Quả Pao - Truyện ngắn của Hữu Vi

24/01/2021 06:33 GMT+7

“Pa Rê và Y Pà trời sinh làm chồng vợ”. “Đùa à? Đó là chuyện xửa xưa”.

“Bây giờ vẫn có Pa Rê và Y Pà đó thôi” - chàng trai nói và nàng cười thích thú. Lũ bạn ném pao cũng cười theo. Những quả pao đỏ, xanh và xanh nhạt cứ thế bay từ tay người nọ sang người kia. Lũ trai gái đứng thành hai hàng đối diện trên khoảng sân mải miết với trò chơi tưởng như nhàm chán ấy lại khiến họ đứng lại với nhau suốt ngày trời. Hội chơi bắt đầu từ mồng một, mồng hai kéo dài đến hết những ngày nghỉ tết. Rồi lũ trai gái sẽ trở lại trường học hoặc đến các khu công nghiệp. Nhưng giờ thì hãy chơi vui đã. Chẳng ai muốn nghĩ đến ngày mai.
Đến non trưa, hội còn lác đác.
Cuối chiều trên bãi chỉ mỗi bên vài người tung pao cho nhau. Không ai muốn rời đi. Pa Rê và Y Pà cũng không muốn rời đi.
Tiết trời xuân se sắt lạnh nhưng Y Pà như muốn cởi phăng chiếc khăn thêu và cả cái mũ hình vương miện thêu sợi kim tuyến màu bạc trên đầu. Y Pà đã cảm mến Pa Rê trong một ngày như thế. Trái tim người con gái mười bốn tuổi lần đầu như biết múa hát.
“Những ngày hội xuân sao mà ngắn thế?” - Y Pà chợt nghĩ khi đêm tối dần loang và bóng chàng trai trước mặt sắp sửa chìm nghỉm vào màn sương. Chỉ có hàng cúc bạc trên ngực áo Pa Rê là vẫn nhảy lên lóng lánh khi anh ta tung quả pao. Trên mái tóc cắt ngắn của Pa Rê cũng lấm tấm sương.
“Y Pà về thôi” - Người chị lớn gọi nàng.
Y Pà không muốn nghe thấy tiếng gọi nhưng bước chân lại hướng về phía đỉnh núi. Pa Rê ngó theo bóng chiếc váy xanh khuất lẩn dần vào màn sương cuối ngày. Pa Rê hơn Y Pà 2 tuổi. Hai người biết nhau từ khi còn cùng tắm chung vũng suối cạnh sườn núi cho đến khi biết e thẹn lúc chạm mặt nhau trên những lối mòn khúc khuỷu trong bản.
Một làn gió chợt thổi đến. Pa Rê kéo cao cổ áo. Bây giờ mình mới thấy lạnh đây này, chàng trai nghĩ và cũng bước chân đi về phía ngọn núi. Nơi đó đào và lê đã nở cạnh những mái nhà lợp bằng ván gỗ sa mộc.
“Y Pà ơi, ra mỏm đá nhé” - màn hình điện thoại sáng lên và cô gái thoáng nhìn thấy một dòng tin nhắn. Y Pà mong tin nhắn của Pa Rê từ khi anh quay lưng đi. Nàng trở về nhà ăn vội bữa tối cùng mẹ và một đàn anh chị em. Nàng ngồi cạnh bếp củi, tay và cơm trắng, mắt lơ đễnh nhìn theo những vệt khói trắng và xám đang cố len qua từng kẽ hở ván gỗ trên mái nhà. Y Pà lại nhìn những tia lửa đang gặm dần đám củi khô. Trong lòng nàng cũng đang có lửa đốt. Nàng con gái mới lớn nghĩ về Pa Rê, những muốn gặp anh, nàng cũng e ngại vì không biết nói gì cùng anh ta và chẳng biết anh ta sẽ nói những gì với mình.
Quanh ngôi nhà đã đen đặc bóng đêm. Căn bếp chỉ còn lại Y Pà và bà Y Súa, mẹ của nàng đang lúi húi chất củi vào đống lửa. “Năm nay rét vậy mà hoa đào cũng nở sớm thế?”. Bà mẹ bắt chuyện, nhưng cô con gái dường như chẳng nghe thấy.
Ngoài bốn mươi, bà Y Súa đã mang dáng vẻ của một phụ nữ tuổi xế chiều. Mái tóc bắt đầu rụng. Vầng trán dần gồ lên như trái bí ngô cất lâu ngày trong xó nhà. Thế mà ngày xưa Y Súa cũng đẹp như Y Pà bây giờ vậy. Mười bốn tuổi đã theo chồng rồi sinh một đàn con mười hai đứa. Bà vẫn nhớ hồi mười ba tuổi, cũng vào ngày tết và hoa đào nở như thế này, người chị gái đã nói với mẹ bà “Để Y Súa làm dâu nhà ta nhé”. Y Súa đang ngồi cùng anh họ là Bá Chơ hơn cô hai tuổi cạnh bếp lửa chợt đỏ mặt. Người anh họ dường như chẳng nghe thấy lời bà mẹ mà chỉ thấy ngồi im lặng.
Những ngày sau đó, Y Súa thấy quả pao của anh họ cứ nhắm vào mình mà rơi. Cô chỉ nghĩ đó cũng như trò vui như bao người khác còn đám bạn thì cười rúc rích. Thấy quả pao của Bá Chơ cứ cố tình rơi đến chỗ mình mãi, Y Súa đâm bực. Cô sang chỗ khác. Đang hăng hái tung pao thì thấy anh họ đã lại đứng trước mặt. Y Súa bỏ về. Đến tối, cô nghe tiếng đàn môi phía ngoài bức vách cứ tậm tọt, líu ríu. Một đêm, rồi hai đêm. Đêm thứ ba, Y Súa mới cầm đàn lên môi trả lời. Có tiếng líu ríu của hai cái đàn bằng đồng mỗi tối, căn nhà gỗ vốn đìu hiu, ám khói như có sức sống hơn. Cứ vậy, đôi trai gái chuyện trò bằng tiếng đàn mãi đến khi con gà đầu tiên cất tiếng gáy thì Bá Chơ đi về. Gần tháng sau, người ta không còn nghe thấy tiếng đàn kéo dài đến khuya khoắt như trước kia nữa. Ai cũng hiểu rằng cô gái đã cảm mến chàng trai.
Đương lúc mùa lúa nương chín rộ thì Bá Chơ cưới Y Súa. Nhà trai, nhà gái ở gần nhau và đám cưới là dịp vui của cả cộng đồng. Buổi sáng đưa dâu, Bá Chơ đi trước trên lưng cõng cái hòm gỗ có của hồi môn nhà vợ. Y Súa theo sau trên lưng gùi những be rượu bằng sứ và một hũ sành rượu cần. Đoàn đưa dâu lặng lẽ leo trên quãng dốc dẫn về nhà Bá Chơ. Sau này, mỗi lần ngồi một mình, bà Y Súa hay nhớ lại khoảnh khắc ấy. Từ ngày Bá Chơ mất, cái quãng dốc trong ngày cưới hiện về thường xuyên trong đầu bà hơn. Có nhiều giấc mơ bà cùng chồng đi lại trên quãng dốc trước nhà. Vẫn là lối mòn đó nhưng nay đã khác nhiều so với hơn hai mươi năm trước, vào cái ngày bà về làm dâu. Những cây đào không còn và vườn thuốc phiện đã bị nhổ đi từ lâu. Quãng dốc quen ngày nào chỉ còn lại một lối đi nhỏ nhoi, ven vệ cỏ mọc tùm hum như muốn choán hết con đường. Đôi lần, trong giấc mơ, bà thấy cả đàn gà chạy nhao nhác trên con dốc.
Trong một giấc mơ, Bá Chơ dắt Y Súa và trượt ngã trong ngày về làm dâu. Cú trượt khiến bà tuột khỏi tay chồng rồi cả người và chiếc gùi lăn lông lốc trên triền núi. Giật mình bừng tỉnh, trán bà đã ướt đẫm mồ hôi. Bà trở dậy thắp đèn và thấy bóng ma của chồng thập thò ngoài cửa. Bà đã quen với sự trở về của người chồng nên không còn sợ hãi. “Ông hãy đi cho. Mai tôi còn đi rẫy”. Người chồng khép cửa bỏ đi. Thì ra suốt từ đầu buổi tối, bà quên cài then cửa.
Bá Chơ chết khi con trai út, cũng là đứa thứ mười hai của đôi vợ chồng tròn một tháng. Trong ngày làm lễ đặt tên cho con, người trưởng họ cùng Bá Chơ uống rượu say. Lúc đầu chỉ nhỏ to chuyện trò sau thành lớn tiếng. Sau cuộc rượu, người trưởng họ tuyên bố không còn coi vợ chồng Bá Chơ là người trong nhà. Uất ức vì bị mắng oan, ông lên rừng tìm ăn lá ngón. Mãi đến chiều, người ta tìm thấy Bá Chơ đã chết trên chòi rẫy giữa rừng.
“Này con, nhớ khép cửa nhé. Kẻo cha mày lại về làm ta mất ngủ” - Bà mẹ dặn khi Y Pà tắt điện thoại toan đi ra cửa. Nàng không trả lời nhưng vẫn khép cánh cửa gỗ khi ra khỏi nhà.
Y Pà tìm đến một phiến đá phẳng. Nàng biết Pa Rê đang ngồi đợi mình ở đó. Phiến đá rộng chỉ chừng nửa cái chiếu, nhẵn thín vì ngày nào cũng có người ngồi chơi. Người ta bảo nhau rằng hòn đá này từng là nơi hò hẹn của nàng Y Pà và chàng Pa Rê trong truyền thuyết. Chuyện rằng: Pa Rê và Y Pà xưa ở cõi trời đầu thai xuống trần gian làm người. Pa Rê là con của người chị, còn Y Pà là con em gái. Hai người ở cùng bản lớn lên và đem lòng yêu thương nhau. Nhưng nhà Y Pà giàu có, còn Pa Rê nghèo khổ. Người con trai không có bạc nén thách cưới nên nhà gái không gả. Hai người đem nhau trốn vào rừng ăn lá ngón và chết hóa thành đôi chim bồ câu, suốt đời không rời nhau. Y Pà nghe mẹ kể câu chuyện này hồi lên mười hai tuổi, chỉ mới học đi ném pao. Lúc đó, nàng đã không nghĩ rằng sẽ có ngày mình cũng phải lòng Pa Rê, y như trong chuyện kể.
Ánh sáng từ chiếc điện thoại giúp nàng nhận ra Pa Rê đang ngồi trên phiến đá. Nàng tiến đến trèo lên ngồi xuống cạnh bạn trai mà chẳng nói điều gì. Pa Rê cũng im lặng. Anh chàng như nghe được nhịp đập rộn rực từ trái tim người bạn gái ngồi cạnh, cảm nhận được hơi thở của nàng và hương thơm lá sả tỏa ra từ mái đầu mới gội của Y Pà. Cứ thế, trời dần về khuya và hai người chỉ ngồi gần nhau trong im lặng, mắt ngó vào màn hình điện thoại, nhưng ai nấy đều mong người bên cạnh nói điều gì đó. Cuối cùng thì chàng trai cất lời:
“Lạnh, Y Pà ơi”.
Nàng ngồi sát lại, tựa đầu vào vai chàng trai và cứ để yên vậy suốt cả nửa giờ đồng hồ. Hai cặp mắt vẫn chăm chăm vào màn hình, nhưng lúc này tai Pa Rê đã nghe rõ hơn tiếng đập đều đặn gấp gáp từ lồng ngực người con gái kề bên.
“Chúng ta về thôi nhé” - Pa Rê nhắn cho Y Pà qua cửa sổ chat. Nàng dỗi hờn, đứng lên rời khỏi vai chàng trai. Pa Rê chạy theo, kéo bạn gái vào lòng. Hai thân thể như hòa quyện trong cái ôm riết róng của Pa Rê. Đến lúc này, nàng mới cảm thấy cái lạnh từ gió núi len vào thân thể. Nàng buông bạn trai ra và trèo khỏi phiến đá. Pa Rê dẫn nàng về tận lối vào nhà mới chịu rời đi. Anh thanh niên mới lớn huýt vang điệu sáo một bài tình ca. Y Pà nghe rõ tiếng huýt sáo và những bước chạy của anh chàng trên dốc núi trước khi chốt cửa căn bếp. Sau này, Y Pà cũng thường tự dằn vặt mình bằng cách nhớ lại cái đêm hẹn hò đầu tiên ấy. Nàng nhớ mái tóc Pa Rê ướt đẫm sương đêm tựa trên vai áo mình. Nhớ khi anh ôm chặt nàng trong tay. Dù Pa Rê đã mất, cô vẫn nhớ lại những kỷ niệm cũ và nó cứ thế dai dẳng theo cô suốt nhiều năm liền.
Vô vàn đóa đào ướt đẫm sương sớm nở bung từ những thân cành khẳng khiu. Giữa màn sương dày đặc, sắc hoa tựa hồ một làn khói phảng phất. Trên khoảng sân rộng cạnh những ngôi nhà lợp mái gỗ, trai gái vẫn tung những quả pao qua lại cho nhau. Đôi lúc, tiếng cười lại rộ lên rúc rích. Và trong buổi sáng đầu xuân ấy, cha mẹ Pa Rê sang nhà Y Pà hỏi vợ cho con trai. Bà Y Súa lâu nay cứ thấy con gái đêm về vẫn thường bỏ ra ngoài tận khuya mới về. Bà biết con gái đã đến tuổi hò hẹn nhưng chẳng nghĩ người mà nó chọn là Pa Rê, con trai của chị gái bà. Tập tục cộng đồng vẫn cho anh em có quan hệ gần lấy nhau, miễn sao không cùng họ nữa. Bà đón đoàn nhà trai, cũng là nhà chị gái mình và cũng có phần bối rối nhớ lại đám cưới của mình hơn hai mươi năm về trước. Chẳng rõ số phận của con gái có hẩm hiu phải một mình nuôi đàn con cô quạnh như mình hay không? Ngoài mặt hồ hởi sửa soạn đón khách, tâm can bà lại chất chứa mối lo đè nặng về đứa con sắp sửa đi lấy chồng.
Người lớn đang chuyện trò về việc cưới xin trong nhà thì ngoài sân, Pa Rê và Y Pà vẫn say sưa ném pao cùng chúng bạn. Trên khoảng sân, lác đác xác hoa đào vương vãi, thi thoảng, mây khói ùa đến và nàng thấy Pa Rê như không còn trước mặt mình. Anh chàng chìm nghỉm trong màn sương rồi lại hiện ra. “Nhiều khi trời đất cũng khéo trêu đùa thế đấy” - Y Pà nghĩ.
Y Pà không ngờ rằng, tạo hóa không chỉ biết trêu đùa mà đôi khi còn thật ác nghiệt. Trước ngày cưới ít hôm, Pa Rê lên rừng đốn củi và không trở về nữa. Cô cất công đi tìm anh suốt cả tuần liền, gọi tên người yêu đến rã họng mà không có lời đáp. Tuyệt vọng, Y Pà tìm đến lá ngón. Nàng tỉnh dậy trong bệnh xá của những người lính biên phòng. Bà Y Súa sợ con gái còn làm ra điều dại dột nữa, bèn gửi nàng theo học một lớp may mặc ở trường nghề. Trường học đứng chân ở một thị trấn nghèo. Có thêm bạn mới, ban ngày nàng dần nguôi nhớ Pa Rê. Anh vẫn hiện hữu trong những giấc mơ của nàng vào những đêm, căn phòng ký túc xá rộng thênh thang mà chỉ có vài người ngủ lại. Nàng thấy Pa Rê đến đầu giường ngó nhìn mình nhưng không lên tiếng. Y Pà tin rằng, cũng như người cha của nàng, Pa Rê thực sự không còn trên cõi đời.
Mùa hè năm đó, bà mẹ gọi Y Pà về nhà làm lễ cúng giàng. Nàng nghe kể rằng, trong lễ cúng giàng, người ta có thể gặp mặt những người đã khuất nên tức tốc trở về. Nàng muốn gặp Pa Rê và chỉ để hỏi một điều rằng: “Thứ gì đã đưa anh về cõi trời?”.
Nắng chiều dần đổ nghiêng trên con dốc heo hút và từ xa, Y Pà đã nhìn thấy đoàn người đi lễ hội. Già trẻ, trai gái nối nhau thành hàng dài đi về phía đỉnh con dốc. Hai người đàn ông dắt theo một con dê trắng lớn tầm chú bò con có cặp sừng dài, oai vệ lững thững đi cuối đoàn. Lưng dê chất đầy những thanh dao nhỏ vót bằng gỗ dùng để trừ tà ma. Trên lối đi phía gần đỉnh dốc và cũng là nơi diễn ra lễ hội, người ta dựng một cánh cổng bằng cây rừng. Trên cổng treo đầy giấy bản. Ngày nhỏ, Y Pà từng nghe người trưởng họ bảo rằng, khi bước qua cánh cổng kia trong ngày lễ cúng giàng, người ta sẽ sang một thế giới khác là nơi người sống và người chết cùng họp mặt. Mỗi năm chỉ có một ngày như thế.
Y Pà theo kịp đám hội vừa lúc hai người đàn ông dắt con dê qua cánh cổng. Người trưởng họ đứng cạnh chiếc cổng nói lời chào đón nàng đến với cõi thiêng rồi cũng hòa mình vào đám hội. Y Pà tìm đến phiến đá ngày nào và lục túi tìm ra quả pao của Pa Rê. Nàng để nó lên chỗ phẳng phiu nhất và khấn gọi: “Anh ơi! Về lấy lại mà lên mường trời chơi pao”.
Nàng ngó quanh quất và thấy từ xa một bóng người đi đến. Tim cô lại đập gấp gáp như buổi hẹn đầu cùng Pa Rê. Nếu đúng như người trưởng họ bảo thì cô sắp gặp lại bạn trai để hỏi anh một vài điều uẩn khúc. Dáng người đã dần rõ mặt. Y Pà nhận ra người cha quá cố của mình. Ông mặc bộ quân phục cũ xin của cánh dân quân xã như ngày lên rừng ăn lá ngón.
“Cha ơi, cha có gặp anh Pa Rê không?” - Y Pà cất tiếng hỏi khi hồn ma đã đứng trước mặt.
Người cha lẳng lặng nhìn con gái rồi bỏ đi. Chỉ trong khoảng chốc, hồn ma của Bá Chơ đã chìm vào sương núi. Y Pà thất thần nhìn theo. Chẳng biết làm gì hơn, nàng trở lại đám hội. Giữa bãi trống, con dê tế thần kêu be be thảm thiết. Y Pà nhìn con dê đáng thương, lại nhìn những người đi hội, tất cả ai nấy đều lặng im, không thể trả lời nàng. Có lẽ tạo hóa cũng sắp đặt lại rồi, cho Y Pà chỉ được ném pao cùng Pa Rê trong những ngày xuân xa xưa ấy thôi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.