Project Vietnam và dự án Hơi thở cho bé

03/11/2007 21:12 GMT+7

Project Vietnam, tổ chức do bác sĩ Quỳnh Kiều ở California (Mỹ) thành lập, vừa đến Việt Nam trong chương trình trợ giúp y tế thường niên. Cuối tháng 10, Thanh Niên đã phỏng vấn bà Quỳnh Kiều ngay trước chuyến đi.

* Bác sĩ có thể giới thiệu sơ lược về tổ chức Project Vietnam?

- Project Vietnam đã thành lập được 11 năm rồi. Chúng tôi làm việc với Hàn lâm viện Y khoa Mỹ, chi nhánh quận Cam và mục tiêu là giúp cho trẻ em ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi tổ chức 2 chuyến đi: một chuyến vào tháng 3 và một chuyến vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 như chuyến đi này. Chúng tôi đưa chuyên viên y tế sang Việt Nam và chia ra 3 nhóm: một nhóm đào tạo, chỉ chuyên huấn luyện, gồm các giáo sư, bác sĩ ở những bệnh viện lớn bên Mỹ. Nhóm thứ hai đi khám chữa bệnh ở các trạm xá, chủ yếu ở những vùng quê khó khăn. Nhóm thứ ba là nhóm giải phẫu. Năm nay chúng tôi tiến hành phẫu thuật mắt ở tỉnh Vĩnh Phúc. Các nhóm luôn có sự trao đổi với các bác sĩ ở trong nước và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho các chuyên gia Việt Nam.


Bộ hồi sức cấp cứu rất cần thiết để cứu mạng các bé sơ sinh.

* Chuyến đi lần này Project Vietnam chú tâm vào địa phương nào?

- Chúng tôi sẽ đến Bình Phước, một tỉnh nghèo, có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao thứ hai ở Việt Nam. Chúng tôi đã có dự án về trẻ sơ sinh từ 2 năm nay và đã làm việc với Bộ môn Nhi- Đại học Y dược TP.HCM cùng Viện Nhi Hà Nội để tổ chức những buổi tập huấn về những kỹ năng sơ sinh. Đã có đại diện của 36 tỉnh đến tham gia các các lớp đào tạo này. Chúng tôi thấy Bình Phước là một trong những nơi cử người đến tập huấn ngay từ lớp đầu tiên, sau đó theo dõi thì thấy việc áp dụng rất hiệu quả, tỷ lệ trẻ tử vong giảm rõ... Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến Bình Phước. Hồi tháng 3, tôi đã làm việc với Sở Y tế Bình Phước và lần này chúng tôi có kế hoạch đưa một giáo sư và một ê-kíp chuyên gia sơ sinh đến để chuyển giao cho tỉnh này. Chúng tôi cũng quyên góp 150 bộ hồi sức cấp cứu để cho họ phân phối toàn tỉnh. Bình Phước sẽ là điểm mẫu để  thực hiện về hồi sức cấp cứu sơ sinh.

* Công dụng của những bộ hồi sức cấp cứu như thế nào? Ngân sách nào để mua những bộ dụng cụ ấy cung cấp cho Bình Phước?

- Bộ dụng cụ hồi sức cấp cứu đó thật cần thiết vì hiện nay, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn rất cao, mỗi ngày khoảng 100 em chết ngạt trong khi đến 90% trường hợp là có thể cứu sống nếu được hồi sức. Project Vietnam đang tiến hành dự án Hơi thở cho bé (Breaths for Newborns) và đã huấn luyện cho 36 tỉnh ở Việt Nam. Để thực hiện hồi sức, nhân viên y tế cần một bộ dụng cụ nói trên (giá mỗi bộ 100 USD) và đây là dụng cụ có thể dùng đi dùng lại (có tuổi thọ từ 3- 5 năm). Về ngân khoản, chúng tôi vận động. Mới tháng trước, chúng tôi đã tổ chức một buổi gây quỹ, vận động được 40.000 USD và dùng toàn bộ số tiền này mua 400 bộ hồi sức cấp cứu.

* Thế còn những người tham gia đoàn công tác thì sao? Ai tài trợ cho họ?

- Họ tự bỏ tiền túi ra hết. Những người đi theo chúng tôi trong 11 năm qua (khoảng 2.000 người), từ giáo sư cao cấp ở Đại học Harvard cho đến y tá, kỹ thuật viên, thông dịch... đều tự nguyện và tự túc toàn bộ. Mỗi người đóng góp hơn 2.000 USD cho mỗi chuyến đi, (thường mỗi chuyến đi kéo dài 2 tuần). Chi phí cũng nhiều vì chúng tôi di chuyển nhiều nơi. Chẳng hạn trong chuyến đi này, chúng tôi dự định làm việc ở 10 tỉnh và 18 bệnh viện.

* Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với bác sĩ trong những năm hoạt động tình nguyện phục vụ trẻ em nghèo ở Việt Nam?

- Kỷ niệm ăn sâu vào tâm khảm tôi là hoàn cảnh của một phụ nữ ở Ninh Bình. Việc xảy ra đã 7 năm rồi. Lúc đó, người mẹ này được chẩn đoán là bị ung thư cổ tử cung. Tôi khuyên bà đi chữa, nhưng bà không nghe. Lý do từ chối vì bà có con còn nhỏ mặc dù bà biết như vậy là một án tử hình cho chính mình. Bà chỉ nghĩ đơn giản là có thể kéo dài cuộc sống thêm 3 năm, đủ thời gian cho con bà lớn thêm một chút. 

Tuyết Linh (từ California)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.