Lê Thẩm Dương được ví như là “tiến sĩ triệu view” bởi những đoạn phim ghi lại những tiết dạy của ông, những chương trình mà ông làm diễn giả… đều thu hút hàng triệu, thậm chí cả chục triệu lượt xem.
Có vô số Fan Page giả danh ông trên Facebook, và chỉ cần có chữ “Lê Thẩm Dương” là đủ “ăn tiền” với hàng triệu lượt bấm like.
Dễ nhận ra, trong những đoạn phim mà ông làm diễn giả đã và đang nổi tiếng trên mạng, được chia sẻ rất nhiều kia, phần lớn là có nội dung nói về… tâm lý.
Không ít người tò mò không hiểu vì sao một vị tiến sĩ đang là Trưởng khoa Tài chính của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lại chuyên nói về… tâm lý và nổi tiếng đến thế?
Ông Dương tự nhận mình là một “ca lạ”. “Tôi là 'ca lạ', mà vì 'lạ' nên mới nổi tiếng chứ”, ông nói.
Đem thắc mắc của bao người để được ông “giải mã”. Ông cười và bắt đầu bằng câu chuyện mà nhiều người cũng hay bảo ông: “thằng cha này lấn sân”. “Thực tế không phải. Tôi chả lấn sân gì cả, mà đó là nghề của tôi. Đừng nghĩ tôi dùng kinh nghiệm bản thân để nói. Không. Lê Thẩm Dương được đào tào cẩn thận. Tôi tự tin đủ kiến thức trong lĩnh vực tâm lý”, ông bảo.
Ông kể ông xuất phát là sinh viên ngành tín dụng của Khoa Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau đó tốt nghiệp cử nhân, rồi học lên thạc sĩ, tiến sĩ về tín dụng. Mà tín dụng, hiểu một cách đơn giản đó là nghề cho vay. Bản chất của tín dụng là kinh doanh lòng tin con người. Trong nghề này, khi cho người khác vay, không phải xem người đó nhiều tiền hay ít tiền, mà xem người đó muốn trả hay không. Muốn trả hay không đều nằm trong bụng. Người càng giàu thì ý chí trả nợ càng kém. Còn người nghèo thì họ rất muốn trả nợ nhưng không có gì để trả cả. Mà để hiểu được người đối diện có muốn trả nợ hay không, thì người làm nghề tín dụng đòi hỏi kiến thức tâm lý cực giỏi. “Tôi là tiến sĩ tín dụng, nhưng lại có kiến thức tâm lý, là vì vậy”, ông Dương nói.
Thế nhưng với ông Dương, “trở thành tiến sĩ quản trị mới là cái vĩ đại nhất của cuộc đời tôi”. Tận dụng lợi thế của dân tài chính là muốn biết lòng người có ổn không thì phải học tâm lý rất cẩn thận. Ông Dương đã có nhiều cơ hội học về tâm lý ở cả trong và ngoài nước, từ những giảng viên nước ngoài, của những chương trình học uy tín.
“Bạn có thể thấy những kiến thức tôi nói rất tự tin vì tôi được học liên tục, qua vô số khóa học cũng như quá trình tự học, tự đào tạo. Vũ khí lợi hại nhất mà tôi cầm đó là trí tuệ, là kiến thức. Đừng nghĩ không học mà phát triển tự do được. Không thể nào. Có nhiều vị toàn nói bằng kinh nghiệm, phán tâm lý con người phải thế này, thế này, rồi bảo mục đích cuộc đời phải thế kia, thế kia… Tôi nói thật, đó toàn là tưởng tượng. Nhiều người nói như thánh. Nhưng để nói về tâm lý, không phải đơn giản và dễ như thế đâu. Phải học trường lớp đàng hoàng”, ông Dương nhận định.
Ông Dương chia sẻ: Mọi người đừng nghĩ tôi là dạng tào lao, “lấn sân”, nói vớ vẩn hay ngạo mạn. Không. Tôi có kiến thức thì mới dám xung trận, kiến thức được đào tạo đàng hoàng. Những kiến thức về tâm lý ấy được cấp bằng, chứng chỉ, xác nhận hẳn hoi. Có kiến thức về tâm lý thì mới dám nói. Mà xem trên ti vi, có biết bao nhiêu chương trình về tâm lý mời tôi làm giám khảo xuyên suốt. Họ (nhà sản xuất) đâu có ngu mà mời một người không có kiến thức về ngồi ghế nóng. Không có kiến thức mà nhận lời thì có mà toi.
"Tôi là... thằng thông minh, dí dỏm, khác biệt"
Tôi cảm thấy bất ngờ với những gì ông nói. Vì bao lâu nay, như bao người, cũng ngỡ rằng tiến sĩ Lê Thẩm Dương chỉ là… tay ngang, chỉ là “tiến sĩ tài chính” nói chuyện… tâm lý mà thôi. Ông Dương chẳng hề giận khi tôi bật mí thế, vì bảo “cũng có nhiều người tưởng vậy, nhưng đó là sai lầm”.
Ông Dương kể có một chương trình truyền hình mời ông làm khách mời. Để “đổi món”, họ cần tìm nhiều tên tuổi khác nhau. Thế nhưng thật éo le là khi chương trình có sự xuất hiện của tiến sĩ Lê Thẩm Dương thì lượt xem cao ngất ngưỡng, nhưng khi không có ông thì người xem giảm hẳn.
“Vì sao thế nhỉ?, tôi dò hỏi. Ông Dương bảo: “Chả phải do tôi tài giỏi gì cả. Tất cả đều có nguyên lý của nó. Vì nói là để siêu lòng người chứ không phải anh nói bằng chủ nghĩa kinh nghiệm được. Kinh nghiệm chỉ là cá nhân anh thôi. Mà xích ma của kinh nghiệm là trở thành lý thuyết. Lý thuyết là thực tiễn hơn cả thực tiễn, bởi vì nó được xích ma từ thực tiễn”.
Ông Dương cho biết những gì ông đã và đang thể hiện trên truyền hình, qua những chương trình, qua những lần làm giám khảo, hay qua những lần làm diễn giả về tâm lý, đó chính là kiến thức mềm.
“Mà vì sao tôi lại có ngả rẽ, quyết định dấn thân vào lĩnh vực đó?”, ông Dương tự hỏi rồi tự trả lời: “Kiến thức mềm là thứ mà từ người lớn đến trẻ con rất quan tâm. Tôi thấy ở Việt Nam, đạo đức xuống cấp. Bàn tay nhỏ thì không thể che được mặt trời. Nhưng mỗi người góp một tí thì cũng đem lại lợi ích phần nào. Thế nên tôi nghĩ, thôi thì mình nhảy sang lợi thế đó. Dùng những kiến thức mình có để góp cho đời”.
Tôi vẫn cứ thắc mắc, là vì sao ông Dương lại có thể mê hoặc người nghe đến vậy, khiến họ tin đến thế, khi nói về tâm lý? Vì thực tế, có nhiều người chẳng biết ông Dương từng được học hành, được đào tạo đàng hoàng về tâm lý. Đấy là chưa kể ông Dương cũng chẳng có một lợi thế của một người diễn thuyết, chẳng có ngoại hình, giọng nói không thật sự dễ nghe?
“Đúng vậy. Tôi chả có những thứ lợi thế đó, tôi không có những ưu điểm như ngoại hình bóng bẩy, đẹp trai…. Nhưng tôi có kỹ năng thuyết phục. Đó là chức năng của một anh làm sếp. Tôi nói mà người ta có tin hay không là chỗ này đây. Đừng gào thét lên 'hãy tin tớ đi!', còn lâu họ mới tin. Mà anh phải có kỹ năng thuyết phục giỏi, phải khiến họ tin”.
Ông Dương bảo tiếp: “Nếu tôi giảng ở một chuồng bò, học viên ngồi học ở chuồng bò thì họ vẫn thích nghe. Đừng đưa một ông giảng viên rất giỏi mà người ta không tin thì cho học viên ngồi trong khách sạn 5 sao họ cũng bỏ về thôi. Còn khi người ta đã tin rồi thì nó lạ lắm”.
“Tại sao tin? Cái tin nó không lệ thuộc vào bóng dáng của một bộ comple, một CV (bản tóm tắt những thông tin chi tiết về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc - PV) thật đẹp, một giọng nói bay bướm... Không. Phải có nghề thuyết phục, phải có kỹ năng thuyết phục thật giỏi. Họ chỉ nghe khi họ tin. Người diễn giả mà vừa vào trận đã khoe mẽ kiểu 'tôi học ở Mỹ 2 bằng, 4 bằng tiến sĩ, đã từng làm công ty nọ công ty kia…' thì đố mà khiến người nghe họ tin đấy. Họ thông minh lắm. Người diễn giả mà gào như vậy thì khó mà tạo lòng tin cho người nghe được. Còn tôi chẳng cần gào lên mà họ vẫn tin, là vì tôi cho người ta trải nghiệm, khiến họ tin tôi. Phong thái của tôi rất chân thành, tôi luôn dốc hết ruột gan ra mà nói để đem lại những kiến thức thật sự cần cho họ. Còn nhiều người quá màu mè, đầu tóc bóng bẩy, chức danh rõ to, giới thiệu CV thật đẹp. Làm chi vậy? Càng bay bướm càng chết. Chân thành nằm ở cơ mặt, ánh mắt, nụ cười. chứ không phải nằm ở những điều trên. Chưa kể nhiều người kiến thức thì không có, chỉ có khè và lên gân là giỏi, toàn nói đạo lý, toàn nói những cái đâu đâu, cao xa. Mà lên gân như thế là coi thường người đối diện. Nhiều người nói chung chung thì hay lắm, kinh lắm. Nhưng yêu cầu nói cụ thể vào vấn đề thì 'điếc' ngay, chả làm được”. Tóm lại, sở dĩ nhiều người thích tôi, tin tôi, và muốn được nghe tôi nói vì tôi thể hiện được uy tín của tôi. Họ thấy được năng lực thật của tôi. Họ nhìn tôi giảng là biết tôi giảng vì tiền hay vì tôi. Họ biết được ông Dương giảng, nói vì mục đích là giúp cho họ chứ không phải cố tình tạo sốc, phát biểu ngông để khoe mẽ hay nổi tiếng”
Ông Dương kể thêm rằng, khi được người khác tin thôi chưa đủ. Mà để cho người khác phải thích. “Lòng tin là não, còn thích là quả tim. Tôi chả có lợi thế nói truyền cảm hay cao to đẹp trai gì cả. Thế mà vẫn có vô số người thích. Vì họ thích 'thằng thông minh, dí dỏm, khác biệt'. Tôi là… thằng như vậy. Sự khác biệt ở đây rất quan trọng, nằm ở chỗ người khác làm thì tôi chả làm, người khác không dám làm thì tôi dám làm”.
“Và cuối cùng, khi họ đã thích, đã tin rồi, thì đưa nội dung vào. Tất cả yếu tố đó cộng lại ra khả năng thuyết phục. Thuyết phục người khác là một cái nghề. Và tôi có cái nghề đó. Đừng có ngây ngô mang danh tiến sĩ rồi nhảy lên giảng với kỳ vọng người nghe sẽ thích thú, không được đâu. Phải có nghề mới làm được”, tiến sĩ Dương chia sẻ thêm. (còn tiếp)
Đón đọc kỳ sau:
"Đừng lấy mình làm chuẩn để đi soi sáng người khác"
Nhiều người hỏi ông Dương "sao cứ lao động mãi mà không nghỉ ngơi, làm để chết à?" hay cho rằng "ông Dương sống mà không biết tận hưởng cuộc sống". Đáp lại, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cười trừ vì không chấp những người chỉ biết lấy hệ quy chiếu của cá nhân để áp đặt cho người khác.
|
Bình luận (0)