Quán nhỏ thân quen
Bà tên gì? Nhà ở đâu? Tôi chẳng biết, dù cái quán nhỏ ấy đã quen thân, quen đến độ có thể nợ bất cứ thứ gì bày bán ở quán. Chỉ biết bà đã ngoài bảy mươi nên chúng tôi gọi quán Bà già. Đấy là chúng tôi gọi những lúc chỉ có mấy đứa với nhau. Lúc ra quán đứa nào đưa nấy đều gọi thân thương bằng mẹ, bằng u.
Chúng tôi ngày ấy hầu hết đều là lính từ quê lên thành phố. Chẳng có đứa nào gia đình khá giả cả nên tiền tiêu vặt chủ yếu dành dụm từ mấy chục ngàn tiền phụ cấp. Biết thế, mỗi lần ra quán ăn cái kẹo, hút điếu thuốc lào hay mua chai dầu gội thiếu tiền bà đều cho nợ. Chẳng mấy chốc quyển sổ tay ghi nợ của bà đã dày những con số. Ngày ra quân, đứa nào đứa nấy đều sắp xếp thời gian ra tạm biệt bà. Đứa biếu bà cái ba lô. Thằng tặng bà mấy đôi giày mới. Nhưng cũng có đứa còn nợ bà.
Quán nhỏ nhưng ấm áp vô cùng, nhất là những lần Hà Nội vào đông. Cốc trà nóng nghi ngút khói, uống một ngụm, hút điếu thuốc và ngắm những dòng người xuôi ngược qua phố.
Quán nhỏ chỉ kê mỗi cái bàn và chồng ghế nhựa. Cái bàn gỗ màu đã cũ kĩ, cạnh bên có một cái tủ nhỏ. Trong tủ lúc nào cũng bày rất nhiều loại kẹo nào là kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo cao su... Quán có cả kẹo lạc, hay ở quê tôi gọi là cu đơ nên mỗi lần ra đây có cảm giác như ở nhà vậy. Rồi còn có ổi, cóc và đặc biệt có cả điếu thuốc lào - cái thứ vui thích của những người "thơm mồm bổ phổi" mà đúng là không phải ai cũng có thể rít nổi mấy hơi. Trên tủ bày thêm mấy gói xà phòng, và mấy dây dầu gội.
Có người còn nói: "Ngồi uống nước chè nơi vỉa hè, cũng là một kiểu đọc báo, đặc biệt vào những ngày... tự dưng không muốn đọc báo." Ngẫm kĩ cũng đúng. Ngồi nhâm nhi cốc trà đá, mắt hướng ra đường phố sẽ bắt gặp muôn màu của cuộc sống. Những chuyến xe xích lô, xe thồ kềnh càng oằn mình giữa đường phố đông đúc. Những gánh hàng rong, những cô cậu đánh giày qua lại trước quán bia hơi đối diện. Những cô lao công cần mẫn dọn rác. Đó là những cảnh đời mưu sinh mệt nhọc ngay giữa chốn phồn hoa giàu sang. Đó là những kiếp người quẩn quanh trên những cung đường, con phố mà thường nhật ai cũng có thể bắt gặp họ.
|
Câu chuyện bạn lính
Giờ trở lại, đường phố dường như đông đúc hơn, đẹp hơn nhưng quán cũ đã không còn. Nghe đâu, quán Bà già đã bị xóa sổ từ cái đợt toàn thành phố phát động ra quân thực hiện chiến dịch “đường thông hè thoáng”. Từ đó, người ta không còn thấy bóng dáng bà vào mỗi buổi chiều tối. Cái dáng còng khắc khổ thân quen với mấy chú lính vệ binh như tôi nhưng hình như lại lạc điệu nơi phố sá sầm uất, sôi động.
Có những lúc từ vọng gác ngắm dáng hình của bà, tôi chợt thấy dáng mẹ tảo tần của tôi nơi làng quê xa lắc hiện về. Dáng mẹ những buổi sáng tinh mơ gần Tết quẩy gánh hàng ra chợ. Dáng mẹ trong những buổi hoàng hôn nặng gánh khoai lang từ đồng chầm chậm đi về. Hay những buổi trưa hè từ xa ngái, khi tôi còn là một cậu bé, mẹ đi khắp ngõ làng quét lá tre, lá phi lao về nhóm bếp.
Đang mơ màng nghĩ về những điều đã cũ như đang lật giở từng trang sách cũ thì bắt gặp cái vỗ vai và tiếng nói quen thân “Có phải Ánh Nghệ đó không? Ra ngoài này khi nào?”. Thì ra là thằng bạn lính năm nào, thật tình cờ… Thế là hàn huyên đủ thứ chuyện.
Và có chuyện về cái quán Bà già năm nào. Nó cũng như tôi không biết bất cứ tin tức gì về bà cụ kể từ ngày chia tay năm ấy. Nó được đơn vị cử đi học. Rồi ra trường vào Nam công tác. Cũng đôi bận ra Bắc ghé thăm đơn vị cũ những quán bà đã mất hút từ khi nào. Nó bảo cũng có hỏi thăm mấy nhà quanh quán nhưng chẳng ai biết bà còn hay mất. Có người nói rằng hình như bà đã về quê với con cháu. Có người thì kể, đợt thành phố kiên quyết dẹp các quán cóc ở vỉa hè, bà cụ đã phải chuyển vào mưu sinh ở chợ.
Tạm biệt người bạn lính. Tạm biệt Hà Nội phồn hoa rực rỡ ánh đèn, chen chúc người lại qua. Tạm biệt quán nhỏ - quán Bà già trong miền kí ức xa thẳm nhưng đã lưu dấu biết bao kỉ niệm một thời trai trẻ. Muốn thêm lần được ghi vào cái sổ nợ với những trang giấy đã ngã màu vàng ố của bà. Rồi lâu lâu nghe bà nhắc “Ánh còn ba ngàn nhé con!”, rồi bà lại nói thêm “Khi nào có trả u cũng được!”. Ồ, hóa ra, có những “món nợ” không bao giờ ta trả hết dù đã được gạch sổ lâu rồi. Muốn được thêm một lần ngồi nhâm nhi ly trà trên hè phố. Ngắm dòng người ngược xuôi qua lại. Và biết đâu sẽ bắt gặp dáng nhỏ năm nào…
Thật ra, có những điều nếu ta bỏ quên quá lâu thì sẽ chẳng bao giờ tìm lại được nữa…
Thật ra, có những điều ngỡ quên đã lâu nhưng nó vẫn mãi bền chặt trong mỗi chúng ta…
|
Bình luận (0)