Những người ly hương ở Sài Gòn gượng dậy sau dịch Covid: Nắm tro của vợ, chông chênh tương lai

17/10/2021 12:05 GMT+7

Khăn gói từ miền Tây lên Sài Gòn mong thay đổi cuộc đời, sau đợt dịch Covid-19 quyết bám trụ xóm trọ, nhưng giờ anh Cội (47 tuổi) rơi vào cảnh 'gà trống nuôi con', vợ anh chỉ còn là nắm tro tàn trên bàn thờ.

Rảo qua nhiều xóm trọ của người lao động ngoại tỉnh ở Bình Tân (TP.HCM) – một trong những quận có nhiều ca nhiễm Covid-19, tôi dừng lại trước dãy trọ cũ của ông Nguyễn Quang Khôi (P.Tân Tạo). 2 tháng cao điểm dịch, ông Khôi miễn tiền cho 92 phòng trọ vì tất cả đều thất nghiệp.

Vợ mất vì Covid-19, anh Cội rơi vào cảnh "gà trống nuôi con" và chăm mẹ già

Vũ phượng

Dãy trọ buổi chiều nhá nhem tối ảm đạm, vài người bắc ghế ngồi bấm điện thoại bên hiên, những bức tường bong tróc in dấu thời gian. Tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc loa nhỏ trên bàn thờ vợ của anh Nguyễn Văn Cội (47 tuổi, quê An Giang) réo rắt đều đều. Chị là Nguyễn Thị Kiều, mất ngày 28.9 vì Covid-19, hưởng dương 44 tuổi.

Cố gắng vì điều gì?

8 năm trước, vợ chồng anh Cội ôm con gái lên Sài Gòn lập nghiệp, quyết thoát cảnh không đồng tiền dằn túi như ở quê. Người phụ hồ, người công nhân, thu nhập mỗi tháng hơn chục triệu – số tiền tương đối đủ để trả nhà trọ, lo cho con ăn học và chi tiêu trong nhà.

Dãy trọ của anh Cội được miễn 2 tháng tiền phòng trong đợt dịch

vũ phượng

Đợt dịch Covid-19 năm ngoái ập qua, cả nhà tạm mất việc nhưng nhanh chóng ổn định trở lại sau đó. Đợt dịch năm nay, ai cũng nghĩ cứ ở yên trong nhà, rồi cũng sẽ như đợt dịch trước đó. Hai vợ chồng quyết tâm bám trụ Sài Gòn, tuần đôi ba lần nhận gạo, rau củ hỗ trợ từ các nhóm mạnh thường quân.

Anh Cội kể: “Mấy tháng dịch không kiếm ra tiền nhưng được hỗ trợ liên tục, mẹ già lên thăm cháu đang kẹt ở đây nên nhà tôi cố gắng trụ lại. Đùng một cái cả xóm 12 người nhiễm Covid-19, ai đi cách ly cũng về hết rồi, riêng bả có bệnh nền nên bỏ đi, bỏ cha con tui ở lại”.

Dịch ở lại không về cũng vì không muốn mọi chuyện lỡ làng, nhưng giờ thì không biết cố gắng vì điều gì nữa, xong một kiếp đời ở trọ chỉ là nắm tro trên bàn thờ vậy thôi

Anh Nguyễn Văn Cội

Trong căn phòng trọ ngổn ngang đồ đạc, bà Lê Thị Lượm (84 tuổi, mẹ anh) nằm co ro trên nền gạch, mũi cắm ống ô xy chốc chốc thở dài vì mệt. Bà vừa trở về từ bệnh viện sau khi điều trị Covid-19 và té gãy xương. Bé Nguyễn Thị Như (8 tuổi, con gái anh) cầm chén cơm ngồi trước bàn thờ mẹ cắm cúi nhai cho qua bữa. Còn anh Cội ngồi bệt trước cửa phòng, tay xoay xoay chiếc điện thoại, đôi mắt buồn rười rượi nhìn xa xăm.

Bé Như chủ động phụ giúp ba công việc nhà và tự giác học bài

vũ phượng

“Thường ngày việc nhà vợ tôi làm hết, đưa rước con đi học, dọn dẹp nhà cửa cũng một tay bả. Tôi ở lại công trình ráng tăng ca thêm vài tiếng kiếm thêm chút đỉnh, về đến nhà là cơm canh sẵn sàng. Hai vợ chồng lên Sài Gòn cố gắng làm lụng cho con cái ăn học. Dịch ở lại không về cũng vì không muốn mọi chuyện lỡ làng, nhưng giờ thì không biết cố gắng vì điều gì nữa, xong một kiếp đời ở trọ chỉ là nắm tro trên bàn thờ vậy thôi”, anh Cội thở dài.

Cuộc ly hương đổi đời của vợ chồng miền Tây dang dở, anh Cội nói cố thêm chút nữa thì sẽ lo được cho con, nhưng nỗi đau mất mát này cứ dày xé mãi trong tâm can. Bao nhiêu ngày vợ mất là bấy nhiêu ngày anh không thể chợp mắt, tiếng con khóc thút thít vì nhớ mẹ càng làm anh thêm bế tắc với thời cuộc.

Tình làng nghĩa xóm

Ông Nguyễn Quang Khôi, chủ nhà trọ, cho biết đến tháng 10 các phòng trọ lần lượt đóng tiền phòng trở lại, riêng anh Cội vẫn được miễn tiếp để chia sẻ, động viên anh dần ổn định cuộc sống.

Hàng xóm thường cho một chút đồ ăn để chia sẻ cùng anh trong thời điểm này

vũ phượng

Sau những ngày ôm áo của mẹ đi ngủ, bé Như đã hiểu chuyện hơn, không dám khóc nhiều để mẹ đi thanh thản. Như chủ động giúp ba lau quét nhà, rửa chén và tự giác mở điện thoại lên học online để ba không phải bận tâm.

Trở về sau 1 tháng cách ly và chăm sóc mẹ trong bệnh viện, anh Cội gầy rạc hẳn người. Ngày trở về, hàng xóm ai nhìn anh cũng xót xa. Cùng là dân lao động ngoại tỉnh đến Sài Gòn lập nghiệp, nhìn anh bỗng chốc thành “gà trống nuôi con”, chăm thêm mẹ già, mọi người thường đi tới đi lui chọc vài ba câu để anh phần nào khuây khỏa.

Bé Như không dám khóc nhiều để mẹ đi được thanh thản

vũ phượng

Trời tối mịt, tới giờ cơm, một chị hàng xóm mang nồi canh bí đỏ hầm xương sang dúi vào tay anh: “Nè để cho con bé ăn”. Lát sau, một người khác lại đưa qua mấy bịch cháo, dặn để anh nấu kèm chút thịt cho mẹ ăn mau khỏe.

Anh bộc bạch: “Lúc bả mất, nhà nước lo hậu sự hết không tốn đồng nào, anh em họ hàng các cháu người cho một ít, hàng xóm cũng gửi người vài đồng nói viếng vợ, tui cầm dằn túi mua đồ cúng kiếng, số còn lại chừng đóng học cho con. Ai cũng khổ như ai mà mỗi nhà cứ nấu dư ra một chút rồi mang qua, tôi thấy không đơn độc”.

Anh Cội dự định đưa mẹ về quê và sẽ trở lại với vòng xoáy mưu sinh

vũ phượng

Chị Trần Nguyên Thanh Huyền (35 tuổi, chung dãy trọ anh Cội) nhận xét, vợ chồng anh sống hiền lành, bao năm không mất lòng ai. Từ ngày chị Kiều mất, mỗi tối chị Huyền đều gọi bé Như sang nhà để kèm bé học. “Ba bé đều lâu ngày không đụng đến chữ nghĩa nên sẵn kèm con mình học, tôi kèm thêm bé Như, hàng xóm với nhau giúp được gì thì cứ giúp, bé còn quá nhỏ”, chị Huyền tâm sự.

TP.HCM đã bình thường mới, sắp tới, anh Cội dự định sẽ đưa mẹ cùng dì ruột về quê để có không gian thoải mái hơn. Nhà thầu vừa gọi anh đi làm công trình ở Bến xe Miền Tây, anh sẽ trở lại xóm trọ với vòng xoáy mưu sinh của cuộc đời, một mình thực hiện tiếp những dự định dang dở trên con đường ly hương lập nghiệp hai vợ chồng từng đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.