Hôm qua, Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Riêng các đại biểu (ĐB) chuyên trách và đoàn Hà Nội chia làm 10 tổ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại tòa nhà QH.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại đoàn TP.HCM |
“Đại bàng” chưa rời khỏi Việt Nam
Góp ý kiến, nhiều ĐB lo lắng về việc trước đó chúng ta khóa cửa quá lâu, diễn biến dịch còn phức tạp nên các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc), cho biết Bộ đã trao đổi với một số DN lớn như Adidas, Apple... và được phản hồi Việt Nam thời gian qua đã giãn cách xã hội trong thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. “Do đó, họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng”, ông Sơn nói. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm, các tập đoàn lớn như: Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Các doanh nghiệp FDI đều nhận thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế, các ĐB đều thống nhất, năm 2021 sẽ có nhiều chỉ tiêu không đạt như GDP, thu nhập bình quân đầu người… nhưng tình hình không quá bi quan, không quá tệ. Vừa qua, khi mở cửa trở lại đã lập tức giúp kinh tế hồi phục và chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh trở lại khi chúng ta vẫn đang kiểm soát được lạm phát, giữ được các yếu tố vĩ mô ổn định.
Covid-19 sáng 22.10: Cả nước 877.537 ca nhiễm, 798.124 ca khỏi | Lập 12 đoàn kiểm tra việc hỗ trợ |
Liên quan công tác điều hành chống dịch, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh (đoàn Đồng Nai), đánh giá cao vai trò tích cực chủ động, sát sao của các cơ quan lập pháp, hành pháp các bộ, ngành. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành “không thể cứ đổ lỗi do Covid-19”. Chẳng hạn, Thủ tướng gọi điện trực tiếp đến cấp xã nhưng cấp tỉnh có những người không nắm được nội dung. Trong điều hành KT-XH có tình trạng lo lắng quá, run rẩy sợ trách nhiệm không dám quyết. “Lo thì đúng nhưng sợ mà run quá không dám đưa ra các quyết sách thì không ổn. Chúng ta cần chuyển trạng thái căng ra chiến đấu với Covid-19 sang điều hành linh hoạt, hiệu quả; đồng thời phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân không làm tròn bổn phận, trách nhiệm”, ĐB An đề xuất.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH - ĐB Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) phản ánh, hiện nay người dân băn khoăn việc chậm tiếp cận nguồn cung vắc xin. Nguyên nhân có nhiều, song ĐB đề nghị rút kinh nghiệm liên quan tới năng lực dự báo. Phải dự báo kịch bản của năm 2022, diễn biến dịch bệnh như thế nào, kể cả những tháng cuối năm 2021. “Sáng nay nghe đài báo cáo Đồng Nai được bổ sung 500.000 liều vắc xin nhưng vẫn thiếu kim tiêm. Tôi thấy rất lạ. Tại sao kim tiêm lại phải đợi Bộ Y tế cấp mới tiêm được vắc xin? Cái này Chính phủ phải có rà soát, chỉ đạo xem tại sao có chuyện như thế. Có vắc xin phải tiêm ngay. Chúng ta có vắc xin mà không có kim tiêm, trong khi nguồn cung kim tiêm không khan hiếm”, ĐB đề nghị Chính phủ lưu ý và cho kiểm tra rà soát lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại đoàn Cần Thơ |
GIA HÂN |
Không lơ là, chủ quan
Tại đoàn Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, không chỉ Chính phủ mà các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cộng đồng DN và người dân đều nỗ lực hết sức để ngoại giao vắc xin, tìm nguồn mua vắc xin. Bản thân Thủ tướng cũng đã gửi thư tới nhiều nguyên thủ quốc gia, các tập đoàn lớn, nhỏ trên thế giới để huy động bằng được vắc xin. Đối với tình trạng một số nơi chống dịch còn lúng túng, còn tâm lý e ngại, theo Thủ tướng do chủng Delta diễn biến quá nhanh. “Báo cáo mới nhất về chủng Delta khiến cả thế giới bất ngờ không chỉ Việt Nam, nó khác với chủng gốc. Tối qua, tôi trao đổi với Chủ tịch An Giang, xuất hiện ổ dịch ở bệnh viện rất nhanh. Sáng nay, chỉ đạo Bộ Y tế đưa người xuống nghiên cứu ngay”, Thủ tướng nói về việc phải chủ động đối với các diễn biến mới.
Theo Thủ tướng, chủng Delta có nồng độ vi rút cao gấp nhiều lần các chủng trước đó; chu kỳ lây lan 4 - 8 tiếng, nhanh hơn chủng cũ (3 - 4 ngày). Trên 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng nên không phát hiện sớm được để tổ chức truy vết, cách ly. Trước đây, tải lượng vi rút đào thải sau 13 ngày nên cách ly 14 ngày, nhưng chủng này 17 - 18 ngày mới đào thải, bám vào niêm mạc chắc hơn, lây lan trong không khí. Chỉ cần có một nguồn lây khiến cả phòng có thể bị mắc do vi rút lan trong không khí. “Tất cả các yếu tố mới này gây cho chúng ta sự bất ngờ. Mà bất ngờ thì sẽ lúng túng. Trong kiểm điểm các cấp, các ngành đều lúng túng”, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Đồng Nai kiến nghị Chính phủ tăng điều tiết ngân sách cho Đồng Nai lên 49% |
Về giải pháp, chính sách chống dịch, người đứng đầu Chính phủ khẳng định vẫn dựa trên 3 trụ cột chính: giãn cách, xét nghiệm và điều trị. Tinh thần là phải phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực. Chống dịch không có tiền lệ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không hề đơn giản. Cách ly nhanh nhất, chặt nhất và hẹp nhất để vi rút không lây lan rộng. Bên cạnh công tác chống dịch, Thủ tướng cũng cho biết phải đảm bảo phục hồi kinh tế, phải cân đối điều chỉnh hợp lý; vừa giải quyết trước mắt, đảm bảo lâu dài. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, không để nợ công tăng lên quá nhiều. Chính phủ phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, chống lây lan. Khi điều chỉnh các giải pháp phải nâng cao năng lực y tế, nhất là cơ sở. “Không để người dân thiếu đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Hỗ trợ để DN có thêm sức khỏe, DN có khỏe mạnh lên, khôi phục sản xuất kinh doanh mới có tiền để đóng thuế”, Thủ tướng lưu ý.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, thay vì quan điểm “zero Covid”, phải nhanh chóng thích ứng với dịch bệnh, phương thức vắc xin, thuốc và 5K. Đồng thời, “không thể đóng cửa mãi đất nước mà phải mở cửa, giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển KT-XH”. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho biết, nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nga, New Zealand, là những nước phát triển về kinh tế, y tế nhưng vẫn đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện những ổ dịch mới. Do đó, Việt Nam vẫn chưa thể bỏ hoàn toàn các Chỉ thị 12, 15, 16, 19… của Chính phủ.
“Chúng ta chưa phân tích chủng sắp tới như thế nào nhưng tình hình như vậy, ngành y tế, Chính phủ vẫn phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, không được chủ quan, không được chuyển từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả xấu mà phải có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói. Nhìn nhận tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, song Chủ tịch nước đánh giá thời gian qua khi mở cửa một bước thì không khí làm ăn là tích cực, bên cạnh nhiều nơi duy trì tốt như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh ở Đông Nam bộ, TP.HCM.
Bình luận (0)