Những chàng trai sống đẹp

15/10/2021 08:05 GMT+7

Đó là những chàng trai dấn thân vì cộng đồng, bất chấp cả nguy hiểm của bản thân. Họ đã viết lên những câu chuyện truyền cảm hứng trong xã hội và được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao Giải thưởng Thanh niên sống đẹp.

Dũng cảm cứu sống 2 người đuối nước

Hoàng Đình Phúc (19 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Nà Pỉnh, xã Tân Liên, H.Cao Lộc, Lạng Sơn) đã được T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vào tháng 6 vừa qua, khi em cứu sống 2 người bị đuối nước trên sông Kỳ Cùng. Kể lại sự việc, Phúc cho biết khi đang ngồi hóng mát bên bờ sông thì nghe tiếng kêu cứu. Khi ấy trên dòng sông nước chảy xiết và tiếng người kêu cứu ở khá xa, cách nơi em ngồi khoảng 60 m. Phúc nhanh trí chạy đến một chiếc bè đang được neo ven sông, giật bè khỏi sợi dây cáp cũ và lao ra sông. Đến nơi, Phúc thấy có một người lớn và một thiếu niên đang chới với trên dòng nước.

“Anh Ngừng (người bị nạn) lúc đó đã đuối sức nhưng vẫn cố gắng túm chặt lấy tay cháu ruột và cùng mình đưa lên mảng. Thấy bè chòng chành, mình vội nhảy xuống sông, nhường chỗ cho 2 người gặp nạn. Lúc này, xuất hiện một người nữa bơi đến hỗ trợ, đưa thành công 2 người vào bờ”, Phúc chia sẻ.

Hoàng Đình Phúc được trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của T.Ư Đoàn

Duy Chiến

Hai nạn nhân hôm đó là anh Phạm Đức Ngừng (27 tuổi, ở P.Đông Kinh, TP.Lạng Sơn) và cháu ruột là Vũ Văn Minh (13 tuổi) đã may mắn được cứu sống. Chia sẻ về giây phút thoát nạn, anh Ngừng cho biết anh vẫn thường đến đoạn sông này tắm mỗi khi nóng bức. Hôm đó cháu anh muốn tập bơi nên anh đưa ra giữa sông Kỳ Cùng, thì bỗng nhiên rơi vào một hố sâu, nước chảy rất xiết, khiến Minh bị cuốn đi. “Tôi vội lao đến cứu thì dòng xoáy bủa vây 2 người, đẩy đi xa. Tôi cố gắng tìm cách đưa Minh vào bờ nhưng bất lực. May thay, có một bóng người bé nhỏ đã cứu chúng tôi bằng một chiếc bè”, anh Ngừng nhớ lại.

Sau đó, anh Ngừng được đưa đi cấp cứu và cũng không biết người đã cứu mình là ai. Hai ngày sau anh lên mạng xã hội tìm kiếm, thì mới biết Phúc là người đầu tiên đến cứu mình. Sau đó có một người khác đang tắm trên sông cũng đến giúp sức. Anh Ngừng cho biết hôm đó Phúc đã rất mưu trí, dũng cảm mới cứu sống được anh và cháu Minh. Tuy nhiên, Phúc gần như giấu mặt, rất kiệm lời, nên anh tìm gần 2 ngày mới biết gia đình của Phúc sống gần con sông Kỳ Cùng và thuộc gia đình khó khăn trong xã. “Trước nghĩa cử cao đẹp của Phúc, chúng tôi đã ngỏ lời xin phép gia đình ân nhân được nhận Phúc làm em nuôi và mong rằng tinh thần dũng cảm, quên mình của em sẽ được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng”, anh Ngừng nói.

Trần Văn Tròn nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm do T.Ư Đoàn trao tặng

Mạnh Cường

Số lần hiến máu nhiều hơn số tuổi của mình

Chàng trai Dương Ngô Trí (ở xã Ngọc Vân, H.Tân Yên, Bắc Giang) mới 24 tuổi nhưng có tới 39 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có 22 lần anh hiến tiểu cầu cho những trường hợp nguy kịch. Chia sẻ về hành trình hiến máu của mình, Trí cho biết cuối năm 2015 khi còn là sinh viên năm nhất Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang, có một lần trường tổ chức phong trào hiến máu tình nguyện, kêu gọi tất cả sinh viên tham gia. Do chưa biết hiến máu tình nguyện là như thế nào, Trí quyết định tham gia cho biết. Sau lần hiến máu ấy, Trí thấy mình khỏe khoắn hơn, lại quen biết được thêm nhiều bạn bè, đặc biệt nghĩ đến những giọt máu của mình có thể cứu sống được ai đó, nên Trí đã gắn bó với “công việc” này cho đến nay.

Cứ khi đủ điều kiện, Trí lại tham gia hiến máu, đều đặn mỗi năm từ 5 - 6 lần. Không ít lần chàng trai này hiến máu nóng cho bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện và hiến tiểu cầu. Nhớ lại lần đầu tiên hiến máu nóng, Trí kể: “Mùa hè năm 2018, nhận được điện thoại của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cần máu cho một ca cấp cứu, bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang trong tình trạng nguy kịch và nằm trên bàn mổ cấp cứu. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi lập tức đến bệnh viện hiến máu để góp phần cứu sống bệnh nhân”.

Lần gần đây nhất, khi đang trên đường đi xe máy ra Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để hiến tiểu cầu định kỳ, thì Trí nhận được điện thoại từ Bệnh viện đa khoa Bắc Giang. Ngay khi nghe thông tin về người cần máu gấp, anh đã không ngần ngại quay về ngay kịp cứu người bệnh. Trí chia sẻ: “Mỗi lần như vậy, dù không biết người nhận là ai, nhưng chỉ cần biết giúp được họ qua cơn nguy kịch, có thể tiếp tục cuộc sống bên người thân là tôi vui rồi”.

Dương Ngô Trí đã 39 lần tham gia hiến máu tình nguyện

NVCC

Lao xuống biển cứu 4 học sinh

Nghe tiếng kêu cứu của nhóm học sinh đang chới với giữa cơn sóng dữ, không ngại hiểm nguy, Trần Văn Tròn (21 tuổi, ở khối Hà Quảng Đông, P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) đã lao xuống biển cứu 3 học sinh (lớp 6) đưa vào bờ an toàn.

Với hành động dũng cảm quên mình cứu người, Trần Văn Tròn đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương “Dũng cảm”; T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Mới đây, Tròn tiếp tục vinh dự được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng Thanh niên sống đẹp.

Khi gợi nhắc lại câu chuyện lao ra biển cứu nhóm học sinh đuối nước thì Tròn vẫn nhớ như in. Theo Tròn, lúc 9 giờ 40 ngày 25.2, 4 học sinh Trường THCS Lê Ngọc Giá (ở P.Điện Dương, TX.Điện Bàn) gồm: Phan Huy Tùng, Văn Đức Nam Hải, Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Cường (đều 12 tuổi, ở P.Điện Dương) rủ nhau ra khu vực bờ biển Điện Dương tắm. Trong lúc tắm, 4 học sinh không may bị sóng lớn đánh ra xa.

“Mình đang đi dạo dọc bờ biển thì nghe tiếng kêu cứu từ ngoài biển vọng vào. Nhìn ra xa, phát hiện 4 em đang chới với giữa vùng nước xoáy. Ngay lập tức, mình không do dự và cũng chẳng suy nghĩ gì thêm, liền gắng sức lao thật nhanh ra ứng cứu và lần lượt đưa 3 học sinh vào bờ an toàn. Tuy nhiên, riêng em Nguyễn Văn Cường thì bị sóng cuốn trôi ra xa, mất tích. Thi thể được tìm thấy sau đó”, Tròn nhớ lại.

Theo Tròn, khi tiếp tục bơi ra cứu em còn lại thì gặp sóng lớn đánh mạnh làm bật ngược vào bờ và khi nhìn ra thì không thấy em Cường đâu nữa. Vùng biển nơi các học sinh gặp nạn nước rất xoáy và sâu. “Lúc ấy biển rất vắng, không có ai. Nếu có thêm vài người nữa ở đó thì có lẽ đã cứu được tất cả các em đuối nước. Mình thực sự rất tiếc khi không thể cứu hết cả 4 em. Với mình, sự việc đó là một ký ức khó quên”, Tròn nghẹn lại.

“Bản thân mình rất vui và hạnh phúc khi liên tục nhận được nhiều bằng khen từ T.Ư đến địa phương. Niềm vinh dự lớn này chưa bao giờ mình dám nghĩ đến. Sau này, nếu không may có gặp trường hợp tương tự thì mình vẫn sẵn sàng lao ra vùng nguy hiểm cứu người. Với mình, được sinh ra trên đời này đã là một điều may mắn. Vì vậy, mình luôn nhắc nhở bản thân phải sống thế nào đó cho cuộc sống này thật sự ý nghĩa”, Tròn tâm sự.

65 gương Thanh niên sống đẹp

Theo Văn phòng T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Cơ quan thường trực Giải thưởng Thanh niên sống đẹp, năm nay ban tổ chức đã nhận được 134 hồ sơ của 61 tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc, cơ quan báo chí. Hội đồng xét giải thưởng đã họp và chọn được 65 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực để trao giải; đối với 69 hồ sơ không được xét chọn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quyết định tặng bằng khen cho cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2021. Do điều kiện dịch Covid-19, ban tổ chức không trao giải theo hình thức tập trung tại Hà Nội, mà sẽ ủy quyền cho Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc để trao cho các cá nhân đạt giải thưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.