Quân đội làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

14/07/2017 06:44 GMT+7

Bộ Quốc phòng không có quan điểm trái ngược nhau mà mọi chủ trương đều thống nhất rất cao bằng văn bản, nghị quyết. Cần hiểu là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 13.7, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng họp báo về kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017.
Tướng Lê Chiêm nói chưa hết ý về chủ trương quân đội làm kinh tế
Tại buổi họp báo, PV Báo Thanh Niên nêu vấn đề về những giải đáp vừa qua của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có thể hiểu chủ trương của Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng là quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng. Chủ trương rõ ràng như vậy nhưng thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trước đó lại hiểu sai dẫn đến trong thời gian qua lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải có ý kiến. Từ đây đặt ra câu hỏi phải chăng ngay lãnh đạo Thường vụ Quân ủy T.Ư, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chưa thống nhất cao về chủ trương quân đội làm kinh tế gắn liền với quốc phòng?
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng, cho rằng: “Phát biểu của thượng tướng Lê Chiêm chưa hết ý dẫn đến việc báo chí hiểu sai”. Theo ông Thắng, thượng tướng Lê Chiêm nói quân đội không làm kinh tế là ý nói những doanh nghiệp (DN) quân đội đơn thuần làm kinh tế chứ không phải tất cả DN trong quân đội. Ngoài ra, trong Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng không có quan điểm trái ngược nhau mà mọi chủ trương đều thống nhất rất cao bằng văn bản, nghị quyết. Ở đây cần hiểu là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một doanh nghiệp của quân đội
Không có ưu tiên nào cho DN quân đội
Liên quan đến đề án sắp xếp, tinh gọn DN quân đội, thiếu tướng Thắng cho hay trong đề án 17 DN 100% vốn nhà nước được giữ lại là những DN có nhiệm vụ quốc phòng và kết hợp lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đề án cũng có nội dung giữ lại 12 DN cổ phần hóa nhưng nhà nước chiếm giữ 51%. Những DN này trong quá trình sản xuất kinh doanh đều có nhiệm vụ quốc phòng.
“Còn những DN như xây dựng, thương mại, dịch vụ hoặc DN ít có nhiệm vụ quốc phòng thì sẽ được cổ phần hóa hoặc thoái vốn”, ông Thắng cho biết.
Hiện nay đề án sắp xếp DN quân đội đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ. Sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai, thực hiện. Việc sắp xếp lại DN không có gì bí mật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án có một số nội dung cần bảo mật có thời hạn để lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng thống nhất, bàn bạc và sẽ công khai cho người dân biết sau khi Thủ tướng phê duyệt.
Về câu hỏi liệu có sự ưu tiên cho DN quân đội hay không, ông Thắng trả lời “không có bất cứ ưu tiên nào cả” và cho biết thêm, trước đây một số DN quân đội được cấp một số xe biển đỏ hay điều một số sĩ quan quân đội xuống phụ trách DN. Tuy nhiên, hoạt động của DN vẫn phải chấp hành đúng quy định pháp luật và sẽ không ưu tiên trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí thực hiện chủ trương tái cấu trúc DN quân đội, các xe biển đỏ cấp cho DN đều được thu hồi.
“Vừa rồi Bộ Quốc phòng thu hồi hơn 1.000 biển số đỏ. Hiện DN quân đội 100% vốn nhà nước chỉ được trang bị 2 xe biển số đỏ dành cho lãnh đạo, các xe còn lại sẽ chuyển sang biển trắng. Các DN quân đội đều được tính đủ chi phí, hạch toán như DN khác, cạnh tranh bình đẳng với DN khác”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, hằng năm DN quân đội đều được thanh tra, kiểm toán nhà nước kiểm tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như các DN khác. Có chăng lợi thế của DN quân đội là sản phẩm ra thị trường được người dân tin tưởng hơn so với DN khác.
Theo Bộ Quốc phòng, năm 2000 có 305 DN quân đội, đến năm 2016 được sắp xếp còn 88 DN, và trong đề án nói trên sẽ rút xuống còn 17 DN 100% vốn nhà nước. Năm 2016, DN quân đội đạt doanh thu hơn 345.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43.500 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 40.270 tỉ đồng, đảm bảo cho hơn 181.000 lao động với thu nhập bình quân 11,8 triệu đồng/tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.