(TNO) Hãng tin Bloomberg ngày 4.6 đã đăng bài của một chuyên gia quốc phòng kỳ cựu người Mỹ phân tích khá rõ nét về tương quan sức mạnh giữa lực lượng vũ trang của hai cường quốc lớn nhất nhì thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ trong một chuyến tuần tra ở miền nam Afghanistan |
Thomas J. Christensen, giáo sư chuyên nghiên cứu chính trị thế giới tại trường đại học danh tiếng Princeton (Mỹ) và là cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, đã có bài phân tích về vũ khí và năng lực chiến đấu của hai quốc gia:
Trung Quốc
Đội quân đông đảo của Trung Quốc khởi đầu là một lực lượng bộ binh, chỉ được trang bị một số lượng nhỏ các tên lửa bắn từ bệ phóng cố định, sử dụng nhiên liệu lỏng, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Vào thập niên 1990, quân đội Trung Quốc bắt đầu có xu hướng vươn ra ngoài qua lực lượng hải quân, không quân và các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường. Trong số các tên lửa Bắc Kinh sở hữu lúc bấy giờ có vài loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, với độ chính xác cao và có khả năng bắn trúng mục tiêu di động trên biển.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân bằng cách gắn đầu đạn hạt nhân cho tên lửa bố trí trên các bệ phóng tự hành trên mặt đất và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Tên lửa Hồng Kỳ-2 trưng bày tại sảnh Bảo tàng Quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh |
Tuy nhiên, ngoài tên lửa đạn đạo thông thường, loại vũ khí Mỹ đã quyết định ngưng phát triển, Trung Quốc hiện vẫn chưa có được năng lực quân sự nào vượt trội hơn so với Mỹ.
Các tài liệu quân sự lưu hành nội bộ của Trung Quốc thừa nhận cách biệt lớn giữa Bắc Kinh và các "thế lực thù địch" được trang bị công nghệ tối tân, đồng thời kêu gọi cần có các chiến lược cho phép “phe yếu khắc chế phe mạnh”.
Khả năng tấn công mạng thường xuyên được nhắc đến như một “át chủ bài” của Trung Quốc. Nước này đã phát triển một lực lượng nòng cốt quy mô lớn các tin tặc được chính phủ tài trợ, còn gọi là các chiến binh mạng.
Nhưng việc Trung Quốc tập trung vào không gian mạng, lĩnh vực có thể khiến Mỹ lo ngại, không có nghĩa là Bắc Kinh đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Mỹ rất hiếm khi hé lộ năng lực tấn công mạng của họ, vốn là một vấn đề mà cường quốc này bảo mật rất kỹ. Hồi năm 2013, tướng Keith Alexander, khi đó điều hành Bộ tư lệnh Không gian mạng Mỹ, từng tuyên bố lực lượng không gian mạng của Mỹ là “nhất thế giới”.
Binh sĩ Trung Quốc đang làm việc trên máy tính - Ảnh: AFP |
Một trong những điểm mạnh về quân sự được phía Trung Quốc bàn tán rất nhiều chính là Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này, vốn là một tàu sân bay cũ của Ukraine được tân trang lại.
Từ sau khi có được chiếc Liêu Ninh, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tự đóng thêm 2 tàu sân bay nữa. Đây là một bước phát triển vượt bậc, nếu so với các quốc gia láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc, nhưng chưa thể là yếu tố làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung.
Mỹ
Mỹ hiện sở hữu 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, với một lực lượng tàu chiến hùng hậu và thiện chiến đi theo bảo vệ.
Quân đội Mỹ còn dày dạn kinh nghiệm trong việc tìm diệt tàu sân bay địch, được đúc kết từ nhiều thập kỷ qua hai thời kỳ Thế chiến 2 và Chiến tranh lạnh.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ, bố trí thường trực ở Nhật Bản - Ảnh: Reuters |
Bên cạnh các loại vũ khí tối tân hơn so với Trung Quốc, quân đội Mỹ còn vượt trội về kinh nghiệm thực chiến. Trung Quốc chưa từng tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột mang tầm quốc tế nào kể từ sau năm 1979, khi Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc Việt Nam và gánh chịu nhiều thất bại.
Trong khi đó, tính từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 hồi tháng 1.1991, binh sĩ Mỹ đã gần như liên tục phải can thiệp vào rất nhiều cuộc xung đột trên thế giới.
Ngoài ra, một trong những ưu thế lớn nhất của Mỹ so với Trung Quốc chính là “mạng lưới” các quốc gia đồng minh, gồm khoảng 60 nước và lãnh thổ. Ngân sách dành cho quốc phòng của liên minh này, nếu tính luôn cả Mỹ, chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu.
Còn Trung Quốc hiện chỉ có quan hệ đồng minh chính thức với CHDCND Triều Tiên, đồng thời là đối tác an ninh thân thiết với một quốc gia châu Á khác là Pakistan. Trung Quốc cũng có hợp tác quốc phòng và mua bán vũ khí với Nga, nhưng sự không tin tưởng lẫn nhau khiến cả hai khó có thể xem là đồng minh thực thụ của nhau.
Bình luận (0)