Cách trang trí quán khá xuề xòa, hơn thế nếu khách vào tầng 1 của quán cũng chẳng thấy sách đâu. Hỏi thì ông chủ quán phẩy tay cười trìu mến: “Đừng vội vàng, sách rất nhiều chỉ sợ khách đọc không hết”...
Thì ra ông chủ quán tên Nguyễn Thế Thành “giấu” sách ở trên tầng 2 bởi lẽ “đọc sách là một nghệ thuật, không phải ai uống cà phê cũng muốn đọc sách cả nên tôi không để tầng dưới” - ông Thành chia sẻ. Nghe ông chủ quán nói thì có vẻ ông hơi “kiêu” nhưng cảm giác đó sẽ qua đi nhanh nếu bạn nhìn thấy thư viện sách với trên 3.600 cuốn được sưu tầm hơn 40 năm của ông. Bạn có thể tha hồ chọn lựa, ngồi cả ngày đọc mà ông chủ quán cũng chẳng phàn nàn gì dù bạn chỉ gọi có 1 ly cà phê. Chẳng những thế nếu có thắc mắc gì hoặc muốn trao đổi xung quanh những cuốn sách, ông chủ quán cũng sẽ ngồi hầu chuyện bạn rất nhiệt tình.
Khám phá thư viện sách mini của ông Thành mới hiểu tại sao ông lại có vẻ “kén" khách đọc sách đến thế. Sách được bày rất gọn gàng trên những chiếc giá đựng bằng gỗ và sắp xếp rất khoa học: tác phẩm văn học đoạt các loại giải thưởng thế giới, sách văn học trong nước, sách văn học Trung Quốc, sách văn học thiếu nhi, sách sưu tầm... Đặc biệt có những quyển sách thuộc vào loại quý hiếm hiện nay. Lôi trong tủ ra bộ Truyện Kiều gồm hơn 10 cuốn được xuất bản qua các thời kỳ, ông Thành tự hào: “So với các tủ sách ở thư viện thì chẳng là gì, nhưng nếu so với tư nhân thì chưa ai qua được tủ sách của tôi đâu nhé”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Thành nhanh nhẹn giới thiệu cho chúng tôi những quyển sách có tuổi đời vượt qua cả tuổi của ông, đó là quyển Từ điển Hán – Việt của cụ Đào Duy Anh, xuất bản năm 1932, hay như cuốn Việt Nam từ điển do Trung Bắc Tân Văn xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20; bộ Tổng tập văn học Việt Nam của tác giả Đinh Gia Khánh gồm 42 quyển xuất bản cách đây nửa thế kỷ... Hay cuốn Vang bóng một thời bản đầu tiên được in trên loại giấy Đại La (hay còn gọi giấy Bổi).
Cái thú sưu tập sách của ông Thành thoạt tiên nghe rất mâu thuẫn với chính bản thân ông. Là một người mới chỉ học hết lớp 6, lại sinh ra trong gia đình đông con điều kiện học hành không có. Nhấp một ngụm cà phê, tay nâng niu một quyển sách, ông Thành tâm sự: “Nhiều người cứ nghĩ tôi “làm sang” cho mình. Nhưng đâu phải vậy, tôi nhớ năm tôi lên 10, mẹ đẻ tôi rất hay đọc các loại sách văn học. Rồi mẹ bảo tôi đọc sách cho bà nghe. Tôi đọc say sưa, lưu loát hết cuốn này sang cuốn khác. Thế rồi chẳng nhớ từ khi nào sách “ngấm” vào trong tôi, tuy chẳng còn được học cao thêm nữa nhưng tôi bắt đầu tìm đọc và sưu tầm sách để bù đắp kiến thức cho bản thân mình”.
Ông Thành đã làm rất nhiều nghề từ anh công nhân cơ khí Hà Nội, rồi nghỉ đi chạy xe ôm, đạp xích lô và giờ mở quán cà phê. Có được đồng nào ngoài trang trải cuộc sống ông đều dành cho sách cả. “Ngày xưa khi nghèo khổ, nhiều lúc tôi cũng bi quan lắm, không hiểu sao đời mình lại khổ thế, nhưng khi đọc sách, so sánh mình với những nhân vật trong sách truyện, rồi ngẫm về cái sự đời, tôi lại thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Thế mới biết vì sao những tác phẩm văn chương lớn vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ” - ông Thành chân tình.
Khách của quán cà phê sách ông Thành có người mê sách nhưng cũng có người chỉ đơn giản là vào uống ly cà phê và trò chuyện. Bởi vậy, chỉ khi nào họ hỏi “sách ở đâu?” ông mới chỉ cho họ lên căn gác 2 - nơi không gian gần như hoàn toàn tĩnh lặng, thi thoảng mới vang lên tiếng chú gà tre gáy của căn nhà bên triền đê sông Hồng.
Bài, ảnh: Phương Anh - Hồng Minh
Bình luận (0)