Hợp tác hiệu quả và thực chất
Lễ kỷ niệm 10 năm ra đời của PSAV diễn ra trong ngày 2.12 tại Hà Nội có sự tham gia của hơn 100 đại biểu gồm trưởng các nhóm công tác PPP ở các ngành hàng, CEO các tập đoàn, công ty đa quốc gia; đại diện các Bộ, ngành; đại diện đại sứ quán các nước Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Thụy Sỹ, Canada, Pháp… cho thấy hợp tác PPP trong ngành nông nghiệp Việt Nam thu hút sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, thành công nhất trong 10 năm qua là đã cho ra đời được 8 nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi. PSAV hiện có sự tham gia của trên 120 tổ chức bao gồm các cơ quan Chính phủ; các công ty, hiệp hội, ngành hàng, viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
Ông Lê Quốc Doanh khẳng định, hợp tác PPP giữa Việt Nam và PSAV trong 10 năm qua là “hiệu quả và thực chất”. Các công ty, tập đoàn đa quốc gia bắt tay cùng người nông dân thiết lập các tiêu chuẩn từ sản xuất cho đến chế biến theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này giúp nông sản Việt Nam được nâng cao cả về chất lượng và vị thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, dù trong năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có mức tăng 2% so với năm 2019 và dự kiến năm nay sẽ cán đích xuất khẩu 41 tỉ USD.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thành quả lớn nhất trong 10 năm vừa qua là PSAV Việt Nam được coi là mẫu hình về “đối tác công tư” mà Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới và Đại học Harvard (Mỹ) đã lấy làm tình huống nghiên cứu điển hình về “đối tác công tư” trong hoạch định chính sách phát triển bền vững có thể triển khai ở nhiều quốc gia.
|
PPP giúp nông dân duy trì sản xuất, hướng đến canh tác bền vững
Theo đánh giá của đại diện Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế, các mô hình, sáng kiến theo hình thức PPP hiện đã mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp Việt Nam đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp vền vững. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức cho xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, quan hệ hợp tác công tư sẽ tạo nhiều thuận lợi giúp các bên liên quan trong chuỗi giá trị vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất.
Một trong các dự án tiêu biểu gần đây của quan hệ hợp tác công tư là chương trình hỗ trợ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ tại 7 tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, thông qua việc tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các loại hạt giống và vật tư bảo vệ thực vật giúp phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 một cách bền vững, đảm bảo nông sản đầu ra đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế. Dự án có sự chung tay của Bayer Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng Châu Á - Grow Asia và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT).
|
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, cơ hội xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới của nông sản là vô cùng lớn khi Việt Nam đã tham gia ký kết 14 hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên những thị trường thế hệ mới này có những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các sáng kiến, dự án của các thành viên trong PSAV đang hỗ trợ các nhóm nông dân trong sản xuất, ứng dụng trên các ngành cà phê, gạo… không chỉ giúp nhà nông duy trì canh tác trong điều kiện bất lợi như hiện nay, mà còn nâng tầm chất lượng nông sản Việt khi đưa ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các dự án này còn giúp nâng cao năng lực trình độ, tạo lập thói quen sản xuất nông nghiệp bền vững cho người nông dân Việt Nam. Cũng theo ông Doanh, trong 5 năm tới, PSAV hướng đến lựa chọn mục tiêu cụ thể trong ứng dụng các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng của từng ngành hàng, sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn trong các nghị định thương mại tự do mới, hướng đến sản xuất, tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bình luận (0)