Người dân càng tin tưởng hơn khi giữa chiến dịch truy quét lớn này, Thiếu tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an tuyên bố: "Nếu đủ chứng cứ, bất cứ ai phạm tội cũng sẽ bị bắt". Tiếp đó Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Minh Hương cũng tuyên bố: "Có ai trong ngành (công an) bảo kê cho Năm Cam hay không, kết thúc giai đoạn 2 tôi sẽ nói", và hôm qua, khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Thượng tướng Lê Minh Hương lại khẳng định: "Bất cứ là ai, ở bất cứ cơ quan nào, đã phạm tội thì phải bị xử lý nghiêm minh bằng pháp luật. Chúng tôi không bao che, không xử lý nội bộ những vụ việc có đủ chứng cứ vi phạm pháp luật".
Người dân tin tưởng và đang mong đợi, mong đợi một cách bức xúc bởi vì những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời: Tại sao Năm Cam, sau lần đi cải tạo hồi năm 1995, khi ra trại lại hoạt động mạnh hơn, rầm rộ hơn, trở thành "trùm của các ông trùm" tội phạm? Làm sao Năm Cam và đồng bọn có thể làm mưa làm gió, có thể điều khiển cả một thế giới tội phạm hoạt động "trước mũi" các cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu không có ai đó trong những cơ quan này bảo kê, dung túng? Làm sao những thủ hạ thân cận của Năm Cam lại ngang nhiên giết chết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn giữa chốn đông người, nhưng mọi việc lại rơi vào im lặng, chỉ cần thí vài tay đàn em ra đầu thú và mọi chuyện lại xong? Trong những ngày này, trong quán xá, trên vỉa hè, người dân vẫn bàn tán rằng ông Z. là anh em kết nghĩa của Năm Cam, ông J. là cha nuôi của Hiệp "phò mã", ông I. là tay mặt tay trái của Năm Cam. Và cũng cần phải nói thẳng ra rằng, nhân dân đều biết và biết rất rõ những ai trong các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố này đã bị Năm Cam "bắt làm tù binh", đã bị Năm Cam sai khiến, không ai có thể lấy "vải thưa" mà che được "mắt thánh" của nhân dân. Đối với người dân, Năm Cam và đồng bọn không thể tự mình tồn tại. Trả lời những câu hỏi ấy, tức phải lôi những kẻ bao che, dung túng, bảo kê cho Năm Cam và đồng bọn ra ánh sáng, ra trước vành móng ngựa.
Nếu không làm được điều đó thì dù Năm Cam và tất cả đồng bọn của hắn bị bắt, bị đưa ra xét xử, bị pháp luật trừng phạt đích đáng, cũng không thể xóa sổ được các băng nhóm tội phạm có tổ chức, vì chúng vẫn còn đất sống, vẫn còn chỗ dựa, vẫn còn nơi nuôi dưỡng. Và cần biết rằng, trong chế độ ta, việc dẹp bỏ các băng, nhóm, ổ tội phạm dù có quy mô lớn tới đâu cũng là điều không khó. Cái khó dẹp nhất chính là những thế lực "bảo kê" cho tội phạm, vì thế lực đó chính là những phần tử thoái hóa, biến chất nằm ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Người dân rất đồng cảm và tin tưởng Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan trong việc "truy tận gốc, trốc tận rễ" các băng nhóm tội phạm mang tính mafia này cũng như những thế lực nuôi dưỡng chúng. Bắt Năm Cam thì dễ nhưng bắt những kẻ bảo kê cho Năm Cam thì không dễ chút nào. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được bởi tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, an ninh và cán bộ, nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật đều là những người trong sạch, một lòng vì dân vì nước, không vì lý do gì mà lại khoan nhượng một số ít những phần tử thoái hóa câu kết với tội phạm làm lũng đoạn xã hội, liên tiếp gây bất an trong đời sống nhân dân, làm suy yếu chế độ, phản bội lại lý tưởng cách mạng tốt đẹp của chúng ta. Là số ít, nhưng sự thoái hóa đã lên đến đỉnh điểm.
Những câu hỏi của người dân chắc chắn sẽ được trả lời như Thiếu tướng Lê Thế Tiệm đã nhấn mạnh: "Hiện trong tay chúng tôi có đầy đủ tên tuổi, hành vi của từng người. Bất cứ ai, kể cả cán bộ cấp gì đi chăng nữa nếu có đầy đủ chứng cứ chúng tôi bắt ngay, không bao giờ bao che".
Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 27/12/2001)
Bình luận (0)