Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh về một quận 7 buổi đầu thành lập vẫn còn in đậm như mới hôm qua. Đó là một vùng đất hoang sơ, giao thông chủ yếu bằng đường thủy. Từ trung tâm thành phố muốn sang quận 7 theo đường bộ, chỉ có độc đạo tuyến đường Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận. Quận 7 ngày ấy chỉ vừa bắt đầu quá trình đô thị hóa, phần lớn diện tích còn là đất nông nghiệp. Cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn khi phải sống dựa vào những đồng ruộng nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành vào năm 2007, sau 10 năm xây dựng, có chiều dài 17,8 km kéo dài từ khu chế xuất Tân Thuận đến quốc lộ 1 A. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng đại lộ Nguyễn Văn Linh, cùng với các dự án hạ tầng khác như cầu Tân Thuận 2, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ… đã góp phần quan trọng vào việc kết nối quận 7 với các địa phương lân cận, với các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực và cả nước.
Sự khó khăn về địa bàn (thành lập trên vùng đất hoang sơ), lại là một điều kiện thuận lợi cho quận 7 trong công tác quy hoạch đô thị. Nhìn lại chặng đường 20 năm của quận 7 có thể thấy, một trong những thành tựu nổi bật nhất chính là công tác quy hoạch và xây dựng với nhiều khu dân cư, khu đô thị khang trang, hiện đại lần lượt ra đời, khoác lên một chiếc áo mới cho địa phương như khu dân cư Tân Quy Đông, khu dân cư Phú Mỹ, khu dân cư Nam Long, khu dân cư Him Lam… Đặc biệt, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nằm trên 2 phường Tân Phong và Tân Phú của quận 7, đã được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Hiện đại, khang trang và hoàn chỉnh các chức năng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng không những được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giải trí… của quận 7 mà còn cả khu vực phía Nam thành phố.Để có một khu đô thị Phú Mỹ Hưng nên vóc nên hình như ngày hôm nay, ngoài tâm huyết của nhà đầu tư, thì sự hậu thuẫn của chính quyền quận 7 là rất lớn về các mặt cơ chế, chính sách, quản lý, vận hành… Năm 2015, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được công nhận là 1 trong 10 thành tựu kinh tế, xã hội của TP.HCM sau 40 năm giải phóng, một thành quả đáng tự hào trong công cuộc 20 xây dựng của quận 7.
Song hành cùng hạ tầng kỹ thuật, sự phát triển về hạ tầng xã hội cũng đã góp phần vào những thành tựu của quận 7 ngày nay. Khu chế xuất Tân Thuận góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới chọn quận 7 để đặt trụ sở như Unilever, Manulife, Petroland, Vinamilk, Parkson Paragon, Porche, BMW, Mercedes Benz, Vietcombank, ANZ... Hệ thống giáo dục hoàn thiện với một mạng lưới các trường học đầy đủ cấp bậc, loại hình đào tạo, nổi bật là các trường học quốc tế như RMIT, Trường quốc tế Nam Sài Gòn, Trường Hàn Quốc, Trường Nhật Bản...Về chăm lo sức khỏe người dân, bên cạnh hệ thống các trung tâm y tế của các phường, bệnh viện của quận là các bệnh viện có chuyên môn cao như Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện FV… đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Rất nhiều con số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội phản ánh thành tựu xây dựng của quận 7 20 năm qua. Riêng trong bài viết này, chỉ nêu ra một kết quả phản ánh sự đổi thay của quá trình xây dựng 20 năm: đến ngày 30.10.2016, quận 7 đã không còn hộ nghèo (có thu nhập bình quân theo đầu người dưới 16 triệu đồng).
Tạm gác lại những thành công đã có, quận 7 tiếp tục bước sang một giai đoạn mới với vai trò của một địa phương hạt nhân của khu vực Nam thành phố, một mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch hình thành đặc khu kinh tế phía Nam, và là bàn đạp vững chắc về kinh tế xã hội để thực hiện chiến lược phát triển thành phố hướng ra biển Đông.
Bình luận (0)