(iHay) Ngay cả với những anh chồng đã từng đi du học, 'hấp thụ' lối sống, văn hóa phương Tây nhưng rồi về Việt Nam, hầu hết lại vẫn không chịu, không biết làm việc nhà. Có cả ngàn lý do bao biện. Mà theo tôi, lỗi lớn nhất thuộc về những bà vợ!
>> Khi nhà không có đàn ông...
1. Chuyện ngay trong nhà mình
Chồng tôi rất thương yêu vợ con, phải nói ngay rằng, vợ là nhất. Ấy là yêu nhất, thương nhất. Miệng nói thế nhưng có đi kèm hành động hay không thì còn phải xét. Đi làm về nóng nực, bực dọc, vợ cuống cuồng với hàng trăm việc giặt quần áo, rửa bát, lau nhà, nấu cơm,… chồng thêm tí lèo nhèo là sẽ có cơn cuồng phong.
Vợ: “Bảo yêu người ta nhất, thương nhất mà chả chịu giúp vợ, chia sẻ việc nhà với vợ”.
Chồng: “Anh đã thống nhất là anh lo việc lớn, việc nhà em lo, mấy cái việc cỏn con đó anh không biết làm”.
Thế rồi “mồm miệng đỡ chân tay”, chồng lại nói vài lời ngọt ngào, vài cử chỉ ấu yếm là vợ lại xuôi xuôi, lại tự nhủ lòng mình thôi việc nhà của mình, cố làm. Chồng yêu mình… nhất cơ mà!
Thế rồi chồng đi Tây học, một mình, phải lo tất tần tật cuộc sống xa nhà, xa vợ. Mọi việc suôn sẻ tới mức chồng hùng hồn tuyên bố: “Anh đã thay đổi, anh phải giúp vợ việc nhà. Đàn ông Tây ai cũng thế”.
Vợ đúng là mừng rơi nước mắt, tưởng tượng ra viễn cảnh xán lạn, chồng sẽ rửa bát, quét dọn nhà cửa, thậm chí còn trông cả con y như những bài báo, những bộ phim trên các kênh truyền hình thế giới hay chiếu.
Nhưng (ở đời đúng là không thể thiếu chữ này!), chả hiểu về tới Việt Nam, ăn cơm Việt, hít không khí Việt được có một tuần, những lời nói ở trời Tây chồng quên sạch như bị… tẩy não. Và chồng lại diễn điệp khúc cũ: “Việc nhỏ em lo, anh lo việc lớn”.
Nguyên nhân cơ sự này do đâu? Phân tích thì thấy ngay: được vợ chiều, được bố mẹ cưng nựng. Vợ thì ngại mang tiếng chồng mới về mà bắt làm lụng. Chỉ một tuần thôi, người đàn ông "hấp thu" văn hóa giúp vợ của phương Tây lại về nguyên trạng lười làm việc nhà.
Giải pháp hiệu quả nhất: copy lại nguyên đoạn chat đã hứa giúp vợ, bắt đầu giở bài nói dai, nói nhiều kèm nịnh bợ. Kết quả, chồng nói sẽ làm cùng, làm giúp vợ theo đúng những gì đã cam kết, ví dụ như sẽ rửa bát bữa trưa, một tuần lau nhà hai lần, trông con từ 20 - 21 giờ tối… Miệng nói thế nhưng có đi kèm hành động hay không thì còn phải xét!
2. Chuyện anh bạn đồng nghiệp
Anh đồng nghiệp cùng cơ quan tôi tuyên bố thẳng với vợ: “Anh không làm việc nhà, nếu em giao việc cho anh, anh sẽ thuê người về làm phần của anh”. Tất nhiên là chị vợ tiếc tiền không đồng ý, ai lại mất tiền đi thuê người về để rửa bát, nấu cơm, giặt giũ trong khi mình có thể làm được. Và đành chấp nhận làm hết, cũng chả dám đòi tiền chồng vì nghĩ: "Tiền cũng là của hai vợ chồng".
Và vì thế nhà anh đồng nghiệp luôn có cảnh chồng ngồi vắt chân hút thuốc lá xem tivi, vợ tất bật với bếp núc không hề kêu ca than phiền nửa tiếng. Chồng ăn xong có người dọn mâm, quần áo vứt ra có người giặt giũ, là ủi.
3. Chuyện về tư tưởng nhỏ mẹ chăm, lớn vợ chăm
Tiếp một chuyện nữa cũng không phải là hiếm gặp ở xã hội Việt Nam, nơi có quá nhiều người đàn ông toàn làm chuyện vĩ đại, lớn lao còn chuyện nhà không bao giờ đụng tay, đụng chân. Chàng là thế hệ 9X, tư tưởng hiện đại sẵn có, kiến thức cũng nhiều, nhưng việc nhà thì nhất định không làm một cái gì. Chàng chưa vợ và đang ở cùng với mẹ. Tất nhiên, mẹ chàng lo từ A tới Z mọi thứ trong gia đình và chàng cảm thấy không có gì đáng nói về việc đó.
Cho tới một ngày, mẹ chàng làm thêm công việc kinh doanh tại nhà, khách khứa tấp nập. Mẹ chàng vẫn cố gắng thu xếp chợ búa, nấu nướng cho chàng ăn, chỉ nhờ chàng dọn mâm hay rửa bát giúp. Câu trả lời của chàng là: “Không! Khi nào mẹ bớt bận thì mẹ làm nốt”.
Có ngày, mẹ chàng nhờ chàng trông hàng để đi tắm, chàng cáu kỉnh: “Tắm giờ nào không tắm, lúc bán hàng lại muốn đi tắm”. Mẹ chàng chỉ biết đáp: “Thế chả lẽ mẹ tắm từ sáng sớm, người chưa mồ hôi, ướt át à?”.
Có ngày, mẹ chàng cũng nói: "Con lười thế đến lúc lấy vợ thì sao". Chàng thản nhiên trả lời: “Vợ sẽ chăm con!”.
Và thế là “kiếp luân hồi” tiếp diễn…
4. Dịp 20.10 vừa qua, trong hàng ngàn lời ca tụng chị em phụ nữ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, trên Facebook, tôi cũng thấy đôi dòng chia sẻ về việc tại sao ở Việt Nam có rất nhiều ngày dành cho phụ nữ mà phụ nữ chả thấy thanh thản, chả thấy sướng.
Nguyên nhân sâu xa cũng từ cái tư tưởng “bé mẹ chăm, lớn vợ chăm” của các thế hệ đàn ông Việt. Ngày bé, anh ta được mẹ chăm chút từng li từng tí. Anh ta nhìn thấy mẹ chăm bố anh ta cũng như vậy. Và rồi khi anh ta lấy vợ lại lập lại cái quy trình “đúng chuẩn” đó, rồi lại đến đời con anh ta…
Và ngay cả khi được sống trong một môi trường Tây một thời gian dài, biết tự chăm lo bản thân, nhìn thấy những người đàn ông Tây giúp vợ, giúp con, chăm chỉ làm việc nhà, thì đàn ông Việt cũng vỡ ra, cũng thấy mình cần thay đổi.
Nhưng thật sự cái “sự thay đổi” đó có diễn ra được không, lại phụ thuộc chính vào người vợ. Nếu vợ không có tư tưởng việc nhà là việc của mình, là việc đương nhiên mình phải làm, chồng là để làm việc lớn, chồng không gái gú, rượu chè, cờ bạc là tốt lắm rồi,... thì liệu những ông chồng có lười như thế không?
Thôi thì làm vợ ngoài giỏi việc nước, đảm việc nhà thì cũng học thêm kỹ năng thuyết phục chồng cùng làm việc nhà với mình. Nói như chồng tôi: "Em nịnh anh vài câu, ngon ngọt với anh vài câu ví dụ như chồng ơi giúp vợ cái này cái kia, chồng ơi, cùng vợ dọn nhà bếp nhé. Đàn ông mà, cũng chỉ hơn thằng bé con một chút thôi và cũng rất ưa nịnh!”.
Hồng Minh
Ảnh minh họa: Shutterstock
Đàn ông thú vị đi đâu hết rồi?
10 câu nói dối bất hủ của đàn ông
>> Hài hước clip đàn ông nếm thử nỗi đau 'vượt cạn' như phụ nữ
Bình luận (0)