Theo trang tin New Scientist, chuyên gia John Marzluff thuộc Đại học Washington ở thành phố Seattle cách đây 5 năm đã phát hiện rằng quạ có thể nhận biết những người đe dọa chúng. Ông đã đặt bẫy các con quạ Mỹ (tên khoa học là Corvus brachyrhynchos) tại làng đại học khi đang đeo chiếc mặt nạ đặc trưng của người thượng cổ. Sau đó, các con quạ bị mắc bẫy đã “chửi mắng” bất kỳ ai mà chúng phát hiện đeo loại mặt nạ trên, bám theo họ và kêu gào dữ dội, đồng thời phớt lờ những người đeo mặt nạ khác.
Kể từ đó, ông Marzluff đã theo dõi phản ứng của các con quạ với mặt nạ. Những cuộc thử nghiệm trong đó ông và các cộng sự đeo mặt nạ đi vòng quanh làng đại học cho thấy ngày càng nhiều con quạ công kích những ai đeo mặt nạ của người thượng cổ.
Trong năm thứ 5 của cuộc nghiên cứu, ông Marzluff gần như không thể đi xa hơn khoảng cách 50 mét từ văn phòng của mình với chiếc mặt nạ thượng cổ trước khi đám quạ bu lại để công kích ông. Hành vi này cũng dần lan truyền ra ngoài khu vực đặt bẫy ban đầu.
Ngay cả những con quạ non chào đời sau thời điểm xảy ra vụ đặt bẫy cũng học được cách mắng mỏ những người đeo mặt nạ thượng cổ bằng cách bắt chước cha mẹ chúng. “Quạ con rất dễ lĩnh hội cái mà cha mẹ chúng đang làm”, ông Marzluff nói. Theo chuyên gia này, loài quạ có 2 cách học. Chúng có thể học thông qua kinh nghiệm cá nhân và bằng cách quan sát đồng loại, cho phép chúng nhanh chóng nắm bắt những mối đe dọa mới.
Dù khó chứng minh chắc chắn vấn đề học tập xã hội trong thế giới tự nhiên, nhưng các nhà khoa học tin rằng quạ quan sát lẫn nhau và quan sát con người tốt hơn chúng ta nghĩ.
Khang Huy
Bình luận (0)