Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Học kỹ thuật thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc có cần năng khiếu?" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 15.3, các chuyên gia cung cấp cho thí sinh những thông tin cụ thể và hết sức cần thiết, về ngành học này trong giai đoạn sắp tới.
Thạc sĩ Nghệ thuật thị giác Đào Chí Đắc, Phó trưởng khoa Truyền thông - thiết kế, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Thiết kế, mỹ thuật kiến trúc là khối ngành đặc thù liên quan nhiều đến vấn giác, sự sáng tạo, đặc biệt giai đoạn gần đây việc tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng giúp ngành này có những bước tiến đáng kể".
Thí sinh tham gia thi năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong các kỳ tuyển sinh trước |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Cụ thể, nói về ngành thiết kế đồ họa, nằm khối ngành mỹ thuật ứng dụng, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM gọi đây là ngành như nghệ thuật giao tiếp, xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông tiếp cận khách hàng, thực hiện mục tiêu kinh doanh, thương mại.
Dưới góc nhìn của công trình xây dựng thì PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: "Đầu tiên chúng ta phải có ý tưởng thiết kế đồ họa, người đầu tiên sẽ liên tưởng đến hình dáng của công trình ấy như thế nào: kích thước, công năng".
Ông Phước nói thêm: "Kiến trúc sư là người tạo ra hình dáng. Còn để tòa nhà hình thành nên thì còn cần kỹ sư xây dựng, tính toán cụ thể từ vật liệu. Đến khâu triển khai thi công thì cần đội ngũ quản lý xây dựng".
Về ngành kiến trúc, PGS-TS Phạm Thành Dương, Phó khoa kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, lưu ý: "Nhiều người nghĩ rằng kiến trúc chỉ là vẽ ra tòa nhà, nhưng phía sau phải nắm kỹ thuật công trình, phải nắm hiểu về vật liệu, kết cấu, quan tâm hệ thống thông gió như thế nào, chiếu sáng, điện lạnh… Đến thiết kế công trình, phải quan tâm công năng, hình khối, thẩm mĩ của công trình, khu vực xung quanh, bảo tồn văn hóa lịch sử, để khuôn viên xung quanh giàu văn hóa, lịch sử chứ không phải phá hoại… Với mỹ thuật thì nghiêng nhiều hơn về nghệ thuật".
Cần tố chất gì để theo đuổi ngành học thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc có cần năng khiếu?
Về vấn đề năng khiếu, ông Đắc lưu ý: "Tố chất về năng lực thị giác là cần thiết nhưng ở mức độ bản năng con người thì ai cũng có thiên bẩm về thị giác. Năng khiếu thì chúng ta khó nói được một người có bao nhiêu %, mà yếu tố đam mê cũng là yếu tố quyết định rất lớn. Việc có đam mê sẽ giúp người học có trăn trở, sống chết theo ngành là yếu tố quan trọng.
"Tố chất sáng tạo cũng là một trong những yếu tố mang tính chìa khóa khi theo học khối ngành đặc thù thiết kế - mỹ thuật - kiến trúc. Chúng ta được công nghệ hỗ trợ rất nhiều nhưng yếu tố sáng tạo quyết định rất lớn. Do vậy, sự tự tin, đam mê… là cơ sở giúp các em thành công khi theo đuổi ngành này. Năng khiếu là vấn đề không thể đo lường, do vậy người học có học lực tốt đối với các môn học ở bậc phổ thông và có đam mê thì hoàn toàn có thể theo đuổi được", ông Đắc chia sẻ.
Thạc sĩ Ngọc Bích đồng thời lưu ý: "Năng khiếu là một trong những yếu tố cần, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Ngoài năng khiếu, chúng ta có sự hỗ trợ bởi công nghệ rất nhiều. Tuy nhiên, trước tiên, các bạn cần đam mê, sau đó các bạn cần sự sáng tạo nhất định và phải luôn tư duy. Đây không phải là ngành nghề chỉ làm việc 8 giờ/ngày, các bạn sẽ phải chấp nhận thức thâu đêm để hoàn thành bản vẽ. Bên cạnh đó, các bạn cần luôn có sự tò mò, khám phá. Có nhiều trường phái, xu hướng thiết kế mới, chẳng hạn xu hướng thiết kế màu sắc mới lạ trong năm 2022".
Thí sinh tham gia thi năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong các kỳ tuyển sinh trước |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Bà Bích nói thêm: "Các bạn cũng cần có kỹ năng ngoại ngữ. Xu hướng mỹ thuật, thiết kế nước ngoài thay đổi hàng ngày, cần phải học hỏi tìm hiểu mỗi ngày. Các bạn không giỏi ngoại ngữ sẽ đánh mất cơ hội phát triển của mình".
Trong khi đó, ông Phước cho rằng thí sinh không nên quá đặt nặng rằng mình có tố chất hay không. "Câu hỏi quan trọng là “bạn thích ngành học này hay không”, nếu thích và có sự nỗ lực thì tôi tin người học sẽ thành công. Nhưng kiến thức toán học rất quan trọng, vì việc tính toán khối lượng, kinh phí, hướng gió… Sáng tạo đến đâu đi nữa thì việc tính toán rất quan trọng. Do vậy, nếu có yêu thích và có khả năng toán học thì tôi tin bạn có thể theo đuổi".
PGS-TS Dương thì cho rằng người học cần khiếu thẩm mĩ, không nhất thiết phải vẽ đẹp nhưng cần yêu thích cái đẹp, muốn tìm tòi những kiến trúc mới… "Chúng ta cần học tốt toán và vật lý, vì đi vào xây dựng cần tìm hiểu vật liệu, phải tính được độ bền của kết cấu. Chúng ta cần tư duy tổng hợp, về văn hóa, lịch sử, nhân văn… chúng ta hiểu được nhu cầu của tất cả đối tượng trong một gia đình, trong một thành phố. Chúng ta phải hiểu về môi trường, xây dựng ngôi nhà bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Nếu quan tâm những điều đó, các em có thể học kiến trúc".
Phương thức tuyển đối với ngành thiết kế đồ họa
Đề cập đến ngành thiết kế đồ họa, thạc sĩ Đắc cho hay: "Chúng ta cần sự tổng hòa các môn cơ bản. Do vậy khi xét tuyển, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ có xét tuyển bằng nhiều phương thức như xét tuyển bằng học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp… trong các chương trình học đều có bổ trợ, đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho sinh viên. Các em có thể đăng ký thi năng khiếu tùy theo yêu cầu từng ngành. Trường có tổ chức thi năng khiếu hoặc xét tuyển bằng kết quả thi năng khiếu từ những trường khác".
Bên cạnh đó, thạc sĩ Ngọc Bích thông tin Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đào tạo 4 chuyên ngành (4 năm): thiết kế marketing và quảng cáo (poster, banner…); thiết kế nhận diện thương hiệu; chuyên ngành thiết kế giao diện tương tác (những sản phẩm trải nghiệm người dùng, để người sử dụng được trải nghiệm tối ưu nhất); thiết kế đồ họa chuyển động.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có 4 phương thức tuyển sinh: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM; xét tuyển học bạ (trung bình 3 học kỳ THPT, kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ là ngày 31.3) và điểm trung bình 3 môn lớp 12 của các bạn (chẳng hạn tổ hợp toán, lý, tiếng Anh). "Chúng tôi đào tạo song ngữ, 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt. Với ngành thiết kế đồ họa, chúng tôi có học bổng 30% suốt khóa học", thạc sĩ Ngọc Bích chia sẻ.
Nhiều chỉ tiêu xét tuyển
PGS-TS Nguyễn Trọng Phước cho biết: "Trường ĐH Mở TP.HCM tuyển sinh đa ngành. Năm nay, trường có thêm hai ngành mới và hiện có 27 ngành bậc đại học, 12 ngành bậc thạc sĩ, và 5 ngành đào tạo tiến sĩ. Trường có ngành kỹ thuật xây dựng, quản lý xây dựng… mỗi ngành trường có gần 200 chỉ tiêu".
Về vấn đề xét tuyển, Trường ĐH Mở TP.HCM không đặt nặng vấn đề năng khiếu, theo ông Phước. "Chúng tôi xét tuyển bằng cả 6 phương thức: điểm thi tốt nghiệp, xét tuyển học bạ (5 học kỳ), tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực… Trường dựa trên nhiều tổ hợp khác nhau nên thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương án xét tuyển khác nhau", ông Phước nói thêm.
Bên cạnh đó, PGS-TS Thành Dương cho biết Trường ĐH Việt Đức là một trường công lập, thành lập 2008 theo thỏa thuận hợp tác của chính phủ Việt Nam và Đức . "Chúng tôi cũng mới mở một cơ sở ở Bình Dương. Chúng tôi có ngành kiến trúc và ngành xây dựng, đều có đối tác là trường ĐH của Đức.
Ông Dương cho biết thêm: "Chúng tôi có một kỳ thi kiểm tra đầu vào để tuyển sinh, bài thi là do trường ĐH của Đức đưa ra. Hiện các em có thể nộp hồ sơ kể từ bây giờ. Phương thức tuyển sinh của chúng tôi còn có: xét học bạ, điểm thi THPT, nếu học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc có điểm SAT cao, bạn có thể nộp và chúng tôi để được ưu tiên".
Theo ông Dương, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào Trường ĐH Việt Đức mà không có kỳ thi năng khiếu, nếu muốn sử dụng môn thi năng khiếu có thể sử dụng kết quả của một kỳ thi vẽ từ trường khác. Chương trình của chúng tôi đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, học xong được cấp bằng ĐH của Đức. Chúng tôi nhận sinh viên đầu vào có thể có điểm nghe, nói kém, nhưng năm đầu tiên chúng tôi đào tạo tiếng Anh, để các bạn có thể giao tiếp tốt, chỉ sau năm nhất các bạn có thể IELTS 6.0.
Còn theo thầy Đắc, trong quá trình học, đầu tiên sinh viên tiếp cận những môn mỹ thuật cơ bản, các môn học đại cương… để nắm bắt chung được kiến thức xã hội, ngôn ngữ. Chương trình của các chuyên ngành: thiết kế nội thất, đồ họa, âm nhạc, truyền hình… Khi học chuyên ngành, sinh viên sẽ được hướng dẫn đi theo từng chuyên ngành hẹp. Khi đã được học chương trình đại cương, sinh viên sẽ có định hướng tốt hơn khi học lên chuyên ngành vào những năm cuối. Việc học chuyên ngành sẽ giúp các em tiếp cận, tư duy chuyên môn. Tiêu chí của trường là đặt tính ứng dụng lên hàng đầu, chuẩn đầu ra tương thích với thị trường lao động nên các em có thể yên tâm khi chọn học tại HUTECH.
Thạc sĩ Ngọc Bích cho hay: "Năm đầu tiên, sinh viên học nhập môn. Năm thứ 2, sinh viên học cơ sở ngành, học những môn chuyên môn, công cụ, dần tiếp cận với công nghệ. Đến năm 3, sinh viên có thể thực hành trên sản phẩm hoặc có thể đi làm bán thời gian… Các bạn hoàn toàn có thể đi làm từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Chương trình đào tạo song ngữ, được đào tạo đủ công cụ, chuyên ngành, ngoại ngữ. Ngoài ra, với thiết kế đồ họa chuyên sâu, các bạn có thể tương tác với các ngành khác như thương mại điện tử, digital marketing. Trong 4 năm học ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, các bạn sẽ được hoàn thiện các kỹ năng. Chúng tôi đảm bảo việc làm cho các bạn khi ra trường, để an tâm học tập ở trường".
Bên cạnh đó, PGS-TS Phước lưu ý: "Chúng ta có thể thấy công trình xây dựng không có công trình nào giống nhau, không có sản phẩm lặp lại. Mỗi sản phẩm đều được tính toán, thiết kế riêng. Chúng ta có rất nhiều trường đào tạo ngành này. Khi học nhóm ngành này thì hầu hết các trường có chương trình đào tạo khá giống nhau, sinh viên sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ bản đến chuyên ngành. Trường cũng liên kết với các công ty xây dựng trong đào tạo, các công ty sẽ hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng nhân sự".
Ngoài ra, PGS-TS Dương cho hay: "Tại Trường ĐH Việt Đức, khoảng 80% môn học của chúng tôi do giáo sư ĐH Khoa học Ứng dụng Anhalt (Đức) giảng dạy. Các em học tiếng Anh, học toán, vật lý, để quen cho những năm học tiếp theo, biết học toán và vật lý bằng tiếng Anh. Sau đó, chúng tôi học theo sát chương trình của ĐH Anhalt bên Đức - đối tác của chúng tôi. Do đó, sinh viên sẽ nhận bằng của chương trình đối tác này.
Về phương pháp giảng dạy của Trường ĐH Việt Đức, PGS-TS Dương nói: "Ngoài học lý thuyết, các em có hệ thống nhà xưởng khô, ướt, phòng điêu khắc, phòng lab. Năm cuối, các em có một học kỳ học tại ĐH ở Đức, học phí cũng như ở Việt Nam".
Bình luận (0)