Quân đội Arakan (AA), một nhóm vũ trang dân tộc thiểu số hùng mạnh ở Myanmar, mới đây tuyên bố họ đã giành quyền kiểm soát thị trấn Buthidaung thuộc bang Rakhine, cách biên giới Bangladesh khoảng 35 km, sau nhiều tuần giao tranh với lực lượng chính phủ.
"Chúng tôi đã chiếm được tất cả các căn cứ ở Buthidaung và cũng đã chiếm được thị trấn trong ngày hôm qua", Reuters dẫn lời ông Khine Thu Kha, phát ngôn viên của AA, cho biết hôm 19.5.
Đến chiều 20.5, chính quyền quân sự ở thủ đô Naypyidaw vẫn chưa lên tiếng về tình hình ở Buthidaung. Nếu được xác nhận, đây là thất bại tiếp theo của quân đội Myanmar trong cuộc đối đầu với các lực lượng nổi dậy.
Diễn biến này cũng làm nổi bật những bước tiến đáng kể của AA trong vài tháng gần đây. Nhóm vũ trang này hiện tuyên bố kiểm soát 180 căn cứ quân sự và 7 trong số 17 thị trấn ở bang Rakhine, cũng như thị trấn Paletwa thuộc bang Chin lân cận, theo tờ Nikkei Asia.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau chính biến lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2.2021. Sự kiện đưa quân đội lên nắm quyền trở lại, đồng thời dẫn đến sự trỗi dậy của phong trào kháng chiến cùng các nhóm nổi dậy đã hình thành từ lâu trong các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Xung đột đã leo thang kể từ tháng 10.2023, khi Liên minh Ba anh em, bao gồm AA và 2 nhóm nổi dậy khác, phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn chống lại chính quyền quân sự. Phe nổi dậy đã chiếm được nhiều địa bàn từ tay quân đội Myanmar và đặt ra thách thức lớn nhất cho họ kể từ khi lên nắm quyền.
Theo ước tính của Viện Hòa bình Mỹ (USIP, một cơ quan nghiên cứu và đào tạo của chính phủ Mỹ), quân đội Myanmar đã mất khoảng một nửa trong số 5.280 vị trí quân sự của mình, bao gồm các tiền đồn, căn cứ và trụ sở, cũng như 60% lãnh thổ mà họ từng kiểm soát ở các khu vực dân tộc thiểu số.
Hồi đầu tháng này, Reuters dẫn lời một quan chức Thái Lan và một nguồn tin ngoại giao đánh giá rằng quân đội Myanmar có thể sẽ mất quyền kiểm soát toàn bộ các địa bàn quan trọng dọc theo biên giới với Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Trung Quốc trong 6 tháng tới.
Trong một diễn biến khác, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, đã gặp các quan chức ASEAN, bao gồm Tổng thư ký Kao Kim Hourn và Đặc phái viên Alounkeo Kittikhoun, tại Naypyidaw hôm 16.5. Theo AFP, hai bên đã "trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan hợp tác của Myanmar trong ASEAN", cũng như "điều kiện để Myanmar tham gia vào các hội nghị" của ASEAN.
Myanmar vẫn là thành viên ASEAN nhưng lãnh đạo quân đội nước này đã bị loại khỏi các hội nghị cấp cao của tổ chức, vì từ chối tham gia vào nỗ lực khôi phục hòa bình cũng như đàm phán với các lực lượng đối lập sau chính biến năm 2021.
Lo ngại mới về người Rohingya
Bang Rakhine là nơi sinh sống của những người Rohingya theo đạo Hồi, vốn có mâu thuẫn sâu sắc với cộng đồng dân tộc Rakhine đông hơn và chủ yếu theo đạo Phật. Các tổ chức nhân quyền và cứu trợ hôm 19.5 đã bày tỏ lo ngại trước thông tin nhà dân bị thiêu rụi hàng loạt ở Buthidaung, khiến hàng chục ngàn dân thường phải di dời, chủ yếu là người Rohingya.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk tối 20.5 ra tuyên bố kêu gọi AA và chính quyền quân sự Myanmar tạm dừng giao tranh, đồng thời cho phép dân thường tiếp cận hỗ trợ nhân đạo ở Rakhine, theo AFP. "Đây là giai đoạn quan trọng khi nguy cơ xảy ra thêm tội ác tàn bạo đặc biệt nguy cấp", ông Turk cảnh báo.
Bình luận (0)