Kênh Fox26 hôm qua 19.10 đưa tin cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell (84 tuổi) qua đời do biến chứng liên quan Covid-19 vào ngày 18.10 dù ông đã được tiêm đủ vắc xin cho thấy người lớn tuổi đã được tiêm chủng vẫn có nguy cơ trở thành ca Covid-19 đột phá nặng.
Một cụ bà được tiêm nhắc vắc xin Covid-19 ở Israel vào tháng 1.2021 |
Reuters |
Ca Covid-19 đột phá là tên gọi cho những trường hợp mắc bệnh này sau khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Bà Peggy Cifrino, trợ lý lâu năm của ông Powell, cho hay ông Powell đã được tiêm liều vắc xin Pfizer/BioNTech thứ 2 vào tháng 2 và lẽ ra ông được tiêm nhắc theo lịch hồi tuần trước, nhưng mắc Covid-19 trước khi tiêm, theo tờ The New York Times. Ông Powell đã trải qua đợt điều trị đa u tủy xương, một loại ung thư của tế bào plasma. Tế bào này tạo ra các kháng thể, nên đóng vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng đa u tủy xương cũng như cách điều trị khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, và vắc xin Covid-19 cũng kém hiệu quả đối với người mắc bệnh này.
Cựu ngoại trưởng Mỹ qua đời vì biến chứng Covid-19, vì sao vẫn nên tin tưởng hiệu quả vắc xin? |
Mỹ tiến tới cho phép tiêm trộn vắc xin
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có thể cho phép tiêm nhắc bằng vắc xin phòng Covid-19 khác với loại ban đầu, theo thông tin từ báo The New York Times. Tháng 9, FDA phê chuẩn tiêm nhắc bằng vắc xin Pfizer/BioNTech, và tuần trước, ủy ban cố vấn của cơ quan này ủng hộ dùng vắc xin Moderna và Johnson & Johnson cho mũi 3. Báo cáo mới cho thấy người tiêm vắc xin Johnson & Johnson và tiêm nhắc bằng Moderna có lượng kháng thể tăng gấp 76 lần trong vòng 15 ngày sau khi tiêm, so với gấp 4 lần nếu tiêm nhắc bằng Johnson & Johnson.
Chính phủ Mỹ không khuyến nghị nên tiêm trộn bằng vắc xin gì, nhưng giới chức y tế muốn tự do lựa chọn loại vắc xin tốt nhất cho người dân trong trường hợp cần tiêm mũi 3. Đến giữa tuần, ủy ban cố vấn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ tổ chức tranh luận và đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, trước khi hàng chục triệu người Mỹ đến hạn phải tiêm nhắc.
H.G
Dù có trường hợp tử vong hoặc bệnh nặng sau khi tiêm đủ vắc xin, các nhà khoa học nhấn mạnh vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ hữu hiệu trước Covid-19. Nghiên cứu gần đây do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thực hiện cho thấy nguy cơ nhập viện ở người được tiêm đủ vắc xin chỉ bằng 1/10 so với những người không tiêm mũi nào, và nguy cơ tử vong thậm chí thấp hơn. Cũng theo CDC, trong số hơn 187 triệu người Mỹ được tiêm đủ vắc xin, có 7.178 người chết vì Covid-19 và 85% số ca tử vong đó xảy ra ở người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, dựa trên số liệu của 40 tiểu bang, The New York Times kết luận người tiêm đủ vắc xin chỉ chiếm từ 0,2 đến 6% số ca tử vong vì Covid-19.
Trưởng khoa y học nhiệt đới của Đại học Y Baylor ở TP.Houston (bang Texas, Mỹ) Peter Hotez xác nhận “những cái chết đột biến đối với những người đã tiêm vắc xin là có thật”, nhưng nhấn mạnh “chỉ có một số nhóm mới gặp nguy cơ cao”.
Mỹ, Canada nói gì về "tiêm trộn" vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna? |
Trong một nghiên cứu do chuyên san The Lancet xuất bản hồi tháng trước, các nhà nghiên cứu phát hiện trong số ca Covid-19 đột phá nặng nhất là những người có độ tuổi trung bình 80 và có bệnh nền như tiểu đường và bệnh phổi. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện cư dân của những nhà dưỡng lão ở Canada với tuổi trung bình 88 sản sinh mức kháng thể trung hòa sau khi được tiêm vắc xin Covid-19 thấp hơn 5 - 6 lần so với các nhân viên có tuổi trung bình 47.
“Tình trạng này khiến họ có nguy cơ không chỉ nhiễm Covid-19 mà còn gặp những hệ quả nghiêm trọng”, tác giả nghiên cứu Anne-Claude Gingras, tại Viện Nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum (Canada), kết luận.
Bình luận (0)