Quá nhiều phí
Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải hiện nay đang hết sức khó khăn. Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết: “Xe chở hàng hóa từ cảng Cát Lái - TP.HCM đi Cần Thơ phải chịu phí cầu đường chiếm đến 19% giá cước. Hàng loạt chi phí khác như lãi suất vay, dầu, vỏ xe… đang quá cao khiến DN không có lợi nhuận. Nhiều DN đã phải bán xe do thua lỗ”.
|
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải số 2 (TP.HCM, đang có trên 500 xe tải, xe đầu kéo chở hàng hóa chạy tuyến bắc - nam), cho biết: “Ngoài việc phải vất vả đóng phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện (xe đầu kéo đóng 1.440.000 đồng/tháng chưa kể rơmoóc, xe tải dưới 23 tấn đóng 770.000 đồng/tháng, xe tải dưới 19 tấn 590.000 đồng/tháng), chúng tôi còn phải đóng phí cho khoảng 10 trạm thu phí dọc QL1. Theo ông Tuấn, mỗi xe dưới 25 tấn chạy tuyến bắc - nam phải đóng phí trung bình trên 1,8 triệu đồng/chuyến. Đối với xe container, số tiền nộp qua các trạm thu phí gấp đôi. Vừa qua, khi triển khai phí bảo trì đường bộ, xe tải chạy bắc - nam giảm được 300.000 đồng/xe (dưới 25 tấn) do có 3 trạm thu phí bị xóa bỏ. Đó là chưa kể khoản phí… vô danh trung bình lên đến trên 4.000.000 đồng/xe/chuyến”.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Dinh Quản (có trên 100 xe tải), than phiền: “Nhiều DN phải đi vay tiền để nộp phí bảo trì đường bộ, nay lại thêm nỗi lo nữa là hàng loạt trạm thu phí BOT dọc QL1 sẽ xuất hiện”. Ông Quản không đồng ý với cách giải thích của Bộ GTVT rằng nhà nước không đủ kinh phí đầu tư mở rộng QL1 nên phải huy động vốn theo hình thức BOT. “Dù thiếu hay đủ vốn thì phải làm cho đúng luật thì mới thuyết phục người dân, DN đóng phí. Chứ như cách làm hiện nay là hoàn toàn không thuyết phục. DN vừa oằn mình đóng phí bảo trì đường bộ, lại phải đóng phí qua trạm nữa thì vô lý quá”, ông Quản nói.
Khi dự án mở rộng QL1 hoàn thành, các xe chạy tuyến bắc - nam sẽ phải nộp phí bao nhiêu? Các DN vận tải tính toán: Trước mắt theo Bộ GTVT, sau khi mở rộng QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ có tổng cộng khoảng 20 trạm. Như vậy phí phải nộp của xe trọng tải 25 tấn có thể lên tới trên 3 triệu đồng/chuyến, xe container thì gấp đôi mức đó. “Chưa kể mức thu phí tại các trạm còn tăng thêm 3 năm một lần nữa, DN sẽ cực kỳ khó khăn”, luật sư Thái Văn Chung nói.
Không có sự lựa chọn
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, với mật độ dày đặc các trạm BOT trên QL1, vị trí đặt các trạm thu phí thế nào rất cần được tính toán hợp lý. “Nếu không được kiểm soát sẽ dễ lặp lại tình trạng các trạm thu phí BOT được bố trí không hợp lý, không đi cũng thu, gây bức xúc cho dư luận như trạm BOT Tào Xuyên thu cho đường tránh Thanh Hóa, trạm Bắc Thăng Long Nội Bài lại thu cho đường tránh Vĩnh Yên, hay trạm thu phí Sông Phan thu cho cầu Đồng Nai…”, ông Thanh nói.
Ông Thanh nói thêm: “Các DN muốn công khai mức giá thu, vì hiện tại mức thu trạm BOT vẫn rất tù mù, bao nhiêu phần để hoàn vốn, bao nhiêu để bảo trì đường bộ chưa rõ. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định thu qua trạm BOT không phải là phí chồng phí, vì trạm BOT đã tính toán cả phần phí bảo trì dành cho tuyến đường đó, nhưng sợ rằng các khoản phí này sẽ rất lẫn lộn, DN đã nộp phí bảo trì đường bộ chung rồi lại phải nộp cả phí bảo trì đường BOT”.
Trên thực tế, các DN vận tải bắc - nam đang rơi vào thế bí bởi không có nhiều sự lựa chọn thay thế cho tuyến QL1. Sự lựa chọn tốt nhất cho các DN vận tải và xe khách đường dài bắc - nam để “né” QL1 sẽ dày đặc các trạm thu phí BOT, cũng như để hạ tải cho QL1 chính là tuyến đường Hồ Chí Minh. Toàn tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Nội) tới Tân Cảnh (Kon Tum) dài hơn 1.300 km và một phần giai đoạn 2 đã được hoàn thành. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ VN, tuyến đường mới chỉ sử dụng thuận tiện tại khu vực phía bắc, đặc biệt đoạn Hà Nội - Nghệ An. Tại phía nam, đường Hồ Chí Minh chưa đảm bảo lưu thông trong mọi thời tiết, ẩn chứa nguy cơ sạt lở và thiếu vắng các trạm dừng chân, trạm sửa chữa, cơ sở buôn bán xăng dầu. Ngoài ra, các tuyến đường xương cá nối QL1 với đường Hồ Chí Minh cũng không được đầu tư. Như vậy, tuyến đường này dù đã được đầu tư xây dựng rất lớn nhưng chưa san sẻ được nhiều gánh nặng cho QL1. Vì thế, dù muốn nhưng các DN vận tải cũng chưa thể lựa chọn tuyến đường này để chạy suốt bắc - nam.
Kiến nghị đổi cách thu phí bảo trì đường bộ Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vừa kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP về những khó khăn của các DN vận tải do nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế trong việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ. Theo hiệp hội, do thời gian qua các cơ quan quản lý không kiểm soát được chất lượng đường bộ đã dẫn đến kinh phí duy tu, bảo trì thực tế cao hơn cả tiền đầu tư ban đầu. Nếu cơ quan quản lý kiểm soát tốt về vốn đầu tư, chất lượng đường bộ thì việc duy tu, bảo trì đường bộ sẽ tốn ít tiền. Việc huy động đóng góp của người dân và DN sẽ ở mức hợp lý hơn. Ngoài ra, các DN vận tải kiến nghị thay cách thu phí bảo trì đường bộ theo kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm… tùy theo đời xe cũ hay mới) sang thu phí hằng tháng để giảm bớt gánh nặng cho họ. |
Đình Mười - Mai Hà
>> QL1 sẽ dày đặc trạm thu phí
>> Mở rộng QL1 đoạn Bình Định - Phú Yên
>> Khởi công mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát
>> Dự án mở rộng QL1: Gánh nặng phí
>> Khởi công mở rộng QL1 qua Quảng Nam
Bình luận (0)