Quá nóng vội

08/11/2013 03:00 GMT+7

Điều tôi ấn tượng mạnh mẽ với Giáo sư Trần Văn Khê và Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận không phải vì kiến thức của hai ông trong lĩnh vực mình nghiên cứu mà chính là một tâm hồn rất Việt Nam dù cả hai ông đều sống, học tập và làm việc ở nước ngoài gần như cả cuộc đời.

Điều tôi ấn tượng mạnh mẽ với Giáo sư Trần Văn Khê và Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận không phải vì kiến thức của hai ông trong lĩnh vực mình nghiên cứu mà chính là một tâm hồn rất Việt Nam dù cả hai ông đều sống, học tập và làm việc ở nước ngoài gần như cả cuộc đời.

Trong những buổi nói chuyện với công chúng, các ông đều nói tiếng Việt thuần túy, trong sáng, không chút ngoại lai.

Trong khi đó, có lẽ do muốn hội nhập toàn cầu, ở Việt Nam, việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ngày càng sớm. Hiện nay phổ biến ở lứa tuổi mẫu giáo. Sẽ không là vấn đề gì nếu điều này thực hiện đúng đắn, tử tế để không gây những hậu quả nghiêm trọng về sau trong việc học tiếng Anh cho trẻ và không tạo ra những người Việt “ngọng nghịu” tiếng mẹ đẻ ngay trên quê hương mình.

Theo các nghiên cứu, trẻ con có thể học ngoại ngữ từ rất sớm và học càng sớm càng tốt. Nhưng đó là trên lý thuyết nên điều này chỉ có giá trị khi có những điều kiện đi kèm. Sẽ ra sao nếu trẻ 3 - 4 tuổi lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Anh qua những giáo viên chứng chỉ tiếng Anh A, B, C mà chưa biết phát âm có chuẩn hay không? Nếu giáo viên phát âm sai, sẽ thật sự nguy hại vì cơ hội sửa sai sau này là rất khó. Ngoài ra, việc học tiếng Anh ở lứa tuổi này chỉ ý nghĩa khi có được môi trường song ngữ nhưng điều này không dễ thực hiện ở Việt Nam hiện nay. Ông Ian Kitching, giáo viên của Hội đồng Anh, cũng nhận định việc học ngoại ngữ phải duy trì liên tục, nếu không, các kỹ năng sẽ dần mất đi.

Nhiều trường, nhiều địa phương vẫn than thở không có đủ giáo viên tiếng Anh thực hiện đề án phổ cập tiếng Anh bậc tiểu học, chất lượng giáo viên môn học này cũng còn lắm vấn đề. Vậy mà các trường mầm non và ngành giáo dục ở nhiều địa phương lại quá vội vã khi ào ạt đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh vào trường mầm non mà chưa biết rõ hiệu quả như thế nào. Chính Bộ GD-ĐT cũng còn dè dặt nên mới giao cho Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam thực hiện đề tài liên quan đến việc cho trẻ ở tuổi mầm non làm quen với ngoại ngữ. Theo lãnh đạo Bộ, sau khi nghiệm thu đề tài, căn cứ vào kết quả nghiên cứu mới xem xét việc nên dạy tiếng Anh ở bậc mầm non hay không. Vậy mà ở nhiều địa phương, trước nhu cầu mơ hồ của phụ huynh, thay vì định hướng thì lại liều lĩnh liên kết với các trung tâm tiếng Anh bên ngoài đưa vào giảng dạy cho trẻ mà không tính đến hiệu quả. Sự thương mại hóa trong giáo dục càng thể hiện qua việc có địa phương gợi ý các trường chỉ thực hiện liên kết với một trung tâm tiếng Anh!?

Tháng 9.2012, Chính phủ ra Nghị định 73 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định những cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài không được tiếp nhận học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi. Quy định này gây nhiều thắc mắc nên Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT lúc đó giải thích rằng “nếu cho trẻ dưới 5 tuổi đến trường Tây khi chưa thạo tiếng Việt sẽ dẫn đến hậu quả là các em có thể nói tiếng nước ngoài thay vì tiếng mẹ đẻ”. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến đến nay Bộ chưa có một chủ trương chính thức đưa tiếng Anh vào trường mầm non. Thế nhưng do không có những quy định nào về điều này nên các địa phương nóng vội, tự tiện đưa chương trình dạy tiếng Anh vào trường mầm non mà không có sự kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng thả nổi (như Báo Thanh Niên đã phản ảnh).

Việc tiếp xúc một ngôn ngữ mới ở lứa tuổi mầm non, nếu có, chỉ nên nhẹ nhàng như một cuộc chơi. Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ, có rất nhiều phương tiện, phần lớn là miễn phí, để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh đúng chuẩn mà không quá căng thẳng. Học ngoại ngữ cần phải có thời gian và sự tiến bộ sẽ ngấm dần theo năm tháng. Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi học ngoại ngữ là năng khiếu, nên đừng quá ảo tưởng rằng trẻ nào học chương trình tốt, thầy Tây đều có thể nói tiếng Anh giỏi như nhau.

Điều quan trọng hơn hết là giúp trẻ nói tiếng Việt thật chuẩn xác trước khi chuẩn bị cho trẻ một đoạn đường còn rất dài tiếp xúc với ngoại ngữ, để lớn lên trẻ còn biết mình là ai trong thế giới rộng lớn này.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.