Quá trình lên kế hoạch toàn diện và phân tích tác động đối với môi trường của dự án đập thủy điện trên sông Yarlung Zangbao cần được hoàn tất càng sớm càng tốt, theo đề xuất của ông Che Dalha, Phó Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch khu tự trị Tây Tạng, tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Theo quan chức này, Tây Tạng sẽ nỗ lực khởi động công trình đập thủy điện trong năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch xây con đập thủy điện khổng lồ trên dòng Yarlung Tsangbo đã khiến Ấn Độ bày tỏ quan ngại.
Quốc gia láng giềng Trung Quốc lo ngại sự hiện diện của con đập có thể cản trở dòng chảy ở hạ nguồn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước canh tác và sinh hoạt, thậm chí có thể gây ra lũ quét.
Sông Yarlung Zangbao có chiều dài khoảng 2.900 km, chảy xuyên Tây Tạng, Ấn Độ và Bangladesh trước khi đổ vào Vịnh Bengal.
Dự án trên đã được đề cập trong bản kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025) của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết nhưng truyền thông trong nước dự đoán đập Yarlung Zangbo có quy mô lớn hơn đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử và tạo ra lượng điện cao gấp 3 lần (60 GW so với 22,5 GW).
Theo một quan chức Ấn Độ, chính quyền New Delhi đang lên kế hoạch xây đập thủy điện của nước này trên sông Brahmaputra, nhằm tăng cường năng lực giữ nước và vô hiệu hóa ảnh hưởng của dự án Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên các đập thủy điện của Trung Quốc khiến nước láng giềng lo ngại. Bắc Kinh đã xây 11 con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông, khiến các quốc gia hạ nguồn bị ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận (0)