(Ảnh: Blogcdn)
Đôi khi, có nhiều hệ máy console của những thế hệ trước đây lại hay được nhớ tới bởi sai lầm của nhà phát hành. Ví dụ, khi nói đến Dreamcast, người ta hay nghĩ đến nó như một cú “kết liễu” đối với Sega, loại hãng này ra khỏi chiến trường máy chơi game cho đến tận bây giờ. Kể cả những thế hệ máy chơi game ở thời điểm hiện tại như PS3 hay Xbox 360 dù đều đạt được những thành công nhất định, song chúng cũng mắc phải không ít những sai lầm.
Những sai lầm đó là gì? Chúng ta hãy cùng xem:
Red Ring of Death
(Ảnh: Instructables)
Một buổi sáng đẹp trời, sau khi bật nguồn chiếc máy Xbox 360 thân yêu, bạn cứng đơ khi bất chợt nhìn thấy một biểu tượng “chết chóc”. Đó là lỗi 3 đèn đỏ (RROD) của Xbox 360. Mắc phải lỗi này, 3 đèn nguồn của máy sẽ phát sáng màu đỏ, và máy hoàn toàn không khởi động được nữa. Những chủ nhân “xấu số” thường không hiểu tại sao chiếc máy của mình lại mắc phải lỗi này. Thực chất, đây là một lỗi trong dây chuyền sản xuất của Microsoft, cách duy nhất để sửa lỗi là… gửi trả máy cho họ. Nhưng thật đáng buồn nếu quốc gia bạn ở không hề có chi nhánh của Microsoft cùng chức năng cho người dùng trả lại máy lỗi.
Microsoft Points
(Ảnh: Joystiq)
Trước đây, hệ thống nạp tiền của hệ thống mạng Xbox Live không giống như hiện tại, khi nạp một thẻ cào 20 đô la, hệ thống sẽ quy đổi thành 1.600 điểm Microsoft Points, rồi tính tiền các sản phẩm, dịch vụ trên Xbox Live bằng đơn vị này. Mục đích của việc làm vô dụng, gây rối rắm cho người chơi này từ Microsoft hiện vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng từ các nhà khoa học. Trong khi đối thủ Sony vẫn giữ nguyên đơn vị tiền thật trong hệ thống PlayStation Network của mình.
Ổ cứng nghèo nàn
(Ảnh: Wikimedia)
Với việc cả 2 hệ máy Xbox One và PS4 vừa ra mắt đều đi kèm ổ cứng 500 GB, những ai đã từng sở hữu những chiếc máy cũ sẽ phải phì cười khi nhớ tới dung lượng ổ cứng của chúng: 20 GB và 60 GB cho PS3, và 20 GB (hoặc không kèm ổ cứng như phiên bản Arcade) cho 360. Mặc dù cả Sony lẫn Microsoft đều dần dần tăng dung lượng ổ cứng trong những bản nâng cấp về sau, nhưng chi phí để mua một ổ cứng gắn ngoài vẫn rẻ hơn khá nhiều.
Tốc độ cập nhật "chậm như rùa" của PS3
(Ảnh: Exophase)
Nếu bạn không thường xuyên nâng cấp chiếc máy PS3 của mình, bạn sẽ ngạc nhiên nếu thấy thông báo yêu cầu cập nhật hệ thống mỗi khi chạy một tựa game mới, hay thậm chí vừa bật máy lên và kết nối mạng. Chỉ có những ai với lòng kiên nhẫn “vô bờ bến” mới có thể chờ hết quá trình cập nhật qua các công đoạn: tải bản cập nhật về, chờ cài đặt bản cập nhật rồi khởi động lại máy. Các bản vá lỗi của vài tựa game cũng có cùng một quy trình “rùa bò” như thế.
Tuy nhiên, phần mềm 4.50 đã thay đổi tất cả những điều này. Nó mở khóa các bản cập nhật tự động cho mọi người chơi (một tính năng vốn chỉ độc quyền cho dịch vụ trả phí PlayStation Plus của Sony), khiến cho tốc độ cập nhật cải thiện đáng kể.
Bình luận (0)