'Hôm nào gặp uống cà phê nha!'

01/11/2017 15:56 GMT+7

Có bao giờ bạn nhận được những lời rủ rê như: 'hôm nào gặp cà phê nha!', 'hôm nào gặp nhau ăn trưa nghen!', 'bữa nào mình gặp ăn uống bữa nhé!'… không?

Chắc hẳn là có! Nhưng chỉ là “hôm nào”, “bữa nào” đó thôi chứ chẳng thể biết “hôm nào” là khi nào, “bữa nào” là bao giờ cả.
Một khảo sát nhanh của người viết với 10 người trẻ, tất cả đều cho biết từng đã hơn một lần nhận được những lời mời mọc, rủ rê, mà chính bản thân họ cũng không biết thời gian, địa điểm cụ thể là bao giờ.
“Gặp bạn bè, thường được rủ: hôm nào chúng ta gặp nhau ăn uống nhé! Nghe chữ “hôm nào” là biết thời gian chẳng xác định được rồi”, Mỹ Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, kể.
Tương tự, nhiều người trẻ cũng cho biết cảm thấy ngán ngẩm khi nhận được những lời rủ rê với sự xuất hiện của những cụm từ mang ý nghĩa không rõ ràng, đó là: “hôm nào”, “ít bữa nữa”, “hôm nào rảnh”, “khi nào xong việc”…
“Nhiều người ngộ ghê, mời mọc mà chính bản thân họ cũng không hề biết thời gian sẽ diễn ra khi nào. Thà nói rõ ràng như: “cuối tuần này, thứ 7, lúc 9 giờ sáng, ở quán cà phê A, B, C nào đó…” thì mình sẽ biết chính xác thời gian và địa điểm cụ thể. Đằng này chỉ nói suông là “cuối tuần này xem rảnh bữa nào thì uống cà phê nha!”. Nghe chẳng biết đâu mà lần”, Anh Khang, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết.

tin liên quan

Đêm ngoại ô
Có một nơi không ngủ, đó chính là công viên hầm Thủ Thiêm nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). Ở đó, đa số người trẻ ăn chơi, nhảy múa sáng đêm...
Theo Hoài Hương, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, mỗi lần nhận được những câu mời không cụ thể về thời gian, địa điểm như thế, chỉ mời “hôm nào đó”, “lúc nào rảnh”, “mai mốt gì đó”… thì có cảm giác hơi khó chịu. “Mình cảm thấy đó là những lời “mời lơi”, không thể hiện sự nghiêm túc. Giữ thái độ lịch sự nên mình cũng chỉ ậm ừ, 'ok' cho qua, chứ cũng chẳng tin là cuộc hẹn ấy sẽ diễn ra”, Hoài Hương chia sẻ.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên Hội Tâm lý học và xã hội Việt Nam - cho rằng những câu chuyện trên là thực tế đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay. Không chỉ có một vài trường hợp mà có rất nhiều câu chuyện tương tự.
“Thật ra những người có lời mời như thế là những người cũng muốn duy trì mối quan hệ, họ cũng muốn kết nối với người được mời. Tuy nhiên mục đích của cuộc gặp không quá quan trọng và cần thiết, không quá cấp bách, chính vì thế họ mới 'cứ từ từ' và sử dụng những cụm từ như 'hôm nào đó', 'khi nào rảnh'... Thường thì những trường hợp này rơi vào những mối quan hệ bạn bè”, ông An nói.

tin liên quan

Cô gái chỉ thích được... thi
Rất muốn thử thách và được cọ xát với những điều mới mẻ, Trần Hậu Minh Phương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, có sở thích nghe rất 'lạ đời' là thích được thi.
“Khi nào mục đích của cuộc gặp thật sự quan trọng và cấp bách, thì họ mới có động lực, để rồi sẽ đưa ra những lời mời cụ thể như: ở quán A, vào lúc mấy giờ, ngày thứ mấy, tháng mấy…”, ông An chia sẻ thêm.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu như người được mời cảm thấy “cũng có ý định gặp, mong muốn được gặp, có mục đích gặp rõ ràng” thì họ không ậm ừ, “ok” cho qua chuyện, mà sẽ nhanh chóng nói lại ngay: “hôm nào là khi nào? Bữa nào là bao giờ? Ngày mai hay ngày mốt, là ngày nào, địa điểm chỗ nào rõ ràng…”.
Theo ông An, một lời mời nghiêm túc thì bắt buộc phải “cân đong đo đếm” được, nghĩa là phải có thời gian và địa điểm cụ thể rõ ràng.
Cũng theo những bạn trẻ được khảo sát nhanh, thì những lời mời “qua loa” như: “hôm nào cà phê nha!”, “bữa nào gặp ăn uống nhé!”… còn có những “biến tấu” khác, trong những trường hợp mượn tiền như: “Cho mượn ít tiền hôm nào có rồi sẽ trả”, “Cho mượn tiền, ít bữa nữa trả”, “Tuần sau trả lại nha”, “Tháng sau có lương rồi sẽ gởi lại cho”… Tuy nhiên “hôm nào có” là hôm nào, “tuần sau, tháng sau” là tuần nào tháng nào, “ít bữa bữa” là bữa nào… thì chẳng thể xác định được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.