Mong chờ ngày đón khách
Ông Lý Nhất Hiếu, chủ hệ thống Hàng Dương quán, chia sẻ: Từ ngày 1.10 khi TP.HCM cho phép hoạt động trở lại, ông đã mở cửa nhà hàng tại Q.1 để bán mang về. Thế nhưng việc bán hàng phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội khiến chi phí đầu vào tăng cao. Số tiền thu về sau khi trừ nguyên liệu vẫn chưa đủ trả lương cho bộ phận bếp và người phục vụ. Đó là chưa kể trong thời gian đầu khi phí giao hàng còn cao, nhà hàng này cũng phải chia sẻ 50% khoản phí này với khách...
Ông Hiếu nói rằng nếu TP.HCM cho phép đón khách tại chỗ dù với 50% như Hà Nội thì ông cũng chỉ mở từ từ để thăm dò. Bởi hiện nay 100 nhân viên của quán cũng đã về quê và chưa thể quay lại TP, chỉ còn khoảng 20% đã tiêm xong 2 mũi vắc xin là có thể quay lại làm việc ngay.
“Tôi mong chờ từng ngày TP cho phép phục vụ tại chỗ dù cũng khá phập phồng. Lo nhất là lỡ cho mở cửa, nhà hàng phải nhập hàng vài trăm triệu về xong thì có lệnh đóng cửa lại thì làm thế nào? Vì vậy rất mong nếu TP cho nhà hàng mở cửa phục vụ tại chỗ thì không thể bắt tái đóng...”, ông Hiếu nói.
Quán cà phê Kcoffee cùng cửa hàng bách hóa Kphucsinh cuối tuần qua mới khai trương tại Phú Mỹ Hưng. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group (chủ sở hữu chuỗi cà phê Kcoffee và Kphucsinh), cho biết nhân viên đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin và lượng người tiêm vắc xin tại TP.HCM đã khá nhiều nên rất mong TP cho các nhà hàng, quán ăn uống được phục vụ tại chỗ vì đây là nhu cầu của nhiều người dân. Còn quán cà phê mở bán mang về thì rất ít khách hàng. Trong khi đó, việc đảm bảo quy định 5K để phòng chống dịch thì các đơn vị dịch vụ, nhà hàng đều có trách nhiệm để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên, khách hàng...
TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ |
Quán bún bò, hủ tiếu cũng chờ được bán tại chỗ
Chị Nga, chủ quán bún bò 47 tại P.Tân Quy (Q.7) đã mở bán mang về gần 1 tuần qua nhưng khách quen của chị đa số là những người đi làm, đưa đón con đi học... trước nay vào quán ăn tô bún xong đi ngay. Bán mang về chỉ phù hợp cho những người làm ở nhà vì phải mất thêm thời gian đến mua, mang về nhà làm nóng lại. “Mặc dù quán nhỏ nhưng nếu cho mở bán lại thì có thể để vài bộ bàn ghế và phục vụ tối đa khoảng 10 khách (tương đương 50% công suất). Song song với việc bán mang về thì có thể số lượng bán ra sẽ tăng hơn”, chị Nga nói.
Thông tin bên lề hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra sáng 14.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ thí điểm tổ chức kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng, chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” cùng quán hủ tiếu nam vang Ngon Quán (Q.10), cho hay đặc thù của các quán ăn tự chọn món là phải bán trực tiếp. Vì vậy, 4 cửa hàng buffet của anh với gần 60 lao động phải nghỉ nhiều tháng qua và đến nay vẫn chưa thể hoạt động lại. “Giờ mở cửa hoạt động là tốn rất nhiều chi phí, trong đó phải đàm phán nếu chủ nhà có giảm phí thuê nhà từ 30 - 50% thì mới dám mở. Nhưng cho phép mở bán tại chỗ thì mới có khách chứ chỉ bán mang về thì doanh thu không đủ chi phí trả tiền mặt bằng, tiền nhân viên”, anh Hoàng chia sẻ thêm.
Như vậy với rất nhiều hàng quán hiện nay, chỉ khi nào cho mở bán phục vụ tại chỗ thì mới có nhu cầu tuyển lao động và khi đó mới tạo thêm công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người.
Bình luận (0)