Quá đói, 2 thanh niên cướp ổ bánh mì ăn tạm: Xử nặng hay giáo dục?

10/05/2016 14:50 GMT+7

Nhiều tranh cãi xảy ra xung quanh chuyện tình và lý trong vụ cướp ổ bánh mì ngọt để ăn vì đói của hai thanh niên sống ở TP.HCM.

Khi đâu đó trên thế giới xảy ra thiên tai, người Việt vẫn có thói quen so sánh chuyện xứ người với văn hóa trong nước. Phillipines bị bão, người dân tranh giành nhau thực phẩm rồi giẫm đạp lên nhau bất chấp tình người, rồi giải thích là vì đói, vì khổ. Trong khi tại Nhật cũng thường xuyên có động đất nhưng người dân vẫn nhẫn nại xếp hàng, người già, trẻ em dù có đói lả đi vẫn vui vẻ chờ đến lượt.
Nhìn lại nước ta, một số ý kiến cho rằng đừng đem việc đói khát ra ngụy biện cho hành động sai trái là đi cướp. Ai làm sai vẫn chịu trách nhiệm trước pháp luật... Người đồng tình, kẻ phản đối. Để rộng đường dư luận, Thanh Niên xin phân tích vụ việc dưới góc nhìn pháp lý nhiều chiều. 
Nhiều luật sư cho rằng việc hai thanh niên cướp bánh mì ngọt và một số đồ ăn với tổng giá trị 45.000 đồng nhưng bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Thủ Đức truy tố ra trước Tòa án nhân dân quận Thủ Đức để xét xử các bị cân Ôn Thành Tân, Nguyễn Hoàng Tuấn về tội “Cướp giật tài sản” theo Điểm d, Khoản 2, Điều 136 BLHS tội “cướp giật tài sản” với tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn nguy hiểm, có khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm là không hợp lý.
Cần công tâm

Trị giá tài sản các việc chiếm đoạt là bao nhiêu? Tại sao các em lại chiếm đoạt ổ bánh mì và các thứ linh tinh mà không phải là những tài sản gì có giá trị khác? Ý thức của các em khi thực hiện hành vi trên nhằm vào mục đích gì? Ngoài ra, việc suy nghĩ nông cạn khi đói quá là giật lấy tài sản của người bán hàng cũng là một vấn đề phản ánh về tâm sinh lí còn non trẻ, suy nghĩ bốc đồng của các em.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo phân tích

Theo luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn) để đánh giá hành vi của hai thanh niên có đủ căn cứ vi phạm pháp luật hình sự hay không cần phải có sự điều tra cẩn trọng và xử lý một cách công tâm.
LS Nam nêu ý kiến: “Về mặt pháp luật khoa học hình sự thì dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tội “Cướp giật tài sản” với các tội khác là phải có hành vi "giật" diễn ra nhanh chóng, có quan sát, theo dõi kỹ lưỡng nạn nhân trước khi ra tay và thông thường là nhằm đến những tài sản có giá trị”.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, hành vi của các thanh niên diễn ra bộc phát, do đói bụng nên giả mua bánh mì và lợi dụng sơ hở, tin tưởng của chủ tiệm bánh để lấy đồ ăn và bỏ chạy.
“Rõ ràng, hai bị cáo không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không dùng bất kỳ thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần ngay tức khắc để cướp tài sản mà chỉ lợi dụng sự chủ quan của người bán tạp hóa. Như vậy, hành vi này phù hợp với dấu hiệu của tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", LS Nam nhận định.
Bên cạnh đó, LS Nam lưu ý giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không xử lý hình sự mà có thể xử phạt hành chính là đủ yếu tố răn đe. Hơn nữa, lời khai của chủ tiệm bánh mì, và kết quả đối chất giữa hai bên trong vụ án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định tội danh.
Cướp tài sản 45.000 đồng
Theo cáo trạng ngày 22.3.2016 của VKSND quận Thủ Đức, trưa 18.10.2015, Ôn Thành Tân chở Nguyễn Hoàng Tuấn (cùng sinh năm 1998) đi xin việc làm. Trên đường đi cả hai đói bụng nhưng không có tiền nên Tân bàn với Tuấn vào tiệm tạp hóa hỏi mua bánh.
Sau đó, cả hai đến tiệm tạp hóa G.H trên đường Tô Vĩnh Diện (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) thì dừng lại (cả hai vẫn ngồi trên xe). Tuấn nói chủ tiệm tạp hóa bán 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối, 3 bịch me trộn đường. Tổng giá trị là 45.000 đồng.
Khi chủ quán bỏ tất cả vào một bịch nilon đưa cho Tuấn thì Tuấn giật lấy rồi Tân rồ ga bỏ chạy. Ngay lúc này, chủ tiệm tạp hóa hô cướp thì 2 người đi đường đuổi theo bắt được Tân và Tuấn giao cho công an.
Vì vậy, LS Nam cho rằng trong phiên toà sắp tới Hội đồng xét xử cần làm rõ các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, đặc biệt lời khai của vị chủ tiệm bánh mì vô cùng quan trọng. Nếu không có đủ căn cứ truy tố hành vi phạm tội như kết luận điều tra thì phải tuyên vô tội.
LS Nam cũng nhấn mạnh: “Nhiều người cứ nghĩ hai thanh niên này chơi game, có tiền án thì cần phải xử lý nặng. Đây là một suy nghĩ rất thiển cận”.
Xem xét lý do phạm tội
LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) thì cho rằng hành vi của 2 thanh niên trên nếu căn cứ vào nội dung cáo trạng của VKSND quận Thủ Đức thì thỏa mãn về tội cướp giật tài sản theo điều 136 BLHS.
Bởi lẽ, theo quy định của tội Cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác rồi tẩu thoát. Đặc điểm của hành vi này là kẻ phạm tội lợi dụng sự sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà chủ sở hữu không thể cản được. Ở đây các đối tượng đã có sự bàn bạc trước đó về kế hoạch thực hiện việc cướp giật tài sản, sau đó đã thực hiện hành vi nhanh chóng giật lấy túi đồ rồi tăng ga tẩu thoát.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trị giá tài sản chỉ có 45.000 đồng và các đối tượng trên chỉ dùng vào mục đích chống đói.
Cần xem xét lý do phạm tội
Cần xem xét lý do phạm tội Shutterstock
“Vì vậy, khi xử lí hành vi phạm tội của 2 thanh niên trên là ngoài việc xử lý hành vi vi phạm theo luật định thì cần xem xét về mức độ và động cơ phạm tội của các em trong hoàn cảnh như thế nào? Trị giá tài sản các việc chiếm đoạt là bao nhiêu? Tại sao các em lại chiếm đoạt ổ bánh mì và các thứ linh tinh mà không phải là những tài sản gì có giá trị khác? Ý thức của các em khi thực hiện hành vi trên nhằm vào mục đích gì?”, LS Thảo phân tích.
Do vậy, theo LS Thảo thì pháp luật cần phải áp dụng cho đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng cũng cần thiết phải xem xét toàn diện, đầy đủ các yếu tố cũng như các tình tiết như các em chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện hành vi, khả năng nhận thức về pháp luật còn rất nhiều hạn chế.
Ngoài ra, việc suy nghĩ nông cạn khi đói quá là giật lấy tài sản của người bán hàng cũng là một vấn đề phản ánh về tâm sinh lí còn non trẻ, suy nghĩ bốc đồng của các em.
Tình tiết ‘Dùng thủ đoạn nguy hiểm’ là chưa chính xác
Theo Thạc sĩ, LS Võ Công Hạnh (Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) việc hai thanh niên bị truy tố về tội danh cướp giật tài sản theo Điều 136 là có cơ sở pháp lý, mặc dù tài sản cướp giật là không lớn (45.000 đồng).
Tuy nhiên, việc truy tố 2 em vào Điểm d Khoản 2 Điều 136 trên với tình tiết “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là không chính xác.
Dùng thủ đoạn nguy hiểm là chưa chính xác
Dùng thủ đoạn nguy hiểm là chưa chính xác Shutterstock
Lý giải ý kiến của mình, LS Hạnh cho biết Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25.12.2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp hướng dẫn việc xác định: "Dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy”.
Với vụ án trên, hai em chỉ sử dụng xe máy là phương tiện để đi lại và tẩu thoát, không phải là phương tiện để cướp giật. Mặc khác, thực tế cũng không ghi nhận sự thiệt hại sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân và người khác. Do đó, không nên máy móc áp dụng Điểm d, Khoản 2 để làm bất lợi trình trạng pháp lý của bị can.
Không phải tội cướp giật
LS Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn) thì cho rằng truy tố các bị can tội “Cướp giật tài sản” là chưa phù hợp.
Theo LS Hùng, dựa vào cáo trạng thì có thể nhận thấy rằng giữa hai em và chủ tiệm bánh mì đã xuất hiện một giao dịch dân sự mua bán hàng hóa. Hợp đồng xem như được giao kết khi 2 thanh niên đặt hàng và chủ tiệm tạp hóa đồng ý bán. Khi giao hàng thì người mua không thanh toán mà bỏ chạy. Lưu ý là người chủ tiệm chủ động giao hàng cho 2 thanh niên này.
“Do đó, họ không phạm tội cướp giật, mà có dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 140 của BLHS 1999 là nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó", LS Hùng nêu ý kiến.
Không phải tội cướp giật
Không phải tội cướp giật Shutterstock
Hơn nữa, trong trường hợp này thì số tiền dưới 2 triệu, hậu quả không nghiêm trọng và theo cáo trạng thì họ không có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, tòa sẽ căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ thu thập tại phiên tòa để đưa ra phán quyết đúng đắn nhất.
Giới luật sư thì phân tích các tình tiết về mặt tội danh để đưa ra cái nhìn đa chiều về lý của vụ việc. Tất nhiên, hành vi phạm tội (nếu có) cần lên án và trừng phạt thích đáng tuy nhiên, ở mức độ giáo dục, ngăn chặn tội phạm, tòa án cần chỉ ra cái sai, cái chưa đúng của 2 bị cáo nhưng cũng không nên quên xem xét các yếu tố về tình mà nhiều ý kiến luật sư bày tỏ kèm theo. Vì đói, vì sự sống đe dọa để ra tay lấy ổ bánh mì để ăn và trả giá bằng ít nhất 3 năm tù giam có lẽ thật quá nặng! 
Không phải chỉ xứ ta, mà ở nước ngoài trộm cắp vì đói cũng từng có những vụ án tương tự. Cảnh sát Ý cũng từng bắt một người ăn trộm xúc xích ở siêu thị, nhưng tòa án tuyên vô tội vì người này lấy cắp để phục vụ nhu cầu cấp bách.
Trong phiên xử sơ thẩm, tòa án kết luận người này phạm tội trộm tài sản và phải chịu mức án 6 tháng tù giam cùng với 100 EUR. Tuy nhiên, tòa phúc phẩm lại ra phán quyết rằng người này lấy trộm thực phẩm chỉ để giải quyết cơn đói, đây là một nhu cầu cần thiết, lượng thực phẩm người này lấy cũng không lớn nên thẩm phán đã tuyên người này vô tội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.