Không phải những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng mừng năm mới, những ngày này, tại Phân trại 1 Trại giam Yên Hạ (Sơn La), hàng chục phạm nhân vẫn miệt mài lên lớp học chữ với mong muốn sẽ làm lại cuộc đời khi ra tù.
Học chữ để viết thư về gia đình
Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo ở lưng chừng núi ở H.Mường Nhé (Điện Biên), từ nhỏ ông Thào A Súa (67 tuổi) chỉ biết theo bố mẹ lên nương trồng ngô, cấy lúa, hết vụ lại vào rừng hái măng, bẫy thú nên không biết cây bút, con chữ hình thù thế nào.
Trại giam Yên Hạ tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ cho phạm nhân |
trần cường |
Cũng vì vậy, dù đã lên chức ông nội, ông Súa vẫn bị người xấu lôi kéo, rủ rê rồi phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị xử tù về tội này.
Theo phạm nhân Súa, lúc mới vào trại, cán bộ quản giáo bảo viết tên, tuổi, quê quán nhưng vì không biết chữ, ông chỉ biết lắc đầu.
“Các cán bộ thấy vậy nên động viên, sau đó tạo điều kiện cho tôi tham gia lớp xóa mù chữ trong trại giam. Tôi cũng mong sớm biết chữ để tự viết tên, gửi thư về cho con, cháu”, ông Súa nói.
80% phạm nhân đang bị giam giữ, cải tạo tại Trại giam Yên Hạ phạm tội về ma túy, nhiều người không biết chữ |
trần cường |
Ngồi bên cạnh bi bô tập đánh vần, Sùng A Páo (30 tuổi, trú H.Mai Châu, Hòa Bình) cho biết rất vui vì được tạo điều kiện học chữ, “xóa mù”.
Phạm nhân Páo cho hay, sau khi ly dị vợ, một mình phải nuôi 4 con nhỏ. Do không có việc làm ổn định, không biết chữ và thiếu hiểu biết pháp luật nên đã “làm liều”, đi buôn ma túy và giờ đây phải trả giá cho những sai lầm của mình.
“Bị bắt, em khóc suốt đêm, nhớ các con ở nhà, không biết có chăm sóc được nhau không. Nhiều lúc muốn nhắn nhủ 4 đứa phải nghe lời bác, chịu khó học hành để sau này có tương lai, không theo đường bố nó nhưng tôi không viết được, chỉ biết nằm khóc”, Páo nói.
Nhiều phạm nhân đã lớn tuổi nhưng không biết chữ O viết thế nào |
trần cường |
Cuối năm 2022, Ban giám thị và Hội đồng cán bộ Trại giam Yên Hạ đã động viên Páo tham gia lớp “xóa mù chữ”. Từ đó, Páo tích cực học tập và cải tạo với mong muốn tự viết thư về cho con và được ân xá.
Niềm vui khi thấy phạm nhân biết đọc, biết viết
Theo trung tá Nguyễn Chi An, Đội trưởng Đội giáo dục Trại giam Yên Hạ, mô hình “xóa mù chữ” cho các phạm nhân đã hình thành từ 10 năm trước. Tại Trại giam Yên Hạ có khoảng 500 phạm nhân không biết chữ. Mỗi năm, Trại tạm giam Yên Hạ tổ chức 2 lớp, mỗi lớp 35 phạm nhân, học trong 9 tháng.
Theo trung tá An, Trại giam Yên Hạ đã phối hợp với Phòng GD-ĐT H.Phù Yên (Sơn La) để được hỗ trợ về chuyên môn và ra đề kiểm tra chất lượng cho lớp học.
“Để đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ chọn lọc những phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án. Đối với những phạm nhân án dài thì học sau”, trung tá An cho hay.
Đại úy Chử Thị Hồng lên lớp dạy chữ cho phạm nhân |
trần cường |
Vừa phụ trách công việc trong trại, vừa lên lớp dạy chữ cho phạm nhân, đại úy Chử Thị Hồng, cán bộ của Đội giáo dục Trại giam Yên Hạ, cho biết khi mới vào trại, phạm nhân thường nhớ nhà nên các cán bộ thường xuyên động viên cố học, biết đọc, biết viết để gửi thư về cho gia đình. Từ đó, các phạm nhân tự phấn đấu, cố gắng học tập.
Đại úy Hồng cho hay, nhiều phạm nhân sau khi được “xóa mù chữ” đã biết đọc, biết viết. Ngoài viết thư cho gia đình, các phạm nhân còn chủ động mượn sách, báo của trại giam để đọc những lúc rảnh rỗi.
“Niềm vui của chúng tôi là thấy các phạm nhân biết đọc, biết viết và từ đó nhận thức được những sai lầm của mình, cố gắng cải tạo và trở thành con người tốt”, đại úy Hồng nói.
Trại giam Yên Hạ có 3 phân trại, đang giam giữ hơn 3.000 phạm nhân, chủ yếu mang án ma túy |
trần cường |
Nhiều phạm nhân không biết chữ được tham gia các lớp "xóa mù chữ" |
trần cường |
Các phạm nhân mong muốn biết chữ để viết thư về cho gia đình, cũng như làm lại cuộc đời sau khi ra tù |
trần cường |
Đại úy Chử Thị Hồng luyện đọc cho các phạm nhân |
trần cường |
Một phạm nhân đã có thể tự viết thư về cho gia đình |
trần cường |
Phạm nhân đã biết chữ ngồi đọc thư gia đình |
trần cường |
Bình luận (0)