Cụ thể, phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho hay quân đội nước này đang đối mặt với "các cuộc tấn công lớn" từ một số lượng đáng kể quân nổi dậy có vũ trang" trong bang Shan ở phía đông bắc, bang Kayah ở phía đông và bang Rakhine ở phía tây Myanmar, theo Reuters.
Ông Zaw Min Tun cho biết thêm một số vị trí quân sự đã được sơ tán và quân nổi dậy đã sử dụng máy bay không người lái để thả hàng trăm quả bom vào các đồn quân sự. "Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để phòng vệ một cách hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái", ông Zaw Min Tun cho hay vào cuối ngày 15.11.
Myanmar yêu cầu cơ quan chính quyền chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp
Tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar, các thành viên chính quyền đã được lệnh thành lập các đơn vị để ứng phó các tình huống "khẩn cấp", theo thư ký Hội đồng Naypyitaw Tin Maung Swe. Ông phủ nhận rằng lệnh này là nhằm ứng phó tình hình an ninh, khẳng định thủ đô đang yên tĩnh.
Trong khi đó, một chính quyền song song được thành lập bởi phe chống quân đội Myanmar và có liên minh với một số phe nổi dậy đã phát động chiến dịch "Đường đến Naypyitaw" nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Naypyitaw, theo Reuters.
Trước đó, một cuộc tấn công phối hợp chống quân đội đã phát động vào ngày 27.10 tại bang Shan, giáp với Trung Quốc. Tại bang Shan, các nhóm nổi dậy có vũ trang đã chiếm giữ một số thị trấn và hơn 100 đồn quân sự. Đầu tuần này, chính quyền Myanmar đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở bang Shan, theo Reuters.
Cũng trong tuần này, giao tranh đã nổ ra trên hai mặt trận mới ở hai bang miền tây Rakhine và Chin của Myanmar, khiến khoảng 5.000 người phải chạy trốn sang nước láng giềng Ấn Độ, theo Reuters.
Nhóm nổi dậy Quân đội Arakan (AA), đấu tranh đòi quyền tự trị ở bang Rakhine, hôm 15.11 nói rằng hàng chục cảnh sát và quân nhân đã đầu hàng hoặc bị bắt khi lực lượng của họ tiến lên. Một phát ngôn viên của chính quyền Rakhine đã tố cáo AA đang "hủy diệt" bang Rakhine, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho hay kể từ khi đợt xung đột mới nổ ra ở Myanmar, một số người đã vượt biên sang Trung Quốc để xin tị nạn và tránh xung đột. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết thêm Bắc Kinh đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và cố gắng hết mình để cứu những người bị thương.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterresd đã quan ngại sâu sắc trước "sự mở rộng xung đột ở Myanmar" và kêu gọi tất cả các bên bảo vệ dân thường, theo Reuters dẫn lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc. Vị phát ngôn viên cho biết thêm: "Số người phải sơ tán ở Myanmar hiện đã vượt quá 2 triệu người".
Bình luận (0)