Reuters hôm qua dẫn các nguồn tin quân sự Ai Cập cho biết nếu Tổng thống Mohammad Morsi không thể thỏa hiệp với phe đối lập trước thời hạn chót vào ngày 3.7 (rạng sáng nay, giờ VN) theo “lộ trình chính trị” do Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (SCAF) ấn định, quân đội sẽ đình chỉ hiến pháp, giải tán quốc hội và thành lập một hội đồng lâm thời để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói rằng quân đội trước hết sẽ kêu gọi các nhân vật chính trị, xã hội và kinh tế tiến hành thảo luận để quyết định bước đi tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đã khiến 39 người chết kể từ ngày 30.6.
|
Trong ngày 3.7, Chủ tịch SCAF Abdel Fattan al-Sisi đã tổ chức cuộc họp với các nhân vật đối lập hàng đầu Ai Cập cũng như các lãnh tụ tôn giáo, đồng thời nhiều xe quân sự xuất hiện quanh đài truyền hình quốc gia, theo CNN. Cùng ngày, lực lượng an ninh áp đặt lệnh cấm xuất ngoại đối với ông Morsi. Vì thế, tuy quân đội tuyên bố “không ủng hộ đảo chính” và chỉ chống lại những “phần tử khủng bố, cực đoan hay ngu ngốc”, tối hậu thư của họ được cho là nhằm vào chính quyền của Tổng thống Morsi. Trước đó, vị tổng thống này khẳng định không từ chức và sẽ “dùng mạng sống để bảo vệ vị trí cầm quyền hợp pháp” của mình. Đến nay, ông Morsi vẫn kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng và đề xuất lập chính phủ liên hiệp nhưng phe chống đối từ chối và cương quyết đòi ông ra đi.
Hôm qua, những người ủng hộ và chống đối ông Morsi tiếp tục xuống đường ngày thứ tư liên tiếp nhưng phe phản đối chiếm ưu thế hơn hẳn. Họ cáo buộc ông Morsi “cướp quyền lực về tay Hồi giáo” và khiến kinh tế đất nước lụn bại, đồng thời kêu gọi quân đội nhanh chóng can thiệp. Điều trớ trêu là sau đợt chống đối tương tự lật đổ ông Hosni Mubarak năm 2011, quân đội cũng có một giai đoạn nắm quyền điều hành đất nước nhưng bị dư luận chỉ trích là “cướp thành quả cách mạng”, và cuối cùng phải tổ chức bầu cử mở đường cho ông Morsi lên cầm quyền.
Phóng viên Hà Lan bị cưỡng bức ở Cairo Chính quyền Ai Cập đang điều tra vụ một nữ phóng viên người Hà Lan bị cưỡng hiếp tập thể khi tác nghiệp tại quảng trường Tahrir ở Cairo. Theo trang tin Ynetnews, Đại sứ quán Hà Lan xác nhận cô Dina Zakaria bị tấn công cuối tuần qua khi đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Morsi. Năm 2011, một phóng viên người Mỹ tên Lara Logan cũng bị 200 người đánh đập và tấn công tình dục tại Tahrir trong một cuộc xuống đường sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. |
Trùng Quang
>> Tổng thống và quân đội Ai Cập thề “một mất một còn”
>> Giá dầu lên gần 102 USD/thùng vì bất ổn tại Ai Cập
>> Quân đội Ai Cập cảnh báo chính quyền
>> Tổng thống Ai Cập không đếm xỉa tối hậu thư của quân đội
>> Bạo lực bùng phát ở Ai Cập
>> Hàng triệu người biểu tình ở Ai Cập
Bình luận (0)