Đừng vội nói 'tôi biết rồi'

Thanh Nam
Thanh Nam
09/05/2018 15:48 GMT+7

Khi nói câu này nghĩa là bạn đã hiểu về vấn đề đang được nhắc đến. Thế nhưng đừng vội nói 'tôi biết rồi' để có cơ hội tiếp nhận nhiều kiến thức hơn.

"Nếu được người khác chuyển tải, chia sẻ, hướng dẫn, chỉ bảo một điều gì đó. Nếu bạn đã hiểu, bạn sẽ phản ứng như thế nào?", với khảo sát nhỏ này dành cho các bạn sinh viên (SV) tại TP.HCM, người viết nhận được phần lớn câu trả lời là: "Tôi sẽ trả lời "tôi biết rồi", "Tôi sẽ nói với người đó là 'tôi đã biết rồi'"...
Trần Thu Mỹ, SV Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: "Mình đã từng gặp trường hợp tương tự. Khi nhờ sinh viên khóa trên hướng dẫn lại kiến thức lý thuyết của một môn học. Vì kiến thức nhiều, thời gian để trò chuyện không thoải mái. Nên những phần mình đã hiểu, mình sẽ nói 'em đã hiểu phần này', 'em biết rồi' để được hướng dẫn những phần khác".
Tương tự, Nguyễn Thành Lâm, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kể: "Mình hay sử dụng câu 'tôi biết rồi' khi mình biết vấn đề đang được nhắc đến, câu chuyện đang được chia sẻ. Nếu biết mà không nói ra, dễ khiến người khác hiểu nhầm mình mù mờ kiến thức hoặc không biết gì".

Tuy vậy, theo diễn giả, luật sư Phạm Thành Long thì đừng vội nói "tôi biết rồi" dù bản thân biết thật sự. Sở dĩ như vậy, theo ông Long là vì: "Khi người khác đang chia sẻ, mà người tiếp nhận thông tin thốt lên câu 'tôi biết rồi' thì người chia sẻ lập tức dừng lại và không chia sẻ nữa. Biết đâu trong những chia sẻ ấy sẽ có cái mới, có cái lạ, có kiến thức hay hơn, thú vị hơn... mà người tiếp nhận thông tin chưa chắc hiểu tường tận".
Cũng theo diễn giả này, câu nói "tôi biết rồi" trong những hoàn cảnh có thể trở thành "công thức phá hủy sự thành công". Khi nói ra câu đó thì không thể tiếp nhận thêm thông tin mới, tri thức mới, kiến thức mới. Kiến thức của mỗi người biết được hôm nay, nhưng đến ngày mai có thể sẽ trở thành cũ kỹ, lạc hậu. Vì thế, dù biết nhiều đến mức nào thì cũng cần phải biết nhiều hơn. Và đừng chặn đứng cơ hội tiếp nhận kiến thức mới vì câu "tôi biết rồi".
Thực tế, qua những câu chuyện của SV, đã có những trường hợp chỉ vì nói "tôi biết rồi" mà vô tình bỏ lỡ cơ hội được học thêm những điều thú vị.
Phan Trường An, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM kể lại: "Khi nhờ giảng viên hướng dẫn làm đồ án. Chỉ vì để chứng minh bản thân cũng mất nhiều thời gian để tìm tòi, suy nghĩ nên khi thấy thầy chia sẻ những kiến thức mà mình đã đọc lướt qua, mình hay nói 'em biết rồi', 'em đã tìm hiểu vấn đề này'. Để rồi sau đó, ngày báo cáo đồ án mình đã đạt điểm không như mong muốn. Hóa ra những điều mình hiểu chỉ là sơ sài chứ không cặn kẽ, tường tận. Nếu như ngày được hướng dẫn, mình chịu khó lắng nghe thì điểm số cao hơn".
Qua câu chuyện này, Trường An rút ra kinh nghiệm: "Sẽ không vội vàng nói 'tôi biết rồi' khi được ai đó hướng dẫn, chỉ bảo". Trường An cũng nói thêm: "Khi được người khác bày dạy, chỉ dẫn. Cho dù biết, cũng nên chia sẻ là muốn được hướng dẫn kỹ hơn, muốn được tìm hiểu cặn kẽ hơn".
Hoàng Quý, sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng thừa nhận: "Chính sự tự tin ở bản thân khiến đôi khi bỏ qua việc tiếp nhận kiến thức từ người khác. Mình và nhóm bạn từng tham gia nghiên cứu khoa học và suýt bị rớt từ vòng đầu tiên chỉ vì bỏ ngoài tai những hướng dẫn của giảng viên, chỉ vì tự tin là 'em biết rồi' với nhiều kiến thức. Thế nhưng thực tế, có nhiều kiến thức tưởng chừng mình hiểu trọn vẹn nhưng không phải vậy. Vì vẫn có những kiến thức chuyên sâu hỗ trợ để giải quyết vấn đề nhanh hơn, hay hơn...".
Hoàng Quý đúc kết: Kiến thức là vô hạn và cần được bổ sung thường xuyên. "Tôi biết rồi" chính là câu có thể làm "đứt" việc bổ sung kiến thức.Thế nên đừng vội nói "tôi biết rồi" để có cơ hội thâu nạp nhiều kiến thức hơn".
Ông Long cũng chia sẻ: "Mỗi người, nhất là giới trẻ cần có sự khiêm nhường khi tiếp cận kiến thức xung quanh. Và hãy luyện tập kỹ năng này mỗi ngày để tiến bộ hơn, giỏi hơn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.