Quả bóng vàng Việt Nam 2015: ‘Tôi từng chủ động xin không lên tuyển’

08/01/2016 15:19 GMT+7

Đã có những ý kiến tranh cãi về đóng góp cho tuyển quốc gia của Quả bóng vàng Việt Nam 2015 Nguyễn Anh Đức, nhưng ít ai biết rằng chính đội trưởng của B.Bình Dương đã chủ động xin HLV Toshiya Miura được ở nhà để tập trung cho CLB.

Đã có những ý kiến tranh cãi về đóng góp cho tuyển quốc gia của Quả bóng vàng Việt Nam 2015 Nguyễn Anh Đức, nhưng ít ai biết rằng chính đội trưởng của B.Bình Dương đã chủ động xin HLV Toshiya Miura được ở nhà để tập trung cho CLB.

Anh Đức trong giây phút đăng quang Quả bóng vàng Việt Nam 2015 - Ảnh: Bạch Dương

Cuộc trò chuyện thú vị giữa tôi và Anh Đức khởi đầu bằng 2 câu hỏi. Thứ nhất là của HLV Lê Thụy Hải một năm trước là “tại sao trong danh sách ứng viên cuối cùng của Quả bóng vàng 2014 không có tên cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2014?”. Kế là của HLV Phan Thanh Hùng về việc tại sao Anh Đức không có tên ở đợt tập trung chuẩn bị cho trận gặp Đài Loan, thời điểm Đức “Eto’o” đang có phong độ bùng nổ.

Chủ nhân của Quả bóng vàng Việt Nam 2015 cho biết: “Về trận Đài Loan, có xin phép không lên tập trung đội tuyển. Tôi thấy khi đó có rất nhiều sự lựa chọn. Mỗi HLV có một cách làm, có một sự lựa chọn cầu thủ với tố chất khác nhau. Thực tế từ năm 2014, từ khi HLV Miura lên tôi thấy ông ấy có sự khác biệt.

Quan niệm của tôi là không lên thì thôi, đã lên phải cống hiến. Còn khi đội tuyển có nhiều sự lựa chọn, mình không được xác định chính thức, CLB đang tranh chấp ngôi vô địch, thì tôi xin phép được tập trung cho CLB.

Điều này không mâu thuẫn với việc tôi ủng hộ cho các đồng đội tại B.Bình Dương lên tập trung đội tuyển. Anh biết đấy, mỗi lần là đội có 5-6 lên. Ai được HLV Miura “chấm” tôi đều động viên cả, vì điều đó tốt hết cho cả đôi bên. Tự nhiên, mọi thứ rất dễ dàng”.
Như nhiều cuộc bầu chọn khác, kết quả Quả bóng vàng Việt Nam 2015 gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Bạch Dương

Rồi Đức nói tiếp: “Còn về bố Hải, tôi khi đó cũng bất ngờ. Anh thấy trên thế giới có ai không có thành tích mà được tôn vinh không?

Trong chuyên môn có những cái ai cũng đều biết. Năm vừa rồi cũng có những tờ báo hỏi tôi có buồn hay không? Tôi nói không, vì biết anh em báo chí có lúc hơi nghiêng về tình cảm. Mà chuyện đã qua rồi, cũng không nên nhắc lại”.

Từng có bài viết trên một tờ báo thể thao hàng đầu Việt Nam tiết lộ rằng, riêng ở Việt Nam, giàu nhất giới cầu thủ không phải là Công Vinh, Như Thành, Việt Thắng hay những ngôi sao quen thuộc cỡ bự khác. Danh hiệu đó phải dành cho Anh Đức, người sở hữu nhiều sản nghiệp từ trang thiết bị thể thao, nông sản đến nhà hàng trị giá phải cả trăm tỉ đồng.

“Tôi thấy phần thưởng của mình hoàn toàn xứng đáng. Còn mơ ư? Tôi không có mơ. Tôi là người thực tế, biết có chỉ mơ không cũng không được. Cứ cố gắng, làm tốt cho bản thân và tập thể trước đi. Còn lại là một người đánh giá. Mình làm hết mình, người ta thấy mình làm tốt sẽ tôn vinh.

Tình cách đó của tôi tích lũy từ cuộc sống, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình mình, môi trường sống… gộp lại ra tôi ngày hôm nay. Nó là thực tế. Tôi không hoài niệm, mơ tưởng gì. Tôi biết hài lòng với bản thân mình”, Anh Đức bộc bạch.
Anh Đức góp công lớn trong 2 chức vô địch gần nhất của B.Bình Dương - Ảnh: Bạch Dương

Vậy, liệu có sự khác biệt gì khi Đức “Eto’o” phải nhập một lúc 2 vai trò, anh lý giải: “Giữa kinh doanh và bóng đá, 2 cái có nhiều khác biệt. Đang còn đá bóng thì tôi phải tập trung cho bóng đá rồi. Còn kinh doanh là khi thời gian rảnh. Không rảnh phải thu xếp con người để quản lý công ty.

Còn về tiếp xúc, anh biết đấy trong bóng đá anh em hòa thuận, cởi mở lẫn nhau. Thậm chí anh em với nhau ra ngoài mặc quần lửng, quần đùi, cà phê cũng được. Còn khi làm cho công ty, gặp khách hàng tôi phải chỉnh đốn một chút. Cũng hơi khó chịu. Quần đùi áo số quen rồi”.

Anh Đức lúc này được xem là “người Mohican cuối cùng” tại B.Bình Dương, là chiến binh cuối cùng của một thế hệ tài năng của bóng đá Bình Dương. 
Nhưng anh sẽ là gạch nối, khi từ mùa bóng này B.Bình Dương bắt đầu tiếp dòng máu mới do chính mình sinh ra bằng những cầu thủ U.19 được đánh giá là có tiềm năng, có thể kiếm được một suất đá chính trong 2-3 năm nữa.
Anh Đức đang là cầu thủ không thể thiếu của B.Bình Dương - Ảnh: Bạch Dương
“Nói đúng ra là các em trẻ lên cũng có tài năng, có thể phát triển. Lẽ dĩ nhiên, tôi sẽ chỉ bảo những gì cảm thấy tốt, những gì khuyên bảo hết cho em út.
Tôi cho rằng đã là đàn anh thì phải nói sao cho em út nó phục, nó nghe chứ không phải ỷ lớn áp đặt. Nhưng, mình nói là một chuyện, còn tư duy tiếp thu và phát triển là một chuyện. 
Một lớp trẻ mấy trăm người, các thầy loại dần dần còn mười mấy, hai mươi người cho đội trẻ, lên đội 1 loại tiếp còn 1-2 người mỗi năm là hay rồi. Ví dụ thế để thấy tính sàng lọc rất cao. Các thầy ở các lớp dưới cũng đã truyền đạt rất nhiều. Nhưng em út có ý thức tiếp thu hay không còn là do chính họ.

Nếu có một ngày chứng kiến B.Bình Dương vô địch V-League với nhiều cầu thủ bản địa ư? Sẽ rất vui. Bản thân tôi cũng muốn có điều đó. Ai cũng vậy, cũng mong nền bóng đá Việt Nam mỗi tỉnh thành có những đội bóng gồm nhiều anh em địa phương chơi với nhau. Có nhiều cái đặc biệt lắm.

Ví dụ, 2 năm vừa qua, mình vô địch rất là vui. Nhất là trên quê hương mình càng vui hơn. B.Bình Dương có rất nhiều thành phần, anh em đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Khi vô địch ai cũng vui, vợ con cái gia đình vui. Bản thân tôi càng vui hơn vì đây là quê hương mình.

Nếu một ngày nào đó em út mình lên và đem vinh quang về, có thành tích, thì mình sẽ càng vui càng sung sướng hơn nữa. Người ta được hơn mình càng mừng. Em út có cảm giác đó mình càng sung sướng hơn. Anh làm được, mấy em làm được. Còn gì vui hơn!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.