Tình hình Covid-19 hôm nay 18.10: Không xét nghiệm đại trà người đi lại liên tỉnh

18/10/2021 17:37 GMT+7

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Bộ Y tế hướng dẫn không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, trừ một số trường hợp. Bộ GTVT chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có nghi ngờ; hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ.

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, chỉ 2 nhóm cần xét nghiệm sàng lọc Covid-19 khi đi lại giữa các địa phương. Sau khi Bộ Y tế ra hướng dẫn tạm thời mới nhất tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT (ngày 12.10.2021) về thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ GTVT đã có hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không.

Những ai cần xét nghiệm Covid-19 khi đi lại giữa các địa phương?

Theo đó, chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có nghi ngờ; hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở cấp 3 và khách đến từ vùng có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng. Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Xét nghiệm hành khách trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng. Việc xét nghiệm Covid-19 có giá trị trong vòng 72 giờ.

Bộ Y tế ra hướng dẫn không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, trừ một số trường hợp

đậu tiến đạt

Vĩnh Long không yêu cầu người dân đi lại giữa các vùng trình giấy xét nghiệm Covid-19. Ngày 18.10, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, đã ký ban hành hướng dẫn số 4506 thực hiện các biện pháp y tế phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long không chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng.

TP.HCM dự kiến trích 427 tỉ đồng để hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh

Bình Dương không yêu cầu giấy xét nghiệm người đã tiêm vắc xin Covid-19. Ghi nhận của PV Thanh Niên tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 13 giáp ranh TP.HCM và Bình Dương ngày 18.10, lực lượng chức năng tại đây chỉ kiểm tra giấy tiêm vắc xin hoặc thẻ điện tử đối với người đi đường, không yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính. Chỉ những trường hợp không có giấy tiêm vắc xin hoặc tiêm 1 mũi vắc xin nhưng chưa đủ 14 ngày mới yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính để được lưu thông.

Trước đó, Sở Y tế Bình Dương có văn bản điều chỉnh văn bản đã ban hành về việc cách ly y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh, người từ các tỉnh thành khác đến và người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1). Cụ thể Sở Y tế Bình Dương đã hủy nội dung bắt buộc cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 ở các tỉnh thành khác đến Bình Dương.

Những điểm cần lưu ý khi xét nghiệm theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế. Không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, trừ trường hợp: Đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng. Nếu đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3: chỉ xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ. Những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi: Có yêu cầu điều tra dịch tễ; người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng.

Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, gồm: Các trường hợp có một trong các triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác… Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ: khi cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (cơ sở khám, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…); với các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… (lái xe, xe ôm, shipper…). Cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đồng Nai lên kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo 4 nhóm. Sáng 18.10, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đơn vị này vừa họp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH và các huyện, thành phố bàn kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Sở Y tế chia thành 4 nhóm trẻ để tổ chức tiêm. Cụ thể, nhóm 1 là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục do Sở GD-ĐT quản lý; nhóm 2 là trẻ em tại các Trung tâm bảo trợ xã hội do Sở LĐ-TB-XH quản lý; nhóm 3 là các em đang học tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên do UBND tỉnh và các huyện, thành phố quản lý; nhóm 4 gồm những em không đi học (lao động từ 15-18 tuổi) do UBND huyện, thành phố quản lý.

Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, nguyên tắc là tiêm cuốn chiếu theo thứ tự từ cao xuống thấp. Theo thống kê của Công an Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 296.000 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Còn số liệu từ Sở GD-ĐT cho biết có 275.000 em đang theo học từ lớp 6 đến lớp 12.

Đồng Nai lên kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo 4 nhóm

Lâm Đồng ghi nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong. Sáng 18.10, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết vừa có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tử vong tại Khu điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng. Cụ thể, BN 842782 (nữ, 76 tuổi), liên quan ổ dịch làng hoa Vạn Thành, P.5,TP.Đà Lạt. Bệnh nhân có tiền sử nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường II, cắt cụt cẳng chân phải do biến chứng đái tháo đường, nhồi máu não nhiều lần, liệt tứ chi, nằm 1 chỗ nhiều năm nay.

Từ ngày 10 - 17.10, bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế và ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành, tình trạng ổn định. Sáng 17.10, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đột ngột tiến triển nặng, được cấp cứu, điều trị tích cực, kịp thời nhưng do tiền sử có nhiều bệnh nền nặng, lớn tuổi, đến chiều tối 17.10 bệnh nhân đã tử vong.

Đắk Lắk phát hiện ổ dịch Covid-19 tại chợ đầu mối Tân Hòa. Sáng 18.10, các cơ quan y tế Đắk Lắk tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với tiểu thương trong chợ đầu mối Tân Hòa (P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột) để truy tìm các trường hợp nhiễm Covid-19. Trước đó, sáng 17.10, ông P.M.T (48 tuổi, trú P.Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột, làm nghề bốc hàng tại chợ đầu mối Tân Hòa) khám bệnh tại trạm y tế P.Thành Công và test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính Covid-19.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cùng các đơn vị y tế TP.Buôn Ma Thuột triển khai khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại khu vực sinh sống và xét nghiệm nhanh cho hơn 500 tiểu thương hoạt động buôn bán tại chợ đầu mối Tân Hòa. Đến rạng sáng 18.10, ngành y tế ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính Covid-19, gồm: 5 tiểu thương tại chợ đầu mối, 6 trường hợp là người nhà và tiếp xúc gần với các tiểu thương tại nơi ở.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Sóc Trăng ghi nhận thêm 200 ca dương tính Covid-19. Sáng 18.10, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly tập trung và sàng lọc trong cộng đồng, tối 17.10, tỉnh ghi nhận thêm 200 trường hợp dương tính Covid-19. Trong đó, có 148 trường hợp là F1 trong khu cách ly tập trung trở thành F0, 16 trường hợp là người dân từ các tỉnh, thành trở về vùng dịch. Đáng lưu ý, có 36 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Cũng trong tối 17.10, Sóc Trăng ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do Covid-19. Đến nay, tỉnh có 28 trường hợp tử vong do Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.