Chuyện mặt bằng ở những hàng quán TP.HCM:

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM đổi mặt bằng, vượt đau thương: Giờ ra sao?

14/02/2023 14:04 GMT+7

Quán bánh canh cá lóc O Thanh (Q.3, TP.HCM) vượt qua những ám ảnh Covid-19 đã chuyển sang mặt bằng mới buôn bán. Quán giờ ra sao?

Nhiều người vẫn còn nhớ về những ký ức đầy ám ảnh về TP.HCM những ngày Covid-19 giữa năm 2021. Nay quán đã chuyển sang mặt bằng mới với nhiều thay đổi.

Chuyển mặt bằng để vượt qua quá khứ đau thương

Những ngày này, sau hơn 1 năm chuyển mặt bằng quán từ hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) sang số 2J đường Nguyễn Thức Đường (Q.Bình Tân), quán bánh canh cá lóc O Thanh vẫn đều đặn khách ra vào.

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 1.

Bánh canh cá lóc O Thanh đã dời sang mặt bằng mới hơn 1 năm qua.

CAO AN BIÊN

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 2.

Chị Thu được mẹ chồng truyền lại công thức nấu, cùng chồng kế thừa quán ăn.

CAO AN BIÊN

Trong quán, chị Kim Thu và chồng, anh Thanh Tịnh (cùng 44 tuổi) đang làm món cho khách đặt qua điện thoại cũng như khách tới ăn. Anh chị chính là con trai cả và con dâu của bà Thanh (chủ quán bánh canh), nay được mẹ truyền lại hàng bánh.

Theo lời kể của anh Tịnh, sau dịch Covid-19, TP.HCM nới lỏng giãn cách, gia đình anh quay về với cuộc sống mưu sinh và bắt đầu buôn bán trở lại. Vì quá ám ảnh những đau thương ở mặt bằng cũ, nơi mẹ anh đã bán gần 10 năm, cả nhà quyết định làm lại từ đầu ở địa chỉ mới.

“Em gái tôi đã mất trong đợt dịch đó khiến cả nhà không thể nào kinh doanh ở mặt bằng đó nữa. Để vượt qua nỗi mất mát, gia đình tôi chọn mặt bằng ở đây và buôn bán đến tận bây giờ. Mặt bằng kia 20 triệu đồng/tháng, còn ở đây chỉ 6 triệu đồng. Dù khách không bằng hồi ở Q.3, nhưng cũng đều đặn”, anh tâm sự.

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 3.

Quán đều đặn khách, dù không còn đông đúc như hồi còn bán ở Q.3.

CAO AN BIÊN

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 4.

Bên cạnh bánh canh, quán còn bán thêm bún bò để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách.

CAO AN BIÊN

Dù vẫn còn nhiều người dân Q.3 và các quận trung tâm lưu luyến hương vị bánh canh cá lóc O Thanh mà tìm đến tận Q.Bình Tân để mua, hoặc nhờ chủ quán gửi sang, nhưng ở chỗ mới họ cũng phải tìm khách lại từ đầu. Thời gian đầu, có phần khó khăn.

“Nhiều người người ta đi ngang thấy bánh canh O Thanh thì vào hỏi: “Ủa có phải quán bánh canh Covid-19 hay không?”. Họ thấy mình chuyển mặt bằng sang đây thì cũng bất ngờ rồi ủng hộ, ăn thử. Thấy ngon nên dần dà trở thành khách quen luôn", chị Thu vừa bưng món ra cho khách, vừa kể lại.

Hơn 1 tháng trước, bà Thanh bị đột quỵ, sức khỏe yếu. Hiện bà đang ở Huế. Vợ chồng anh chị cũng kế thừa hàng bánh canh của mẹ mình. Chị Thu thì được mẹ chồng truyền lại tất cả công thức nấu, làm nhiệm vụ chính ở khu vực bếp. Còn chồng chị thì lo vòng ngoài, từ việc tiếp khách đến giao món cho khách quen gần nhà.

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 5.

Nước dùng đậm đà.

CAO AN BIÊN

Chủ quán tâm sự khác với mặt bằng hồi ở Q.3, khi trưa trưa dân văn phòng, người lao động đến quán ăn đông nghẹt, ở địa chỉ mới anh chị thường phải đi giao tận nhà cho khách quen ở khu vực xung quanh đây. 

“Hồi xưa quán chỉ bán mỗi bánh canh thôi, bây giờ còn bán thêm bún bò để phục vụ thêm cho nhu cầu của khách. Mẹ tôi hồi đó ở quê cũng bán bún bò nên công thức, bí quyết nấu mẹ có hết, các con cứ việc làm theo rồi có những thay đổi sao cho phù hợp với thực tế là được. Hồi xưa từ trưa mẹ mới mở, giờ vợ chồng tôi bán từ sáng luôn", anh chị kể về những thay đổi của bánh canh cá lóc O Thanh hiện tại.

Bí quyết “níu chân” khách

Theo lời kể của gia đình, hơn 12 năm trước bà Thanh từ Huế vào TP.HCM. Gia đình ở quê vốn có thâm niên bán bún bò, nhưng bà Thanh vẫn chọn bán bánh canh cá lóc ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu để… không đụng hàng. Có duyên buôn bán, nhờ khách ủng hộ nhiều, hàng bánh của bà có một lượng khách “ruột” suốt hàng chục năm.

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 6.

Giá mỗi tô từ 35.000 - 45.000 đồng.

CAO AN BIÊN

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 7.

Anh Hùng thích ăn bánh canh ở đây.

CAO AN BIÊN

Ngày đó, vợ chồng chị Thu chỉ phụ mẹ, nhưng tình yêu dành cho hàng bánh của gia đình cũng ngày một lớn dần. Nay được mẹ giao lại hàng bánh canh, với anh chị đó là hạnh phúc, và cũng là trách nhiệm lớn.

Họ cho biết đó là lý do mà mỗi ngày phải cố gắng hết sức để mang tới những tô bánh ngon nhất, chất lượng nhất đến với khách. Theo chủ quán, điểm đặc biệt trong tô bánh canh cá lóc ở đây mà khách thích chính là độ tươi ngon của thịt cá. Với cách chế biến riêng, thịt cá không bị tanh, ngọt, mềm. Ở đây, giá mỗi tô bánh dao động từ 35.000 - 45.000 đồng tùy loại.

Là khách “ruột" của quán từ ngày dời sang Q.Bình Tân, anh Hùng (44 tuổi) cho biết hầu như tuần nào cũng ghé hàng bánh này ăn 2 - 3 lần. Anh thích nước dùng ở đây vì được nấu đậm đà và thịt cá lóc thơm ngon.

“Thêm nữa là giá cả ở quán này cũng phải chăng, phù hợp với dân lao động như mình, chủ quán cũng niềm nở, dễ thương nữa. Ngay từ lần đầu ăn ở đây là thấy ưng rồi, nên ăn tới giờ luôn", vị khách nói thêm.

Quán bánh canh cá lóc O Thanh ở TP.HCM từ ngày dời mặt bằng, giờ ra sao? - Ảnh 8.

Còn bà Thái Thị Lan (56 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) thì nói rằng trong một lần tình cờ đi ngang qua con đường này thấy bánh canh O Thanh, vì tò mò khi trước đó đã nghe tên nên bà ghé vô ăn thử. Thấy hợp khẩu vị nên lâu lâu, bà hay tới đây để mua về ăn cũng như mua cho con cháu trong nhà.

Anh Tịnh, chị Thu tâm sự rằng, những nỗ lực “làm lại từ đầu" sau biến cố gia đình của vợ chồng anh chị cũng dần được đền đáp, khi quán ngày càng nhận được sự yêu thích của nhiều khách mới. Đó cũng chính là động lực để vợ chồng anh chị duy trì hàng bánh canh cá lóc của mẹ càng lâu càng tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.