Lan tỏa trên mạng xã hội:

Quán cơm 0 đồng 'kỳ lạ' ở TP.HCM

18/06/2024 10:01 GMT+7

Bất cứ ai tìm đến quán cơm 0 đồng của gia đình ông Nguyễn Đức Tuấn (59 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) đều được chủ quán đón tiếp như khách quý. Nhiều người nói rằng đây là quán ăn "kỳ lạ" nhất họ từng biết, vì sao?

"QUÁN CƠM ĐẮT KHÁCH NHẤT HÓC MÔN"

Đúng 11 giờ một ngày cuối tuần, quán cơm 0 đồng của gia đình ông Tuấn nằm trên đường Tân Hiệp 46 (H.Hóc Môn, TP.HCM) bắt đầu mở cửa. Hàng chục người đã chờ sẵn bên ngoài hối hả tiến vào bên trong, ngồi kín bàn chờ quán mang món ra thưởng thức. Ai nấy cũng vui vẻ trò chuyện rôm rả.

1.jpg

Vừa mới mở, khách đã ngồi kín quán ăn

CAO AN BIÊN

Theo quan sát của chúng tôi, khách đến quán cơm này chủ yếu là người lao động khó khăn làm nghề lượm ve chai, bán vé số, người khuyết tật, người lớn tuổi không còn khả năng lao động. Một số người sống gần đó cũng đến ăn vì tò mò.

Đã quá quen với công việc này, ông Tuấn cùng người thân, bạn bè, nhân viên mỗi người một việc, tất bật đón khách cũng như chuẩn bị những phần ăn chỉn chu mang ra cho hơn 70 người ngồi kín quán, không để ai phải chờ đợi lâu. Thực đơn hôm đó cũng đa dạng như những ngày trước, gồm món mặn, canh và xào làm từ thịt cá, rau củ quả hấp dẫn.

Cứ như vậy, khách hết đợt này đến đợt khác thoải mái ngồi thưởng thức bữa trưa. Ông Tuấn cho biết quán chuẩn bị hơn 250 suất cơm, mỗi lần chỉ có thể phục vụ tối đa 70 khách ngồi ăn tại chỗ nên hết lượt khách này đi sẽ có lượt khách khác tới. Chính vì lý do này, nhiều người nói vui đây là quán cơm bán đắt nhất Hóc Môn, khi khách ngồi ăn không còn chỗ trống và hơn 1 giờ đồng hồ thì đã hết món.

Người Sài Gòn bỏ tiền túi mời cơm 'người lạ', nghe đến lý do ai cũng ấm lòng

Cũng theo lời ông Tuấn, quán cơm được mở gần 2 tháng trước, bán vào 11 giờ thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần tới khi hết suất. Mặc dù là quán cơm 0 đồng, nhưng tất cả khách tới quán đều được nhân viên mời vào bàn ngồi và phục vụ suất ăn tận nơi như một quán ăn thông thường.

Sở dĩ ông quyết định mở quán ăn này phần vì muốn san sẻ với những người lao động khó khăn, phần vì muốn cùng hai con làm một dự án thiện nguyện ý nghĩa. Các con ông cũng vừa được nghỉ hè, đều ra quán phục vụ bà con.

Trước quán, ông Tuấn có dán bảng thông báo không nhận quyên góp dưới mọi hình thức. Nói về điều này, ông cho biết: "Có bao nhiêu thì tôi và các con làm bấy nhiêu, theo khả năng của mình, không quyên góp, kêu gọi. Tôi cũng muốn tập cho các con về đức tính tiết kiệm, sự nỗ lực để làm một việc gì đó một cách độc lập mà không lệ thuộc vào ai".

"TỚI ĐÂY ĂN BAO NO, ẤM LÒNG !"

Khách ngồi thưởng thức bữa ăn, ông Tuấn nhiệt tình thăm hỏi, hỗ trợ với nụ cười tươi rói, niềm nở. Điều đó khiến bà Hạnh (59 tuổi), một vị khách đã ăn ở quán suốt 3 tuần nay, cảm thấy xúc động.

5.jpg

Quán do ông Tuấn và các con cùng người thân, bạn bè duy trì

CAO AN BIÊN

Biết tới quán thông qua lời giới thiệu của một người quen, hầu như quán bán ngày nào bà cũng đều tới sớm để ăn. Bà Hạnh cho biết mình làm giúp việc, thu nhập cũng không nhiều nên ăn ở đây giúp bà tiết kiệm được chi phí. Thêm nữa, đồ ăn ở đây ngon, hợp khẩu vị khiến bà không ngớt lời khen.

"Tới đây ăn bao no luôn bà con! Ăn ở đây thấy ấm lòng, đồ ăn thì vệ sinh, chủ quán coi như khách quý, đón tiếp niềm nở. Hy vọng quán mở dài dài để người lao động khó khăn được tới đây ăn", một người đàn ông, cũng là khách quen của quán, bày tỏ.

Ông Tuấn cho biết mỗi ngày bán cơm, ông và gia đình chi từ 3 - 3,5 triệu đồng và "điều tôi cùng mọi người trong quán nhận lại được còn hơn như thế, khi đó là nụ cười hạnh phúc, là lời cảm ơn và tình cảm của những vị khách tới ăn dành cho", ông chia sẻ.

Ông Tuấn có hơn 25 năm làm giáo viên dạy cấp 2 trước khi chuyển sang công việc kinh doanh. Vốn làm về thực phẩm, ăn uống, việc chế biến các món ăn ngon, hợp vệ sinh là điều không quá khó với ông. Ông cho biết sẽ duy trì quán cơm này lâu dài, đến khi nào không còn điều kiện, sức khỏe để tiếp tục mới thôi.

box.jpg

box.jpg


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.