EVN tiếp tục dẫn đầu các doanh nghiệp nhà nước về doanh thu
Theo báo cáo về việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội, tổng doanh thu năm 2017 của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đạt gần 1,456 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016 (1,382 triệu tỉ đồng).
Tổng doanh thu công ty mẹ cũng đạt 864.000 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016 (hơn 842.400 tỉ đồng).
Năm 2017, EVN xếp vị trí thứ nhất trong khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về doanh thu với 299.346 tỉ đồng, tăng khoảng 22.000 tỉ đồng so với doanh thu 2016.
PVN có doanh thu lớn thứ 2 với 292.723 tỉ đồng, tăng khoảng 43.000 tỉ đồng so với năm trước; Viettel đứng thứ 3 với 251.474 tỉ đồng, tăng khoảng 26.000 tỉ đồng; Vinacomin đứng thứ 4 với 79.907 tỉ đồng, tăng khoảng 8.000 tỉ đồng; VNPT đứng thứ 5 với 55.830 tỉ đồng, tăng khoảng 2.700 tỉ đồng.
Đáng chú ý, năm 2017, MobiFone đã soán vị trí thứ 6 của Vinachem, với 44.206 tỉ đồng, tăng gần 6.000 tỉ đồng; Vinachem đứng vị trí thứ 7 với 41.872 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng; Vicem vẫn đứng thứ 8 với 25.482 tỉ đồng, DNNN duy nhất trong top 10 bị giảm doanh thu khoảng 1.400 tỉ đồng so với năm 2016.
Các vị trí thứ 9, 10, 11 lần lượt thuộc về Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (23.814 tỉ đồng), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (22.526 tỉ đồng), Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (20.123 tỉ đồng)....
Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã chính thức lọt khỏi top 10 về doanh thu.
PVN, Viettel, EVN đứng đầu về lợi nhuận
Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 154.569 tỉ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2016. Các TĐ, TCT có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt cao trên 2.000 tỉ đồng vẫn chủ yếu ở những TĐ, TCT có quy mô lớn.
|
PVN dẫn đầu về lợi nhuận trong năm 2017 với 48.220 tỉ đồng, chính thức soán ngôi của Viettel.
Viettel xếp thứ 2 với 44.282 tỉ đồng; EVN từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 với lợi nhuận 8.145 tỉ đồng; SCIC từ vị trí thứ 3 năm 2016 tụt xuống thứ 4 với 6.765 tỉ đồng; MobiFone xếp thứ 5 với 5.642 tỉ đồng (năm 2016 xếp thứ 4);...
VEAM, Vicem, Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn đã rớt khỏi top 10 DNNN có lợi nhuận cao nhất.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay/tài sản (ROA) bình quân của các TĐ, TCT năm 2017 là 7,5%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các TĐ, TCT năm 2017 là 10,4%.
Một số TĐ,TCT có tỷ suất ROE đạt cao như: Viettel đạt 28,8%; TCT Quản lý bay VN đạt 26,4%; TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đạt 25,3%; TCT Thương mại Sài Gòn đạt 23,7%; TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đạt 24,5%; TCT Xăng dầu quân đội đạt 22,3%; Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu Tây Nam (Bộ Quốc phòng) đạt 28%.
Chỉ tiêu này hơi khác so với báo cáo năm ngoái của Chính phủ. Năm 2016, một số TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt cao là TCT Địa ốc Sài Gòn đạt 38%; Viettel đạt 34%; TCT CN In bao bì Liksin đạt 33%; TCT Xăng dầu Quân đội đạt 30%, MobiFone và TCT 789 đạt 30%; VEAM đạt 24.69%; TCT Thương mại Sài Gòn đạt 25%; TCT Thái Sơn đạt 24%.
PVN vẫn nộp ngân sách nhiều nhất
Năm 2017, tổng các khoản phát sinh phải nộp NSNN đạt 191.799 tỉ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa là 132.924 tỉ đồng, chiếm 69,3% tổng số phát sinh phải nộp NSNN; số phát sinh phải nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu là 12.256 tỉ đồng và số lợi nhuận phải nộp NSNN theo quy định là 46.618 tỉ đồng.
PVN đứng đầu danh sách các DNNN nộp ngân sách trong năm 2017 với 80.155 tỉ đồng, kế đến là Viettel và EVN.
|
Bình luận (0)