(TNO) Số liệu mới nhất từ Tập đoàn kiểm toán Deloitte cho kết quả không giải đấu nào trên thế giới có thể sánh ngang với Premier League về mặt doanh thu. Nhưng song song đó, một hồi chuông báo động cũng vừa được gióng lên...
>> CLB Manchester United "vô địch" về cổ động viên trên toàn thế giới
>> Từ chối thành Manchester, Eden Hazard chọn Chelsea
>> Arsenal đưa ra mức lương kỷ lục để giữ chân Van Persie
|
2,28 tỉ bảng, tăng 12% so với mùa giải trước, đó là doanh thu của những đội bóng đang chơi ở Premier League trong mùa 2010-2011. Tính tổng cộng, kết quả thống kê được Deloitte thực hiện còn chỉ ra doanh thu của 92 đội bóng hàng đầu tại Anh ở mức 2,9 tỉ bảng, tăng 9%.
“Những CLB hàng đầu ở Premier League tiếp tục cho thấy sự phát triển hết sức ấn tượng về doanh thu bất chấp tình hình kinh tế đang lao đao vì khó khăn. Nguồn lợi mang về cho các CLB xuất phát từ doanh thu truyền hình đã tăng 13% lên mức 1,18 tỉ bảng trong năm đầu tiên của hợp đồng bản quyền 3 năm”, Dan Jones, một chuyên viên của Deloitte cho AFP biết.
Tới đây, có lẽ ai cũng nghĩ những nhà làm bóng đá nơi đảo quốc sương mù thật có đầu óc phi thường trong việc làm ăn. Tuy nhiên, đằng sau những con số như mơ ấy lại tồn tại một thực tế ảm đảm.
Dù cho doanh thu có tăng, nhưng lợi nhuận mà các CLB có được lại giảm sút. Cũng từ kết quả phân tích của Deloitte, lợi nhuận của các đội bóng giảm 19% xuống thành 68 triệu bảng, và những khoản lỗ trước thuế cũng chạm ngưỡng 380 triệu bảng.
|
Nguyên nhân khiến các đội bóng tại Anh dù có doanh thu cao nhưng vẫn chịu lỗ thuộc về những khoảng lương cao ngất ngưởng trả cho cầu thủ. Con số thống kê chỉ ra có đến 70% doanh thu của CLB được dành để trả lương cầu thủ, và đã tăng 200 triệu (14%) so với mùa trước khi đạt 1,6 tỉ bảng.
“Rõ ràng, khi phải dành đến 70% doanh thu để trả lương cho cầu thủ thì quá khó để mang đến lợi nhuận cho một đội bóng” , Alan Switzer, giám đốc thuộc lĩnh vực kinh doanh thể thao của Deloitte, cho biết.
Theo AFP, việc CLB phải trả lương quá cao cho cầu thủ không khác nào một con dao 2 lưỡi. Lương cao đồng nghĩa với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao đẳng cấp, nhưng điều đó cũng vô tình tạo ra một thách thức về ngân sách cho CLB, đặc biệt khi UEFA áp dụng luật công bằng tài chính kể từ mùa 2012-2013.
“Hai đội bóng thuộc hạng chi tiêu mạnh tay gồm Chelsea và Manchester City sẽ còn lắm chuyện để làm về mặt tài chính bởi họ được biết đến như những CLB có khoản lỗ rất nặng”, ông Alan Switzer nói thêm.
Khánh Uyên
Bình luận (0)