Thứ nhất, đó là sự quá tải về thời gian. Hiện nay đa số trường tiểu học ở các TP đã dạy học 2 buổi/ngày. Theo quy định, nếu HS tiểu học đã học 2 buổi thì sẽ không phải làm bài tập ở nhà. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các em vẫn có bài tập về nhà. Điều đáng nói, năm nào, Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại quy định này nhưng việc đó vẫn diễn ra hằng ngày.
Thứ hai, đó là sự quá tải về chương trình học nhưng không phải là chương trình hiện hành mà là chương trình của giáo viên! Nếu ai có con đi học sẽ thấy nếu để HS làm đúng những bài tập trong sách giáo khoa thì chương trình hết sức nhẹ nhàng. Tuy nhiên, hiện nay có không ít giáo viên tiểu học ở TP đã bỏ qua các bài tập này mà yêu cầu HS học những kiến thức do các cô tự đưa vào hoặc làm bài tập trong sách nâng cao của giáo viên. Đa phần các bài toán được các cô sao y lại ở các cuốn sách tham khảo bán tràn lan trên thị trường. Ai cũng biết những sách tham khảo này không có sự thẩm định của hội đồng khoa học nào mà chỉ là sản phẩm của một vài tác giả, đôi khi còn sai cả kiến thức, thế nhưng vẫn được các giáo viên dùng như một chương trình chính thức để dạy HS. Nguy hiểm hơn, đây không phải là chương trình nâng cao từ những kiến thức các cháu được học trong sách giáo khoa mà có khi chỉ là những bài đánh đố, lắt léo từ những kiến thức của các bậc học cao hơn hoặc chẳng của bậc học nào. Khi tìm hiểu lý do vì sao lại dạy nâng cao thì một giáo viên lý giải: “Do chương trình cơ bản quá dễ, với một bài học khoảng 45 phút thì chỉ cần 20 phút là các cháu hoàn thành, vì vậy thời gian trống giáo viên muốn dạy nâng cao để “phù hợp” với trình độ của HS!”. Như vậy, nếu chương trình càng dễ thì giáo viên lại càng có cơ hội đưa chương trình của mình vào để giảng dạy. Có lẽ đây là một nguyên nhân chính khiến việc học của HS bị quá tải. Và để có thể theo kịp chương trình mà giáo viên đề ra, HS buộc phải đến các lớp học thêm!
Vì vậy, việc giảm tải như hiện nay nếu không có biện pháp giải quyết rốt ráo có khi lại còn gây thêm sự quá tải.
Vũ Thơ
Bình luận (0)