Thủy điện Bình Điền sau 3 năm đi vào hoạt động - Ảnh: CSRD cung cấp |
Nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) và Trung tâm nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) phối hợp thực hiện từ năm 2010 đến 2012. Trao đổi với Báo Thanh Niên, Th.S Lâm Thị Thu Sửu (ảnh), GĐ của CSRD, cơ quan điều phối cho Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng, trường hợp của thủy điện Bình Điền là vấn đề rất đặc trưng của hầu hết các thủy điện ở Việt Nam.
Đâu là điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo kết quả của nghiên cứu trên?
|
Nhà máy thủy điện Bình Điền không thực hiện nhiều hạng mục như đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thực hiện nhiều quy định của nhà nước đưa ra. Những điều này đặt ra một câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà đầu tư, trách nhiệm của những người ra quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường và phê duyệt dự án cũng như công tác hậu kiểm (giám sát và kiểm tra) của cơ quan quản lý nhà nước đối với thủy điện này như thế nào?
Trên 90% người dân ở các khu tái định cư của thủy điện Bình Điền đã không hài lòng với điều kiện sống nơi ở mới. Trên 90% cho rằng họ có ít đất và chất lượng đất xấu hơn so với đất họ có tại nơi ở cũ. Trước đây cuộc sống của họ không bị đói (vì cứ ra vườn, lên rẫy, vào rừng là kiếm được thức ăn), nhưng bây giờ nếu không có tiền thì họ bị đói vì tại nơi ở mới họ không làm ra được những thứ có thể ăn được.
Báo cáo đã chỉ ra nhiều mặt được và mất của thủy điện Bình Điền, cán cân đó đang nghiên về bên nào nhiều hơn thưa bà?
Với quy mô nghiên cứu này thì chúng tôi chưa tính hết được tất cả các chi phí rủi ro, tác động của nó và cũng chưa quy đổi được ra thành tiền. Chúng tôi cũng chưa có bài toán kinh tế của thủy điện này. Tuy nhiên, rõ ràng từ kết quả nghiên cứu này cùng với một số nghiên cứu khác của chúng tôi ở khu vực miền Trung (nghiên cứu thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Tranh 2) thì chúng tôi nhận thấy rằng: thủy điện đã gây ra nhiều tác động môi trường và xã hội. Nó còn tạo ra rất nhiều rủi ro và chi phí (môi trường, xã hội) lớn hơn so với những gì mà giới đầu tư, những lãnh đạo địa phương, người ra quyết định từng nghĩ. Là một người làm công tác phát triển, tôi khẳng định chúng ta mất nhiều hơn, và trong cái mất đó chủ yếu người dân phải gánh chịu. Chúng ta chưa có một công cụ hay phương pháp nào để có thể tính toán được cái mất đó một cách toàn diện.
Thủy điện Bình Điền được khởi công xây dựng từ tháng 1.2005 tại xã Bình Điền (Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), tích nước vào tháng 8.2008 và hòa vào lưới điện quốc gia tháng 5.2009. Đây là công trình thủy điện cấp II với công suất lắp máy là 48 MW, điện lượng trung bình hằng năm là 179,884 triệu kWh/năm, tạo dung tích hữu ích hồ chứa 344,4 triệu m3 nước để tạo nguồn phát điện. |
Chí Nhân
>> Bổ sung đánh giá tác động môi trường thủy điện Đồng Nai 6, 6A
>> Hàng ngàn hộ dân thiếu nước vì thủy điện
>> Tiếp tục hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi thủy điện Sông Tranh 2
Bình luận (0)