“Quái vật Kandahar” rơi vào tay Iran

11/12/2011 01:48 GMT+7

Công nghệ tàng hình tiên tiến của Mỹ đang có nguy cơ lọt vào thế lực đối địch, và lần này là từ chiếc máy bay do thám Sentinel RQ-170.

Công nghệ tàng hình tiên tiến của Mỹ đang có nguy cơ lọt vào thế lực đối địch, và lần này là từ chiếc máy bay do thám Sentinel RQ-170.

Trong lúc tình hình Trung Đông đang rối như canh hẹ, tin máy bay do thám tối tân vào bậc nhất của Mỹ bị Iran bắn rơi khiến dư luận nửa tin nửa ngờ. Đây phải là lần thứ 3 hoặc hơn Tehran mạnh miệng thông báo là đã hạ được máy bay không người lái của Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, khác với những lần tuyên bố bâng quơ trước đây, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đợt này công bố đoạn băng dài 2 phút rưỡi quay cảnh giới chức quân sự Iran đang kiểm tra kỹ lưỡng một mẫu máy bay hiện đại với bề ngoài rất giống Sentinel RQ-170, dòng máy bay do thám không người lái bí mật của Mỹ. Do Lockheed Martin sản xuất, Sentinel được thiết kế để hoàn toàn vô hình trước radar cũng như được trang bị hệ thống liên lạc và thiết bị do thám tình báo hiện đại. Bloomberg đưa tin giới chức tình báo Mỹ đang đánh giá thiệt hại có thể đối với công nghệ tuyệt mật của nước này.

Bắn hạ hay hack?

Theo tờ The New York Times, Iran đã chính thức phản đối lên HĐBA LHQ về vụ “xâm phạm không phận trắng trợn” của máy bay Mỹ. Bộ Ngoại giao nước này cũng đã lên tiếng chỉ trích Washington vào ngày 4.12, thời điểm quân đội tuyên bố đã bắn hạ được máy bay khi nó nằm trong vùng trời Iran tại khu vực cách biên giới với Afghanistan khoảng 225 km.

Đài CBS News dẫn lời quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho biết chiếc RQ-170 đang thực hiện sứ mệnh do thám như thường lệ “ở Afghanistan” thì đột nhiên mất liên lạc với người điều khiển. Tuy nhiên, theo nguồn thạo tin, Mỹ trong 3 năm qua đã triển khai 2 chiến dịch do thám bằng máy bay không người lái xâm nhập không phận Iran và dọc theo biên giới nước này với Afghanistan từ khu căn cứ cũ thời Liên Xô ở Shindand thuộc tỉnh miền tây Heart (Afghanistan).

Các nguồn tin cho hay chính Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) chứ không phải không lực Mỹ là bên chịu trách nhiệm về những chiến dịch bí mật kiểu này để khi gặp chuyện thì chính phủ dễ bề bác bỏ sự liên quan. Và RQ-170 là vũ khí lợi hại nhất giúp Mỹ thu thập thông tin về các cơ sở hạt nhân nếu có của Iran. Chiếc máy bay cánh dơi này lần đầu tiên được dư luận chú ý khi xuất hiện tại sân bay Kandahar, Afghanistan, vào năm 2009. Do vậy, nó còn được biết đến với biệt danh “quái vật Kandahar”.

 
Chiếc máy bay do thám Sentinel RQ-170 của Mỹ trên truyền hình Iran - Ảnh: Iran TV

Dù chứng cứ có vẻ rõ rành rành, Lầu Năm Góc và CIA đến nay vẫn từ chối phản hồi thực hư về tuyên bố của Iran. Tuy nhiên, Đài CBS News dẫn lời một số quan chức quốc phòng giấu tên khẳng định rằng hình ảnh do Tehran trưng ra chính là chiếc máy bay mà mọi người đang nghi ngờ, dựa trên những đặc điểm không lẫn vào đâu được như đường nối trên bộ phận chứa nhiên liệu, cổng thông khí…

Điều khiến người ta nghi ngờ là dù Iran tuyên bố bắn rơi máy bay, chiếc RQ-170 xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Iran dường như vẫn còn trong tình trạng lành lặn. Sau đó, Tehran “nói lại” rằng không phải bắn rơi mà lực lượng tình báo nước này đã xâm nhập được hệ thống điều khiển của RQ-170 và buộc nó tự hạ cánh. Nếu đây là sự thật thì còn đáng sợ hơn nhiều đối với Mỹ, CBS News dẫn lời một quan chức tình báo nói. Ông này từ chối tiết lộ danh tính vì RQ-170 thuộc chương trình Tình báo từng ngăn bí mật (SCI) với mức độ nhạy cảm còn cao hơn cả những thông tin dạng tuyệt mật.

Quan chức trên cho hay khả năng người Iran hoặc một thế lực khác có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống liên lạc vệ tinh của chiếc RQ-170 còn đáng báo động gấp bội vì như vậy thủ phạm cũng tắt luôn cơ chế tự hủy và cắt đường quay lại căn cứ của nó. Tự hủy và tự quay về là những công cụ ngăn chặn thế lực thù địch truy cập và lấy được công nghệ bí mật về dòng máy bay trên nếu nó mất liên lạc với trung tâm điều khiển, vốn đặt tại Căn cứ không quân Creech Lake hoặc Khu vực thử nghiệm Tonopah, đều ở tiểu bang Nevada.

Tuy nhiên, dù mất máy bay vào tay Iran, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ các kế hoạch không kích phá hủy xác máy bay hoặc gửi đặc nhiệm xâm nhập thu hồi xác máy bay như thường làm. Bởi vì tất cả phương án trên đều đồng nghĩa với hành động tuyên chiến công khai với Iran, theo The Wall Street Journal.

Nỗi lo mất công nghệ

Một số quan chức giấu tên cho hay lo ngại lớn nhất đối với Mỹ hiện giờ là Iran sẽ chia sẻ thông tin về Sentinel RQ-170 cho Nga, Trung Quốc hoặc thậm chí cả CHDCND Triều Tiên. Nếu như vậy, những nước này có thể tự nghiên cứu được các công nghệ liên quan đến máy bay do thám tàng hình, từ bộ phận kiểm soát bay, hệ thống liên lạc, thiết bị video và cơ chế tự hủy hoặc tự quay về căn cứ. Đó là chưa kể từ chiếc RQ-170, các bên có thể phát triển được công nghệ Dò tìm mục tiêu và Do thám hồng ngoại (IRST). Trong một số điều kiện, công nghệ này có thể phát hiện máy bay tàng hình, đặc biệt là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 của Lockheed Martin.

Khi xem truyền hình Iran phát đoạn băng về chiếc máy bay, một số quan chức Mỹ cho rằng dựa trên tình trạng thực tế, khả năng phía Trung Quốc hoặc Nga tiếp cận xác máy bay còn nguy hiểm gấp nhiều lần so với việc kỹ sư Iran có thể mổ xẻ được cấu tạo của nó. Tờ Tehran Times cũng dẫn một nguồn thạo tin cho biết quân đội Iran đã nhận được đề nghị từ Bắc Kinh và Moscow về việc muốn xem xét chiếc RQ-170.

Hậu quả nghiêm trọng

Đến nay, Lầu Năm Góc vẫn không thể nào quên bài học xương máu cách đây hơn 10 năm. Khi đó, một chiếc Nighthawk F-117, chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới, bị tên lửa phòng không của Serbia bắn hạ trong cuộc chiến Kosovo vào năm 1999. AP dẫn lời các chuyên gia cho hay Trung Quốc đã tìm đến tận nơi máy bay rơi và thu mua lại từng mảnh vỡ của nó từ người dân địa phương. Từ đó cũng xuất hiện nhiều đồn đoán rằng nhờ xác máy bay Mỹ mà Trung Quốc cuối cùng cũng hãnh diện giới thiệu dòng máy bay tàng hình đầu tiên của nước này sản xuất. Chiếc Thành Đô J-20, cất cánh lần đầu vào ngày 11.1.2011, đã được cho bay thử ngay khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đang ở thăm Bắc Kinh. Bên cạnh đó, một số chuyên gia quân sự cũng mạnh miệng tuyên bố rằng nếu không nhờ chiếc F-117 bị rơi năm nào, chắc đến giờ Nga vẫn chưa giới thiệu được máy bay tàng hình Sukhoi T-50.

Gần đây nhất, có tin Trung Quốc cũng tìm cách tiếp cận xác máy bay trực thăng bị rơi tại Pakistan trong chiến dịch hạ sát Osama bin Laden hồi tháng 5. Các Báo The New York TimesThe Financial Times cùng dẫn lời quan chức giấu tên của Mỹ tuyên bố Pakistan đã cho phép kỹ sư Trung Quốc chụp hình và thậm chí lấy đi một số mẫu của chiếc trực thăng được trang bị công nghệ tàng hình. Sau đó, cả Pakistan lẫn Trung Quốc đã bác bỏ kịch liệt thông tin trên. Islamabad tuyên bố đã cho phép Washington vào thu hồi xác chiếc trực thăng xấu số trên, nhưng Lầu Năm Góc không cho biết họ đã thu lại đủ các bộ phận hay chưa.  

Giới hạn của công nghệ tàng hình

Dù công nghệ tàng hình là con bài lợi hại của Mỹ từ hàng chục năm nay, chuyện để mất RQ-170 là lời cảnh báo về giới hạn của công nghệ này và mối nguy hiểm khi dựa dẫm quá nhiều vào nó. Đầu tiên, dù các máy bay do thám thế hệ mới nhất được thiết kế để hoạt động tự hành, nhưng chúng cần được dẫn đường thông qua tương tác với các vệ tinh định vị toàn cầu. Những hoạt động liên lạc kiểu này, vốn dựa trên vệ tinh và trạm mặt đất, dễ bị quá tải hoặc đánh lừa bởi các đối thủ nắm vững công nghệ cao. Trong vài năm gần đây, tin tặc đã xâm nhập được trạm liên lạc mặt đất của 2 vệ tinh Mỹ và cài phần mềm ghi lén bàn phím trên một số máy tính của Lầu Năm Góc.

Ngoài ra, thậm chí máy bay do thám tối tân nhất cũng không thể miễn nhiễm hoàn toàn trước hệ thống phòng không cũng như khó chiếm lợi thế khi đối diện với tia hồng ngoại và các loại radar Doppler, theo tờ Business Week.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.