VN tổn thất 10% GDP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết VN cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của VN, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng ĐBSCL, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10 - 12% dân số VN bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của TP.
|
Tiến sĩ Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ, đánh giá VN hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ việc phụ thuộc nhiều vào ODA sang giai đoạn tiếp cận được nhiều nhà tài trợ quốc tế. Tăng trưởng kinh tế mạnh, giảm nghèo nhưng tăng bất bình đẳng, hơn 50% dân số khu vực sống ở mức cận nghèo. Đến năm 2035 biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh đến VN.
Là TP bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết hiện chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt, mật độ giao thông ở TP.HCM cao gấp 17 lần cả nước là những thách thức lớn trong đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân.
Ngoài ra, TP.HCM nằm ở cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đánh giá TP.HCM là 1 trong 10 TP trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó các yếu tố tác động mạnh nhất là nhiệt độ tăng, lượng mưa và triều cường. Điều này được minh chứng bằng thực tế thời gian qua tình trạng nước biển dâng gây ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân TP.
Ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU, nhấn mạnh nếu không có mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai thì toàn bộ người dân thế giới sẽ bị ảnh hưởng. “Mối quan tâm hàng đầu trong lúc này của thế giới là việc khắc phục thiên tai, trong đó có chiến lược tập trung cho phụ nữ, trẻ em. Hội nghị này không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà rất quan trọng đối với thế giới. Hội nghị sẽ đưa ra bộ công cụ tiêu chí cho các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Saber Chowdhury khẳng định.
Các nước ứng phó biến đổi khí hậu
Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Phuntsho Rapten, thành viên Hội đồng quốc gia Bhutan, cho biết xác định 3 mục tiêu phát triển bền vững: sự sống, đất đai, xóa đói giảm nghèo gắn liền với phát triển bền vững. Bhutan dành mọi nguồn lực, cam kết để phát triển bền vững, thực hiện chương trình hạnh phúc toàn dân. Trong đó, dành nửa tỉ USD để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu tối đa hóa hạnh phúc của toàn dân.
Tại Pakistan, quốc hội nước này đã thiết lập một đơn vị đặc trách về phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Đại diện Ấn Độ, một nước đông dân bậc nhất thế giới, cho biết nước này đang cần khoảng 5 - 7 tỉ USD để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết VN đã triển khai xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 và trình Thủ tướng để ban hành. Cụ thể, kế hoạch hành động quốc gia được xây dựng dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, các ưu tiên phát triển của VN. Kế hoạch hành động quốc gia của VN được xây dựng trên quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay bình quân thu nhập trên đầu người của VN vẫn là trung bình thấp, vốn ODA đang giảm mạnh, do vậy VN cần có sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển, tạo việc làm, cải thiện y tế...
Bình luận (0)