Quân đội Myanmar đề nghị các nhóm đối lập đình chiến, tham gia bầu cử

27/09/2024 15:07 GMT+7

Chính quyền quân sự Myanmar đã bất ngờ chìa cành ô liu cho các nhóm vũ trang đối lập, đề nghị họ ngừng bắn và tham gia bầu cử.

Trong một tuyên bố ngày 26.9, chính quyền quân sự Myanmar kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) bị coi là "khủng bố" nên rời bỏ con đường này và tham gia chính trị, bầu cử nhằm tiến tới hòa bình lâu dài và phát triển, theo Reuters.

Quân đội Myanmar đề nghị các nhóm đối lập đình chiến, tham gia bầu cử- Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền Myanmar, trong lễ kỷ niệm ngày quân đội hồi tháng 3 tại Naypyidaw

ẢNH: AFP

Myanmar trải qua cuộc chính biến vào năm 2021 với việc chính quyền của đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ. NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2020 nhưng bị cáo buộc gian lận.

Nhiều chính trị gia gồm bà Suu Kyi bị bắt trong khi số khác rời khỏi đất nước. Vị cựu cố vấn nhà nước bị phạt 27 năm tù vì nhiều tội danh nhưng bà đều bác bỏ.

Các cuộc giao tranh cũng nổ ra từ đó giữa chính quyền do quân đội kiểm soát và các lực lượng vũ trang đối lập, gồm PDF, nhánh vũ trang của "Chính phủ Thống nhất Dân tộc" (NUG).

"Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cơ bản của đất nước và mạng sống của nhiều người đã mất, và sự ổn định và phát triển của đất nước đã bị chặn lại do xung đột", chính quyền quân sự thông báo và kêu gọi các nhóm chống nhà nước ngừng chiến sự, đàm phán để giải quyết các vấn đề chính trị.

Người phát ngôn Nay Phone Latt của NUG đã nhanh chóng từ chối đề nghị trên, cho rằng chính quyền quân sự không có quyền tổ chức bầu cử.

Quân đội Myanmar đề nghị các nhóm đối lập đình chiến, tham gia bầu cử- Ảnh 2.

Một vụ nổ trong đợt oanh tạc của quân đội Myanmar tại thành phố Lashio, bang Shan hôm 24.9

ẢNH: AFP

Người phát ngôn Padoh Saw Taw Nee của lực lượng Thống nhất Dân tộc Karen (KNU), giao tranh với quân đội trong nhiều thập niên qua tại khu vực dọc biên giới Thái Lan, cho rằng đối thoại chỉ có thể diễn ra nếu quân đội chấp nhận một số điều kiện.

Theo AFP, những điều kiện ông này đưa ra gồm việc quân đội không tham gia vào chính trị trong tương lai, chấp nhận một bản hiến pháp dân chủ liên bang, nhận trách nhiệm cho những hành động đã gây ra.

Ông Maung Saungkha, lãnh đạo lực lượng Quân giải phóng nhân dân Bamar, thành lập sau chính biến, nói không quan tâm đến đề nghị của chính quyền.

Đề nghị được đưa ra sau khi quân đội tiếp tục có các cuộc giao tranh với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đối lập thời gian gần đây, theo AFP. Bên cạnh đó, Myanmar vừa gánh chịu thiệt hại nặng nề do bão Yagi với hơn 400 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người cần sự hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.