'Trạm thu giá' không phải sản phẩm của luật

27/05/2018 06:43 GMT+7

Mấy ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng bàn luận khá nhiều về việc đổi tên các “trạm thu phí" thành “trạm thu giá” BOT.

 Có ý kiến cho rằng việc đổi này do luật quy định nên phải chờ sửa luật? Tôi xin chia sẻ một vài ý kiến nhằm góp phần làm rõ bản chất của “phí sử dụng đường bộ”, kể cả dự án BOT.
Trước hết cần khẳng định: các trạm thu phí sử dụng đường bộ dù nhà nước đầu tư hay tư nhân đầu tư đều phải thực hiện việc thu phí theo luật Phí và lệ phí năm 2015. Tại điều 3 của luật, phí được định nghĩa: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo luật này”.
Tại mục V.1.1 của Phụ lục số 1, danh mục phí, lệ phí quy định: phí sử dụng đường bộ (mức phí do Bộ Tài chính quyết định hoặc HĐND tỉnh quyết định tùy theo con đường thuộc T.Ư hay địa phương quản lý)”. Khái niệm “tổ chức” nêu trong định nghĩa trên khá rộng, bao gồm các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Nên phí sử dụng đường bộ không liên quan đến luật Giá năm 2012. Ngay cả dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh bởi luật Giá (điều 19, khoản 2, c) nhưng vẫn gọi là “viện phí”, “học phí”.
Các dự án thu phí đường bộ theo hình thức BOT là thực hiện theo loại hình đầu tư “công - tư đối tác” (PPP) quy định tại điều 27 luật Đầu tư năm 2014 (Chính phủ cụ thể hóa bằng NĐ 15/CP ngày 14.2.2015 và vừa thay thế bởi NĐ 63/CP ngày 04.5.2018). Theo hình thức đầu tư này, nhà đầu tư ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hợp đồng: đầu tư, khai thác, chuyển giao với các điều kiện cụ thể. Căn cứ hợp đồng BOT nhà đầu tư được thu phí sử dụng đường bộ với mức phí từng loại phương tiện giao thông và thời gian thu do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Như vậy các dự án BOT đường bộ chịu sự điều chỉnh của 2 luật: luật Phí và lệ phí và luật Đầu tư, nên bản chất vẫn là phí sử dụng đường bộ. Do đó không cần phải sửa luật đối với nội dung này.
Giao thông đường bộ là dịch vụ công ích, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ này theo hình thức BOT bởi sự thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể với nhà nước (T.Ư hoặc địa phương) chặt chẽ và cụ thể trong hợp đồng BOT. Đây là loại phí mang tính độc quyền, người sử dụng không có quyền lựa chọn với tư cách “người mua dịch vụ”, nên phải được điều chỉnh bởi luật Phí và lệ phí. Chủ trương xã hội hóa đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh là chủ trương đúng đắn. Việc khuyến khích những nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tham gia thực hiện chủ trương này là cần thiết. Tuy nhiên đây là loại dịch vụ công ích mang tính đặc thù, liên quan đến trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, nên quyền lợi và nghĩa vụ của các bên phải được thể hiện rất cụ thể và chặt chẽ trong hợp đồng BOT và phải được giám sát của người dân thông qua cơ quan dân cử và cả hệ thống chính trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.