tất cả thành viên TCB đều đồng điệu về niềm tin và những giá trị văn hóa, cho tới việc đầu tư vào đào tạo phát triển, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để CBNV làm việc hiệu quả. Trong chiến lược 5 năm 2021-2025 mà chúng tôi đang triển khai, Nhân tài cũng là 1 trụ cột chiến lược mà chúng tôi tiếp tục thực hiện bên cạnh 2 trụ cột Số hóa và Dữ liệu, và chính Số hóa và Dữ liệu cũng sẽ giúp nhân viên làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn.

Trong những năm qua, chúng tôi đã đạt được kết quả tích cực về bộ chỉ số quốc tế Gắn kết, Tạo điều kiện và Hiệu quả CBNV (EES), được thực hiện hai năm một lần. Năm 2021, các chỉ số của Techcombank tiếp tục được nâng cao hơn so với 2019, với điểm số Gắn kết đạt 84% (tăng 4%), Tạo điều kiện là 87% (tăng 3%), Hiệu quả CBNV ở mức 78% (tăng 4%). Các điểm số này đều cao hơn từ 10% đến 30%, khi so sánh với các công ty có hiệu suất cao, ngàng ngân hàng và các công ty công nghệ cao.

Vai trò của các lãnh đạo và cán bộ quản lý trong làm việc với nhân viên cũng rất quan trọng đối với việc tạo áp lực tích cực và loại bỏ áp lực tiêu cực. Nguyên tắc được chúng tôi quán triệt ở Techcombank là: Làm không thành công là do lãnh đạo quản lý. Ví dụ như dự án mà không thực hiện được là do người đứng đầu, còn nếu thành công là nhờ công sức chung. Các mục tiêu, chỉ tiêu, KPI cho cá nhân đều gắn với chỉ tiêu chung của tập thể, ví dụ như nhân viên dự án có tối thiểu 40% KPI là kết quả chung. Những điều như vậy cũng thúc đẩy sự hợp tác, và khiến cho mỗi người giảm cái tôi, cùng phối hợp hỗ trợ nhau để đạt thành công chung qua đó mỗi người đều trở nên thành công hơn.

Có câu nói rằng, Techcombank là “trường đào tạo của ngành ngân hàng”, vì nhân viên quen với cường độ công việc lớn và giỏi chuyên môn. Nhận định của ông?

Đúng là từ những giai đoạn chuyển đổi đầu tiên cách đây hơn 10 năm, Techcombank đã tập trung xây dựng nguồn nhân lực. Ví dụ nổi bật của thời đó là chương trình "TechcomLead" - đào tạo cán bộ quản lý cấp trung - được đầu tư đến 2 triệu USD, để trang bị tư duy, nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ quản lý của TCB. Cho tới bây giờ, chưa có một chương trình đào tạo nào của ngành ngân hàng lại tạo sự khác biệt và thành công đến vậy trên thị trường.

Tôi cũng muốn chia sẻ lại một câu nói từ Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh: “Ở Techcombank, kể cả những lúc khó khăn nhất vẫn có một điều không thay đổi, có một chi phí không giảm, đó là chi phí dành cho con người, dành cho phát triển, đào tạo”. Đó là sự thật. Kể cả những giai đoạn khủng hoảng tài chính như năm 2012 - 2014, chi phí đào tạo nhân viên vẫn không thay đổi. Điều đó thể hiện quyết tâm, cam kết của Techcombank trong phát triển con người.

Không những vậy, như tôi đã nói ở trên, ngoài việc đào tạo cũng cần xây dựng môi trường làm việc thế nào để nhân viên có thể phát huy và phát triển, điều đó cũng cần sự đầu tư và chuyển đổi liên tục, từ cơ sở hạ tầng, văn phòng làm việc tới đơn giản hóa cơ cấu và qui trình, trao quyền, và đặc biệt là xây dựng văn hóa tổ chức để có những “con người Techcombank”.

Khi nhắc đến nhân viên Techcombank, mọi người thường nói đến các tố chất nhiệt huyết, say mê, cởi mở với các thay đổi, làm việc bài bản, hay là có khát vọng thành công. Từ nhiều năm, ngay từ khi tuyển dụng chúng tôi đã hướng đến những con người như vậy, bởi vì chính họ cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi chung.

Ông Phùng Quang Hưng - Phó TGĐ Techcombank

Vậy theo ông, đâu là cá tính cần có của “người Techcombank”?

Có thể nói, khi nhắc đến nhân viên Techcombank mọi người thường nói đến các tố chất nhiệt huyết, say mê, cởi mở với các thay đổi, làm việc bài bản, hay là có khát vọng thành công. Từ nhiều năm, ngay từ khi tuyển dụng chúng tôi đã hướng đến những con người như vậy bởi vì chính họ cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi chung. Đồng thời, chúng tôi cũng xác định ra các giá trị văn hóa phù hợp với tầm nhìn và chiến lược đã chọn, rồi xây dựng các chương trình, hoạt động chuyển đổi tư duy và hành vi để tất cả cùng thấm nhuần, yêu thích và đồng nhất với những nét văn hóa đó.

Nhờ vậy, có thể nói “người Techcombank” gắn liền với các giá trị văn hóa như Khách hàng là trọng tâm, Hợp tác, (luôn) Đổi mới và sáng tạo, hay là (liên tục) Học hỏi - phát triển. Tất cả đều liên quan mật thiết đến nhau. Bắt đầu từ luôn lấy Khách hàng là trung tâm trong suy nghĩ và hành động, luôn hướng tới tạo ra giá trị cao hơn, trải nghiệm tốt hơn cho Khách hàng. Mà để làm được điều đó một cách xuất sắc thì cần có văn hóa hợp tác, luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ nhau nếu không thì chỉ cần 1 bộ phận hay cá nhân ko có tinh thần phối hợp trong việc phục vụ hay xây dựng giải pháp cho khách hàng sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng. Hơn nữa, để có thể dẫn dắt sự chuyển đổi, như là thực hiện số hóa để mang lại các đột phá về giải pháp và trải nghiệm cho khách hàng thì người Techcombank phải có thói quen liên tục đổi mới, sáng tạo; và để làm tất cả các việc đó thì cần có CBNV tài năng, do vậy cũng cần văn hóa liên tục học hỏi và phát triển bản thân.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hay con người đều đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết, nhưng chúng tôi tin rằng đây là những nền tảng tạo ra sự thành công bền vững. Điều thú vị là trên hành trình đó ở Techcombank luôn có nhiều thách thức lý thú, tạo cảm hứng để “người Techcombank” nỗ lực hành động. Chúng tôi thường nói với các bạn trẻ là ở đâu cũng đi làm 8 tiếng 1 ngày, thì làm thế nào để 8 tiếng đó có ý nghĩa nhất, đó cũng là một khía cạnh phản ánh những con người Techcombank.

Xin cảm ơn ông !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.