Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính với SARS-CoV-2 của một bệnh nhân tại thành phố Netanya của Israel vào tháng 8 |
afp |
Việc liều tiêm liên tục được truyền thông nhắc đến đã khiến nhiều người Mỹ tìm đến xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên, The Washington Post dẫn lời các bác sĩ truyền nhiễm cho biết việc xét nghiệm kháng thể để xác định khả năng miễn dịch là không cần thiết trong hầu hết trường hợp. Xét nghiệm kháng thể sẽ không giúp chúng ta có được câu trả lời mà mình muốn.
Cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đều khuyến cáo không sử dụng xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ miễn dịch với Covid-19. Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, tổ chức đại diện cho các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cũng có cùng quan điểm.
Xét nghiệm kháng thể Covid-19 cho biết điều gì? |
Trừ một số bang như Maryland và Nam Carolina đang xét nghiệm kháng thể một số đối tượng nhất định cho các mục đích cụ thể, không bang nào khuyến khích người dân xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ miễn dịch.
Xét nghiệm kháng thể có thể kết luận sự tồn tại hoặc mức độ kháng thể chống virus trong máu người bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ cơ thể cần bao nhiêu kháng thể để chống Covid-19.
Với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, viêm gan A và B, xét nghiệm kháng thể có thể giúp xác định khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Tuy nhiên, vì thời gian tìm hiểu về SARS-CoV-2 tương đối ngắn, các bác sĩ cho rằng chúng ta chưa thể đưa ra kết luận tương tự với Covid-19.
“Vì Covid-19 chỉ mới xuất hiện, chúng ta vẫn chưa biết cần bao nhiêu kháng thể thì cơ thể có khả năng miễn dịch”, bà Mary Hopkins, phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Bệnh Truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts ở bang Massachusetts, cho biết.
Tuy vậy, xét nghiệm kháng thể có ích trong việc xác định liệu một người từng mắc Covid-19 hay chưa.
“Các bác sĩ chỉ định cho những người lo ngại miễn dịch của họ suy giảm làm xét nghiệm kháng thể, nhưng tôi thấy điều này sẽ gây ra vấn đề lớn. Với người bình thường, mức độ kháng thể 8 tháng sau sau khi tiêm vắc xin không nói lên được điều gì”, ông Alan Wells, giám đốc y tế tại phòng thí nghiệm lâm sàng của Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (bang Pennsylvania), cho biết.
Ông Wells cho biết nhìn chung, càng nhiều kháng thể thì càng tốt. Tuy nhiên, dù mức kháng thể giảm xuống vài tháng sau khi bị phơi nhiễm hoặc tiêm vắc xin, cơ thể chúng ta vẫn có thể tạo ra các kháng thể mới để phản ứng khi virus tấn công. “Phản ứng miễn dịch của bạn không chỉ bao gồm mức kháng thể”, chuyên gia này nói thêm.
Theo ông Wells, yêu cầu làm xét nghiệm kháng thể tại bệnh viện của ông và những nơi khác đã tăng lên trong những tuần gần đây. Ông đã khuyến cáo các đồng nghiệp thận trọng khi đưa ra chỉ định.
Bên cạnh đó, xét nghiệm kháng thể vẫn chưa được chuẩn hóa. Vì vậy, kết quả của các xét nghiệm khác nhau thường không giống nhau.
Xét nghiệm kháng thể tại Mỹ
Một số bang như Nam Carolina đã xét nghiệm kháng thể những người được tiêm vắc xin để xác định mối tương quan giữa mức độ kháng thể với các đợt tái nhiễm hoặc các ca nhiễm đột phá.
Bang Maryland cũng xét nghiệm kháng thể cho hơn 500 người lớn tuổi trong viện dưỡng lão và phát hiện 50% số người được xét nghiệm có mức độ kháng thể giảm theo thời gian. Trên cơ sở đó, Thống đốc Larry Hogan của bang Maryland đã yêu cầu tiêm liều tăng cường cho toàn bộ người lớn tuổi sống trong các khu nhà tập thể.
Bà Hopkins cho biết việc xét nghiệm kháng thể quy mô lớn sẽ giúp xác định đâu là mức kháng thể cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch với Covid-19. “Sẽ rất tuyệt nếu có thể xét nghiệm 5.000 người từ 60 tuổi trở lên hằng tháng rồi tìm ra những người bị tái nhiễm hoặc nhiễm virus lần đầu để xác định mối tương quan”, bà Hopkins nói thêm.
Tuy nhiên, cho đến khi điều đó được thực hiện, chúng ta vẫn chưa biết được bao nhiêu kháng thể được xem là đủ.
Dù vậy, xét nghiệm kháng thể có thể giúp xác định liệu một người đã tiêm vắc xin hay đã mắc Covid-19 hay không. Từ đầu đại dịch, các cơ quan y tế cộng đồng đã dùng xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên (có thể phát hiện một số protein nhất định trong virus với giá rẻ hơn và nhanh hơn nhưng kém tin cậy hơn so với xét nghiệm PCR) làm công cụ chính để chẩn đoán những người mắc Covid-19).
Các nhân viên y tế thường không sử dụng xét nghiệm kháng thể. Theo chuyên gia xét nghiệm Elitza Theel tại Mayo Clinic, người bệnh phải mất 1-2 tuần sau khi mắc Covid-19 mới có thể đạt được mức độ kháng thể đủ để các xét nghiệm phát hiện ra. “Phụ thuộc vào xét nghiệm kháng thể có thể khiến ta bỏ sót những người bị bệnh nặng", bà Theel nói thêm.
Xét nghiệm kháng thể khi nào?
Bà Hopkins cho biết xét nghiệm kháng thể rất hữu ích đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài vì xét nghiệm PCR chỉ phát hiện virus trong khoảng vài tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh.
Nếu một người mắc Covid-19 không được làm xét nghiệm PCR trong vài tuần đầu tiên, xét nghiệm kháng thể là cách tốt nhất để xác định liệu người này có từng bị nhiễm virus hay chưa nhiều tháng sau đó. “Khi bệnh nhân của tôi bị khó thở hoặc đau nhức mà không rõ lý do, tôi sẽ cho họ xét nghiệm kháng thể để xem liệu họ có mắc Covid-19 kéo dài hay không”, bà Hopkins nói.
Theo các bác sĩ, xét nghiệm kháng thể giúp ích trong việc xác định liệu một người có phát triển kháng thể sau khi được tiêm vắc xin hay không, đặc biệt là người già và người bệnh ung thư. Nếu kết quả cho thấy họ không có kháng thể, những người này có thể được tiêm kháng thể đơn dòng để bắt chước các kháng thể do hệ thống miễn dịch tạo ra.
Các bác sĩ cũng cho biết những người khỏe mạnh nên yên tâm rằng hệ thống miễn dịch của con người sẽ biết phải làm gì khi đối mặt với nguy cơ mới. Dù kháng thể có được sau khi mắc Covid-19 hay tiêm vắc xin suy giảm, cơ thể chúng ta vẫn sẽ ghi nhớ thông tin và tạo ra kháng thể mới nếu tiếp tục bị tấn công.
Mọi người “không nên lo lắng” nếu kháng thể của họ suy giảm theo thời gian, bà Theel nói. “Trí nhớ miễn dịch của chúng ta rất mạnh mẽ. Đây là những điều chúng tôi muốn nhấn mạnh với công chúng”, chuyên gia này cho biết.
Bình luận (0)